Sầu riêng đem về niềm vui hơn 1.000 tỷ đồng cho miền núi Khánh Hòa

Kinh doanh - Ngày đăng : 07:37, 23/10/2024

Người dân huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa vừa kết thúc mùa sầu riêng, thu hoạch khoảng 17 ngàn tấn, doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng. Sầu riêng đem lại niềm vui chung cho bà con miền núi, kinh tế ngày càng phát triển.


Huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa có xuất phát điểm thấp. Toàn huyện có 8 đơn vị hành chính cấp xã, là nơi sinh sống của 13 dân tộc, trong đó đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số Raglai, chiếm ¾ dân số toàn huyện. Cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo toàn huyện hơn 66%. Huyện Khánh Sơn là 1 trong 74 huyện nghèo toàn quốc giai đoạn 2021 - 2025. Làm sao để thoát nghèo bền vững là câu hỏi được chính quyền, người dân địa phương đặt ra trong nhiều năm qua.

Với lợi thế ở độ cao khoảng 1.000m, khí hậu ôn hòa, Khánh Sơn thuận lợi để phát triển cây ăn quả. Huyện đã trồng thí điểm, nhân rộng thành công cây sầu riêng, măng cụt, chôm chôm...Đặc biệt, cây sầu riêng đã bén rễ, ra quả ngọt, niềm vui cho người miền núi. Sầu riêng Khánh Sơn đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, mỗi héc ta sầu riêng thu bình quân khoảng 15 tấn/ năm, đem về cho người trồng khoảng 1 tỷ đồng. Đây là số tiền rất lớn đối với bà con miền núi.

Ông Trần Văn Toàn, ở thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn cho biết: "Cây sầu riêng đầu mùa giá ổn định, mới đầu, thương lái vô tận vườn mua giá 80-85 ngàn/kg, sau này, tuột xuống còn 65-70 ngàn. Vậy nhưng vẫn có lời, chỉ khoảng 30 ngàn, nông dân vẫn có lời, như vậy là ổn định rồi, thế cũng rất mừng. Trái sầu riêng này phụ thuộc Trung Quốc nhiều, bà con mong sau, trong nước tiêu thụ càng nhiều càng tốt để giá cả ổn định hơn".

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có hơn 1.200 tỷ đồng được Nhà nước đầu tư tại huyện Khánh Sơn để phát triển toàn diện cho kinh tế - xã hội, nhất là về hạ tầng, tạo việc làm, an sinh xã hội, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ mô hình sinh kế giúp cho người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững. Địa phương hình thành vùng trồng cây ăn quả tập trung đạt chuẩn cấp mã số vùng trồng, thực hiện liên kết chuỗi giá trị, đáp ứng chế biến và xuất khẩu...; thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị kinh tế cao...Đường sá giao thông thuận lợi, cây sầu riêng trên đất Khánh Sơn cho hiệu quả kinh tế cao. Rất nhiều người từ nơi khác tìm đến vùng miền núi này đầu tư, lập nghiệp.

Ông Nguyễn Quang Trung, từ quận Đống Đa, thành phố Hà Nội cho biết: "Có lẽ bắt đầu từ 5-10 héc ta, sau này, tùy sức mình mở rộng đến đâu thì mở rộng thôi. Khí hậu và các điều kiện khác đều thuận lợi, chưa thấy khó khăn. Khó khăn duy nhất là chúng tôi là tay ngay, mới vào nên kinh nghiệm chưa có nên phải học hỏi những người đi trước đã làm ở đây rồi. Nói Khánh Sơn xa mà không xa, đường sá rất thuận lợi, từ Nha Trang lên đây mất chưa đến 2 tiếng. Riêng đường hàng không, từ sân bay Cam Ranh đi lên đây rất nhanh, đường càng ngày càng đẹp".

Toàn huyện Khánh Sơn đang có 5.000 héc ta sầu riêng, trong đó có 2.600 héc ta đang thu hoạch với sản lượng khoảng 17.000 tấn. Sầu riêng Khánh Sơn đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, được bình chọn là thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam, trong đó có các loại sầu riêng nổi tiếng như như: Mongthong, Ri6, Musang King, Chín Hóa... Thời gian qua, địa phương đã tích cực vận động, khuyến khích người dân trồng sầu riêng trong vùng quy hoạch, phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng. Đặc biệt, trên địa bàn có 15 mã vùng trồng sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc với tổng diện tích 430 héc ta.

Ông Đinh Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, phát huy nguồn vốn vay ưu đãi từ chính sách nông nghiệp, nông thôn, địa phương vận động người dân phát triển cây sầu riêng trong vùng được quy hoạch. Dự kiến đến năm 2030, toàn huyện sẽ có 7.300 héc ta cây ăn quả, tăng hơn 40% so với hiện nay. Ông Đinh Văn Dũng cho biết, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là chi nhánh ngân hàng thương mại duy nhất tại huyện miền núi này, hiện có dư nợ gần 200 tỷ đồng, trợ lực cho người dân trồng sầu riêng.

"Cây trồng có giá trị kinh tế cao như sầu riêng phải đầu tư dài hạn, năm thứ 5 mới thu hoạch, không có nguồn vốn trợ giúp từ ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn khó thành công. Ngân hàng đã khơi thông, giải ngân nguồn vốn rất nhiều, giúp nhiều bà con nông dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đầu tư cây trồng", ông Đinh Văn Dũng nói.