"Bố mẹ ơi, con... sập nguồn"
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 10:19, 24/10/2024
Ảnh minh họa
Tại sao con kiệt sức mà không nói cho bố mẹ biết?
Chúng ta, người lớn, đôi khi cũng kiệt sức, quá tải ngay cả với công việc mà mình yêu thích. Những giáo viên tận tâm nhất có thể kiệt sức khi giảng dạy; cha mẹ cũng có thể kiệt sức trong việc dạy con. Nên trẻ em cũng có thể kiệt sức.
Nhưng chúng lại không thể nói ra giống như người lớn. Vì chúng không biết thế nào là… quá tải. Chưa kể, khi chúng nói ra, nhiều cha mẹ lại cho rằng đứa trẻ… lười biếng.
Con trẻ thực sự không biết chúng đang bị quá tải. Thứ chúng biết chỉ đơn giản là… không muốn làm điều đó nữa, bỏ chạy khỏi việc đó, sợ hãi, chán ghét việc đó. Con không biết làm sao để cho cha mẹ hiểu mà không cho rằng chúng lười biếng, trốn tránh trách nhiệm.
Chúng ta thật dễ để tính toán cùng lúc 10 phép tính trong khi với con là rất khó khăn. Chúng ta dùng đầu óc của người 30 tuổi để đánh giá thứ trong đầu đứa trẻ 10 tuổi nên luôn sai lè vậy.
Quá tải của một đứa trẻ là…
Quá tải không phải là mất hứng thú với trách nhiệm của mình và cũng không phải là thiếu động lực. Thực tế, những người cực kỳ đam mê công việc họ đang làm, thậm chí có thể dễ bị kiệt sức hơn vì đó là kết quả của việc sử dụng quá nhiều năng lượng mà không có thời gian nghỉ ngơi cần thiết.
Đặc biệt với trẻ nhỏ, khi rơi vào tình trạng kiệt sức/quá tải, các em có thể không biết cách tự mình giải quyết.
Một số nguyên nhân khiến trẻ thấy quá tải:
Áp lực ở trường với bạn bè, thầy cô và với khối lượng bài vở cần hoàn thành cộng lại.
Áp lực với kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô và có khi từ cả bạn bè.
Khả năng ưu tiên thời gian của trẻ là chưa có, chưa hình thành, nên càng dễ khiến trẻ kiệt sức khi cùng lúc phải hoàn thành nhiều nhiệm vụ (học giỏi- ngoan ngoãn- giúp đỡ bạn bè- trở thành con ngon-học trò cưng của thầy cô…).
Và ngay cả khi trẻ không tự mình trải qua tình trạng kiệt sức, chúng vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi sự kiệt sức mà cha mẹ và giáo viên đang cảm thấy. Những bậc cha mẹ trải qua tình trạng kiệt sức thường có khả năng gặp nhiều xung đột hơn ở nhà cũng như mối quan hệ ngày càng căng thẳng với vợ/chồng và con cái của họ.
Nên làm gì nếu nhận ra con sắp kiệt sức?
1. Hiểu rõ những dấu hiệu cảnh báo con sắp kiệt sức
Nếu điều gì đó từng khiến con cảm thấy thú vị và đầy động lực giờ lại khiến con bạn sợ hãi thì đó là một dấu hiệu khá rõ ràng rằng, tình trạng kiệt sức không còn quá xa vời.
2. Sắp xếp thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn
Hãy cùng con kiểm lại danh sách những việc con đang cần làm, gạch đầu dòng chúng ra và sắp xếp thứ tự ưu tiên. Có thể gạt bỏ đi những công việc không cần thiết để giúp con giảm tải. Lên kế hoạch nghỉ ngơi xen kẽ vì công việc sẽ chỉ tốt lên khi chúng ta nghỉ ngơi đúng và đủ.
3. Tìm một lối thoát lành mạnh cho căng thẳng mà con có thể sử dụng thường xuyên
Vươn vai, hít thở hoặc đi dạo cũng là cách để con thả lỏng tâm trí của mình. Viết nhật ký, vẽ tranh, kể cả chơi game, đừng quá nghiêm khắc với con, hãy để con có thời gian thư giãn thực sự. Chọn điều gì đó khiến con bạn cảm thấy tự nhiên hoặc thú vị.
4. Biết khi nào nên nói "không"
Chúng ta dạy con mình cách nói "không" với chất gây nghiện, không đi theo người lạ. Có lẽ đã đến lúc thêm một điều nữa vào danh sách, đó là nói "không" với quá nhiều căng thẳng. Tất nhiên, căng thẳng không hoàn toàn xấu. Một chút căng thẳng có thể mang lại động lực. Học cách đối phó với căng thẳng một cách lành mạnh là một kỹ năng sống quý giá mà mọi đứa trẻ nên học.
Theo Phunuvietnam