'Khắc nhập, khắc xuất' với lý lịch tư pháp thời 4.0

Cuộc sống số - Ngày đăng : 09:37, 23/10/2024

Ngành tư pháp đang phải đối mặt với sự quá tải về công việc. Chuyển đổi số vì thế đã trở thành giải pháp bắt buộc để thoát khỏi tình trạng quá tải và nâng cao hiệu quả công việc.

Thách thức từ “núi” dữ liệu khổng lồ ngành tư pháp

Ngành tư pháp Việt Nam hiện đang đối mặt với một thách thức lớn khi khối lượng công việc tăng cao, trong khi nguồn nhân lực có hạn. Các cán bộ tư pháp, từ trung ương đến địa phương, đang phải xử lý một lượng hồ sơ khổng lồ mỗi ngày.

Ông Nguyễn Thi, Trưởng phòng Hành chính Tư pháp Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng cho biết, mỗi tháng, cán bộ tư pháp tại tỉnh này phải xử lý hơn 1.000 trường hợp xin cấp phiếu lý lịch tư pháp. Tính ra, mỗi năm con số này lên đến hơn 10.000 trường hợp.

Phòng Hành chính Tư pháp Lâm Đồng chỉ có 5 cán bộ, nhưng phải quản lý đến 7 lĩnh vực, bao gồm cả tư pháp, hộ tịch, quốc tịch, chứng thực...

Hiện có tình trạng lạm dụng lý lịch tư pháp, bởi vậy các cán bộ tư pháp rất vất vả khi phải đối mặt với lượng công việc khổng lồ. Chúng tôi đang thiếu nhân lực một cách trầm trọng”, ông Thi nói.

ly lich tu phap.jpg
Người dân xếp hàng lấy lý lịch tư pháp. Ảnh: KTĐT

Khó khăn không chỉ đến từ khối lượng công việc mà còn từ tính chất phức tạp của các tài liệu tư pháp. Hồ sơ tư pháp thường bao gồm hàng trăm, thậm chí hàng nghìn trang văn bản, đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn trọng trong quá trình nhập liệu.

Trước đây, việc nhập liệu một bản án mất trung bình 15 phút. Quá trình này đòi hỏi cán bộ tư pháp phải nhập từng chi tiết từ tài liệu giấy vào hệ thống, dễ dẫn đến sai sót và kéo dài thời gian xử lý. Trong thời kỳ cao điểm như cuối năm hoặc mùa tuyển dụng, tình trạng quá tải diễn ra thường xuyên, khiến người dân phải chờ đợi lâu hơn để được cấp phiếu lý lịch tư pháp.

Khắc nhập khắc xuất dữ liệu bằng phần mềm Make in Viet Nam

Trong bối cảnh đó, ngành tư pháp đã tìm ra lối thoát bằng cách ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số, trong đó nổi bật là phần mềm “khắc nhập khắc xuất”. Đây là phần mềm tự động hóa công tác xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.

W-chuyen doi so tu phap khac nhap khac xuat 2.jpg
Công nghệ AI được ứng dụng vào việc bóc tách thông tin từ các tài liệu đã được số hóa. Ảnh: Trọng Đạt

Theo anh Nguyễn Tiến Phúc, Tổng giám đốc Công ty CP BDA, đơn vị phát triển phần mềm “khắc nhập khắc xuất”, nhờ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tự động hóa quy trình nhập liệu, giải pháp này có khả năng phân tích và bóc tách thông tin từ các tài liệu đã được scan.

Thay vì phải nhập liệu thủ công từng chi tiết, cán bộ tư pháp chỉ cần scan tài liệu giấy lên môi trường điện tử, sau đó AI sẽ tự động phân tích và nhập thông tin vào hệ thống.

Cách làm này giúp rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ từ 15 phút xuống còn 5 giây cho mỗi bản án. Với năng lực xử lý lên tới 100.000 trang tài liệu mỗi ngày, phần mềm này có thể đảm nhận khối lượng công việc của hàng trăm người lao động.

Anh Nguyễn Tiến Phúc chia sẻ: “AI của chúng tôi được phát triển hoàn toàn bởi đội ngũ kỹ sư Việt Nam, với khả năng bóc tách thông tin từ các tài liệu pháp lý tiếng Việt. So với các giải pháp quốc tế, phần mềm của chúng tôi có lợi thế vượt trội trong việc xử lý ngôn ngữ và văn bản phi cấu trúc, điều mà các công nghệ nước ngoài khó áp dụng vào thực tế Việt Nam”.

Dữ liệu thu thập về đến đâu là được đẩy lên cơ sở dữ liệu đến đấy. Đọc scan rất nhanh. Đó cũng là lý do tại sao giải pháp lại lấy tên là “khắc nhập khắc xuất”, một cái tên rất thuần Việt”, anh Phúc nói.

W-chuyen doi so tu phap khac nhap khac xuat 1.jpg
Anh Nguyễn Tiến Phúc cùng nhân viên hiệu chỉnh tính năng của phần mềm "khắc nhập khắc xuất". Ảnh: Trọng Đạt

Khả năng xử lý nhanh và chính xác của phần mềm đã được chứng minh qua các dự án thí điểm tại Sở Tư pháp Lâm Đồng và Quảng Bình, giúp khối lượng hồ sơ tồn đọng giảm đáng kể, trong khi hiệu suất làm việc của cán bộ được cải thiện rõ rệt.

Ông Nguyễn Thi cho biết, sau khi đưa phần mềm vào ứng dụng từ đầu năm 2024, Sở Tư pháp Lâm Đồng đã giảm tải được 1/3 khối lượng công việc, tương đương với việc tiết kiệm được khoảng 1/3 thời gian, công sức của các cán bộ làm tư pháp.

Sau khi tiến hành scan bản án, phần mềm sẽ giúp bóc tách thông tin trên đó thành các trường dữ liệu. Khả năng bóc tách của phần mềm được đánh giá khoảng từ 70-90% tùy theo từng văn bản, vẫn cần có sự can thiệp nhất định để tinh chỉnh của con người”, ông Thi nói.

Chia sẻ kinh nghiệm làm chuyển đổi số, vị cán bộ tư pháp này cho hay, các giải pháp công nghệ không thể thay thế được con người mà chỉ đóng vai trò hỗ trợ, giúp giảm tải lượng công việc.

Công việc nhiều nên chúng tôi rất cần các giải pháp chuyển đổi số, nhất là các giải pháp do các doanh nghiệp trong nước phát triển để giải quyết vấn đề nhân lực”, ông Nguyễn Thi, Trưởng phòng Hành chính Tư pháp Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng chia sẻ.