Trẻ dậy thì muộn cần tập luyện như thế nào?
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 16:39, 23/10/2024
1. Tập thể dục quá độ có thể dẫn đến dậy thì muộn
Vận động thể dục, thể thao là một phần không thể thiếu trong lối sống lành mạnh , mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như tăng cường miễn dịch , cải thiện sức khỏe tim mạch, tăng sức bền , kiểm soát cân nặng...
Thế nhưng, tập thể dục quá độ ở lứa tuổi thanh thiếu niên có thể dẫn đến nguy cơ dậy thì muộn , thường xảy ra ở nữ vận động viên chuyên nghiệp như vận động viên thể dục chuyên nghiệp, vũ công múa ba lê, tuyển thủ bơi lội… Điều này là do mức độ luyện tập cao khiến trẻ bị thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là chất béo, cơ thể không có đủ dinh dưỡng và năng lượng cần thiết cho sự phát triển.
Chính bởi vậy, cần đảm bảo tập luyện đúng cách, lựa chọn hoạt động thể chất và cường độ luyện tập phù hợp với độ tuổi và sức khỏe của trẻ em nhằm:
Thúc đẩy sự phát triển cơ thể: Tập thể dục đều đặn và vừa phải có thể giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, tăng cường sự phát triển của cơ và xương, thúc đẩy sự tuần hoàn máu và tăng cường sản xuất hormone tăng trưởng, từ đó hỗ trợ quá trình dậy thì.
Giảm căng thẳng và lo âu: Tình trạng căng thẳng có thể góp phần gây ra dậy thì muộn. Tập thể dục thường xuyên giúp giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng, hỗ trợ cơ thể cân bằng hormone và thúc đẩy quá trình dậy thì.
Ngăn ngừa tình trạng béo phì : Tập thể dục giúp kiểm soát cân nặng và duy trì thể trạng khỏe mạnh, chống béo phì.
2. Tập như thế là đúng?
Tập thể dục có vai trò quan trọng trong việc khắc phục dậy thì muộn ở trẻ em. Phụ huynh nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể chất như chơi bóng, chạy nhảy, tập yoga hoặc tham gia các câu lạc bộ thể thao.
- Bài tập aerobic: Các hoạt động như đi bộ nhanh, chạy bộ nhẹ, đạp xe, hoặc bơi lội hỗ trợ tăng cường tuần hoàn máu, cải thiện sức bền và sự phát triển cơ bắp.
- Yoga, pilates và các bài tập kéo giãn: Những bài tập này cải thiện sự linh hoạt và độ dẻo dai của cơ thể. Không những thế, việc thực hành các bài tập kéo giãn còn làm giảm căng thẳng, lo âu liên quan đến dậy thì muộn ở trẻ.
- Tham gia các môn thể thao đội nhóm: Bóng rổ, bóng chuyền, khúc côn cầu... không chỉ cải thiện sức khỏe tim mạch, tăng cường thể lực mà còn hỗ trợ trẻ phát triển các kỹ năng xã hội và làm việc nhóm. Chơi thể thao giúp duy trì cân nặng hợp lý, đồng thời hỗ trợ trẻ có cơ hội vận động toàn thân, thúc đẩy phát triển chiều cao và cơ bắp.
Cần đảm bảo tập luyện đúng cách, lựa chọn hoạt động thể chất và cường độ luyện tập phù hợp với độ tuổi và sức khỏe của trẻ em.
3. Một số lưu ý khi vận động ở trẻ
Trẻ dậy thì muộn cần lưu ý một số điều sau đây trong quá trình tập luyện:
- Cân bằng giữa nghỉ ngơi và tập luyện: Trẻ dậy thì muộn cần được nghỉ ngơi đầy đủ và không tập luyện quá mức.
- Tập luyện dưới sự hướng dẫn của chuyên gia: Trong trường hợp có sự chậm trễ phát triển rõ rệt, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia để điều chỉnh chế độ tập luyện và dinh dưỡng phù hợp.
Theo Gia Đình & Xã Hội