Người nước ngoài truyền cảm hứng học và lan tỏa ngôn ngữ tiếng Việt

Cộng đồng người Việt - Ngày đăng : 15:42, 24/10/2024

"Đỗ" không phải "Đố", "Quằn quại" không phải "Quan quại"... những khoảnh khắc đáng yêu này xuất hiện trong các video TikTok và YouTube của Liliya Kholodova (Nga). Các video này đã thu hút hàng chục nghìn lượt xem và chia sẻ, trở thành biểu tượng sống động về sự gắn kết văn hóa, lan tỏa tình yêu ngôn ngữ Việt Nam vượt qua biên giới.

Liliya và hành trình "ngược dòng" giảng dạy tiếng Việt

Liliya Kholodova, 33 tuổi, mang trong mình hai dòng máu Nga - Việt. Cô sinh ra và lớn lên ở Nga. Những chuyến đi đi về về Việt Nam theo mẹ đã giúp cô thông thạo cả hai ngôn ngữ Nga- Việt và vun đắp tình yêu cả hai nền văn hóa. Cũng chính điều này đã giúp cô trở thành chất "xúc tác" để chồng cô - Bùi Sơn - người gốc Việt ở Nga, từ một người chỉ nói được một vài câu giao tiếp tiếng Việt cơ bản đã biết, hiểu hơn về tiếng mẹ đẻ.

Người nước ngoài dạy tiếng Việt: câu chuyện về tình yêu và văn hóa
Kênh TikTok "Điệu hổ Li Sơn" của hai vợ chồng Liliya và Bùi Sơn thu hút hơn 330 nghìn lượt thích. (Ảnh chụp màn hình: Phan Anh)

"Mọi người thường ngạc nhiên vì tôi nói tiếng Việt tốt hơn cả chồng mình, dù anh ấy là người Việt", Liliya chia sẻ. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc giữ gìn ngôn ngữ và văn hóa Việt trong gia đình, ngay từ khi kết hôn, cô đã quyết tâm giao tiếp bằng tiếng Việt với chồng.

Cuộc hành trình bắt đầu với những bài học cơ bản, khi cô sử dụng sách giáo khoa lớp 1 và bảng chữ cái tiếng Việt để giúp Bùi Sơn làm quen với ngữ âm và ngữ pháp. Tuy nhiên, quá trình này không hề dễ dàng. Sơn thường phát âm sai dấu, nhầm lẫn giữa dấu hỏi và dấu sắc khiến Liliya nhiều lần muốn bỏ cuộc. Thêm vào đó, việc Sơn sử dụng tiếng địa phương Quảng Bình với những từ như "chi, mô, răng rứa" càng làm việc dạy tiếng Việt phức tạp hơn.

Nhưng với sự kiên nhẫn và tình yêu dành cho tiếng Việt, Liliya không từ bỏ. Cô khuyến khích chồng bằng cách sử dụng các bài báo kinh tế, lĩnh vực anh đang làm việc, để anh có thể thực hành tiếng Việt trong các tình huống thực tế. Những hoạt động đời sống như đi chợ Tết, mua hoa, trả giá cũng được cô tận dụng để giúp anh giao tiếp tự nhiên hơn.

Những nỗ lực của họ đã gặt hái được thành công không chỉ trong gia đình. Bùi Sơn đã có thể giao tiếp, đọc sách báo bằng tiếng Việt. Đặc biệt, kênh TikTok "Điệu hổ Li Sơn" của hai vợ chồng đã thu hút hơn 330 nghìn lượt thích và hơn 8.000 người theo dõi. Những video của họ không chỉ hài hước mà còn đầy cảm hứng, giúp lan tỏa ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam một cách tự nhiên. "Thật thú vị khi chứng kiến một cô gái Nga dạy tiếng Việt cho chồng gốc Việt", một người theo dõi bình luận.

Cầu nối văn hóa qua tiếng Việt

Câu chuyện của Liliya và Bùi Sơn là minh chứng cho thấy tình yêu tiếng Việt có thể lan tỏa đến bất kỳ ai, bất kể nguồn gốc hay khoảng cách địa lý. Không chỉ riêng Liliya, trên khắp thế giới, có rất nhiều người nước ngoài yêu mến và chọn dạy tiếng Việt, ngay cả cho chính người gốc Việt.

Tại Pháp, Hội hữu nghị Pháp - Việt ở Bordeaux đã duy trì việc giảng dạy tiếng Việt trong suốt 30 năm qua. Hàng năm, Hội tổ chức từ 4 đến 5 lớp học, thu hút hàng chục học viên, không chỉ người Việt mà còn rất nhiều người Pháp.

Người nước ngoài dạy tiếng Việt: câu chuyện về tình yêu và văn hóa
Khai trương Tủ sách tiếng Việt phục vụ cộng đồng người Việt tại Pháp, tháng 7/2024. (Ảnh: Quốc Trung)

Trao đổi với báo chí, ông Antoine Ertlé, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ tại Đại học Bordeaux Montaigne, cho biết, việc giảng dạy tiếng Việt không chỉ là một phần trong chiến lược thúc đẩy học ngoại ngữ tại Pháp, mà còn đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ cộng đồng người Việt cũng như những người yêu mến ngôn ngữ này. Trung tâm có những giáo viên giảng dạy tiếng Việt có trình độ cao, có năng lực và phương pháp giảng dạy tốt, nên chương trình giảng dạy tiếng Việt đã được đưa vào từ năm 2018, khởi đầu bằng những lớp học buổi tối. Các lớp học tiếng Việt không chỉ tập trung vào ngữ pháp, từ vựng, mà còn kết hợp các yếu tố văn hóa như lịch sử, phong tục tập quán, giúp học viên không chỉ học ngôn ngữ mà còn cảm nhận sâu sắc hơn về đất nước, con người Việt Nam.

Ông Ertlé hy vọng rằng trong tương lai có thể mở rộng chương trình để cấp chứng chỉ đại học, thậm chí bằng cử nhân, giống như đã áp dụng với chương trình tiếng Hàn. Đồng thời, trung tâm cũng mong muốn đẩy mạnh hợp tác trao đổi với các trường đại học ở Việt Nam, nhằm gửi sinh viên Pháp sang Việt Nam để thực tập tiếng Việt, và ngược lại, đón sinh viên Việt Nam đến Pháp để học tiếng Pháp.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ thông tin, tiếng Việt đang có cơ hội vươn xa hơn bao giờ hết. Các nền tảng truyền thông xã hội như TikTok, YouTube không chỉ là nơi để chia sẻ những câu chuyện đời thường mà còn trở thành kênh quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam hiệu quả. Những nền tảng này, với tính chất tương tác cao và phạm vi tiếp cận rộng, đã thay đổi cách học và dạy ngôn ngữ truyền thống. Những video ngắn, dễ tiếp cận đã mở ra những cách tiếp cận mới, không chỉ cho người học tiếng Việt mà còn cho tất cả những ai muốn tìm hiểu về văn hóa Việt Nam. Câu chuyện của Liliya và Bùi Sơn, hay các cộng đồng học tiếng Việt ở các quốc gia đều chứng minh rằng tiếng Việt không chỉ là của người Việt mà đã trở thành một phần của nền văn hóa toàn cầu.

Phan Anh