Quý III-2024, có hơn 100 nam giới là nạn nhân của tội phạm mua bán người

Pháp luật - Ngày đăng : 22:10, 24/10/2024

Theo Bộ Công an, trong Quý III-2024, các đơn vị, địa phương đã điều tra xử lý 83 vụ với 240 bị can liên quan đến 269 nạn nhân mua bán người.

Theo Bộ Công an, với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban chỉ đạo 138/CP), cơ quan này đã tham mưu triển khai mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người năm 2024 (từ 1-7 đến 30-9).

Bộ Công an cũng chỉ đạo lực lượng công an các cấp tăng cường công tác quản lý cư trú, nắm tình hình số phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày tại địa phương không rõ lý do nghi bị mua bán.

Cùng đó là đẩy mạnh kiểm tra, xử lý vi phạm việc chấp hành quy định về quản lý Nhà nước trong các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; chủ động phát hiện, ngăn chặn hoạt động liên quan đến tội phạm mua bán người và các hành vi có liên quan…

Quý III-2024, có hơn 100 nam giới là nạn nhân của tội phạm mua bán người
Lực lượng Công an vừa phát hiện, triệt phá đường dây mua bán trẻ sơ sinh liên tỉnh. Ảnh: CA

Tiếp nhận hàng trăm cuộc gọi liên quan mua bán người

Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người (Tổng đài điện thoại quốc gia về bảo vệ trẻ em - số 111) đã tiếp nhận 621 cuộc gọi (tăng 30 cuộc so với cùng kỳ năm 2023) phản ánh về tình hình mua bán người tại Việt Nam và các vấn đề khác như di cư, xuất khẩu lao động hoặc việc làm.

Ngoài ra, lực lượng công an cũng đề nghị tư vấn về tâm lý, chính sách các dịch vụ và hỗ trợ nạn nhân, tìm kiếm người mất tích; hỗ trợ tư vấn tìm kiếm nơi tạm lánh, hỗ trợ y tế, pháp lý, tư vấn tâm lý cho nạn nhân và gia đình của nạn nhân…; đã hỗ trợ cho 36 người có dấu hiệu và nguy cơ là nạn nhân của mua bán người.

Công tác phòng ngừa xã hội tiếp tục được đẩy mạnh. Tại các địa phương, công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm được Ban Chỉ đạo 138 các cấp xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Hoạt động tuyên truyền đa dạng hơn, phong phú phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền.

Tập trung truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, công nghệ số, các trang mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở, đặc biệt là xây dựng, duy trì các trang mạng xã hội kết nối, tương tác giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, người dân phục vụ công tác quản lý, điều hành và tuyên truyền phòng ngừa tội phạm.

Lực lượng Công an cấp xã thường xuyên thông báo phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm đến địa bàn dân cư để Nhân dân cảnh giác, như tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, tội phạm liên quan đến "tín dụng đen", tội phạm và tệ nạn ma túy, tội phạm mua bán người...

Nạn nhân bị mua bán trong nội địa chiếm gần 60%

Công an địa phương phối hợp với VKSND, TAND lựa chọn vụ án hình sự điểm, vụ án đặc biệt nghiêm trọng để tổ chức xét xử lưu động nhằm răn đe, phòng ngừa tội phạm. Duy trì hoạt động của các mô hình phòng, chống tội phạm chất lượng, hoạt động hiệu quả.

Chú trọng triển khai các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về công tác phòng, chống mua bán người. Theo đó, đã tổ chức 49.416 cuộc tuyên truyền với trên 578.000 người tham gia.

Quý III-2024, các đơn vị, địa phương đã tiếp nhận, giải quyết 63 tin báo, tố giác liên quan đến tội phạm mua bán người. Đã điều tra xử lý 83 vụ với 240 bị can liên quan đến 269 nạn nhân mua bán người theo các tội danh được quy định.

Trong đó, tội danh mua bán người chiếm 46 vụ, 110 bị can và 149 nạn nhân; mua bán người dưới 16 tuổi chiếm 37 vụ án, 130 bị can và 120 nạn nhân. Đã khởi tố mới 32 vụ án với 92 bị can.

Qua thống kê, trong số 269 nạn nhân bị mua bán, không có nạn nhân là người nước ngoài. Nạn nhân là nam giới chiếm 37,55%, nữ giới chiếm 62,45%; dưới 16 tuổi chiếm 43,87%, từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chiếm 14,13%, trên 18 tuổi chiếm 42%. Nạn nhân bị mua bán trong nội địa chiếm 59,48%, trong đó có 61 trẻ sơ sinh.

Theo Ban chỉ đạo 138/CP, tình hình tội phạm mua bán người trong nội địa và nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp.

Các đối tượng lợi dụng mạng xã hội, sử dụng chiêu trò việc nhẹ lương cao để lừa gạt nạn nhân đưa ra nước ngoài nhằm mục đích kết hôn trái pháp luật, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, hoạt động phạm tội…

Ở trong nước, nổi lên tình hình mua bán người vào các cơ sở kinh doanh có điều kiện và mua bán trẻ sơ sinh trên không gian mạng thông qua thủ đoạn cho, nhận con nuôi, làm giả giấy tờ, hợp pháp hóa các thủ tục cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài để trục lợi bất chính.

PHI HÙNG