Điểm tin Kinh doanh 23/10: Giá vàng: Giá vàng trong nước tăng mạnh

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 23/10/2024

TP. Hồ Chí Minh: 9 tháng, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 7,76%; Lợi nhuận quý 3/2024 của PNJ rơi xuống đáy
co.opxtra-long-binh-la-thanh-vien-thu-5-cua-phan-khuc-dai-sieu-thi-13-.jpg

- Giá vàng: Giá vàng trong nước tăng mạnh

Giá vàng chiều 22/10, theo ghi nhận giá vàng trên thị trường trong nước tiếp tục tăng mạnh với mức tăng trung bình từ 300.000 đồng - 1 triệu đồng/lượng cả ở chiều mua vào và bán ra tùy theo thương hiệu.

Vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng: 87 triệu đồng/lượng mua vào, 89 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 1 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều).

Vàng SJC Phú Quý: 87 triệu đồng/lượng mua vào (tăng 1 triệu đồng/lượng), 89 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 1 triệu đồng/lượng).

Vàng DOJI tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh: 87 triệu đồng/lượng mua vào, 89 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 1 triệu đồng/lượng cả ở chiều mua vào và bán ra).

Giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu được doanh nghiệp giao dịch ở mức 87 triệu đồng/lượng mua vào, 89 triệu đồng/lượng bán ra. Vàng nhẫn tròn trơn được doanh nghiệp giao dịch ở mức 86,23 triệu đồng/lượng mua vào, 87,63 triệu đồng/lượng bán ra. Cả hai mặt hàng vàng đều tăng đáng kể so với ngày 21/10.

Vàng nhẫn PNJ tại TP Hồ Chí Minh và vàng PNJ tại Hà Nội: 86,1 triệu đồng/lượng mua vào (tăng 300.000 đồng/lượng so với ngày 21/10), 87,1 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 350.000 đồng/lượng so với ngày 21/10).

Trong đầu giờ sáng 22/10, giá vàng thế giới giao ngay ở mức 2.727 USD/ounce, giảm 11,7 USD/ounce so với đêm cùng ngày. Giá vàng giao tương lai tháng 1-2024 trên sàn Comex New York ở mức 2.741,75 USD/ounce.

Sáng 22/10, vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng ở mức hơn 84,5 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 3,5 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Giá vàng trên sàn Kitco lúc 21 giờ (ngày 21/10, theo giờ Việt Nam) giao dịch ở mức 2.738,7 USD/ounce, tăng 0,64% so với đầu phiên. Giá vàng tương lai giao tháng 12/2024 trên sàn Comex New York giao dịch ở mức 2.732,2 USD/ounce.

Giá vàng tiếp tục được hỗ trợ bởi hàng loạt bất ổn địa chính trị tại Trung Đông và sự kỳ vọng vào việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại cuộc họp vào đầu tháng 11 tới.

Các chuyên gia cho rằng, đà tăng của vàng vẫn chưa hết. Bất chấp đồng USD và lợi suất trái phiếu tăng, giá kim loại quý vẫn tăng mạnh. Giới đầu tư vẫn tiếp tục đổ xô vào vàng, kỳ vọng giá vẫn còn tăng tiếp từ nay đến cuối năm.

- Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2025 gần 2 triệu tỷ đồng, Chính phủ vay nợ kỷ lục

Năm 2025, Chính phủ dự toán thu ngân sách nhà nước 1.966,8 nghìn tỷ đồng, tăng 15,6% dự toán năm 2024 và tăng 5% ước thực hiện năm 2024 (1.873,3 nghìn tỷ đồng). Cùng đó, Chính phủ cũng dự kiến vay thêm khoảng 800 nghìn tỷ, cao nhất từ trước đến nay để đáp ứng nhiệm vụ chi...

Ngày 22/10, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025 - 2027.

Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 là 1.700,99 nghìn tỷ đồng, thực hiện 9 tháng đạt 85,1% dự toán, tăng 17,9% so cùng kỳ năm 2023.

"Đánh giá cả năm ước đạt 1.873,3 nghìn tỷ đồng, vượt 172,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so dự toán; đạt tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước khoảng 16,5% GDP, trong đó từ thuế, phí đạt 13,1% GDP", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Chính phủ đánh giá cơ bản ước các lĩnh vực thu ngân sách nhà nước đều đạt và vượt dự toán giao. Trong đó, thu nội địa ước đạt 1.572,7 nghìn tỷ đồng, vượt 8,9% dự toán; thu từ dầu thô đạt 59,3 nghìn tỷ đồng, vượt 28,9% dự toán; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 235,2 nghìn tỷ đồng, vượt 15,3% dự toán. Dự kiến 52/63 địa phương thu đạt và vượt dự toán.

Số thu thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm, gia hạn ước khoảng 189,6 nghìn tỷ đồng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Về chi ngân sách nhà nước, dự toán là 2.119,4 nghìn tỷ đồng; thực hiện 9 tháng đạt 59,3%. Ước cả năm đạt 2.281,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7% so dự toán.

Như vậy, ước bội chi cả năm khoảng 389,4 nghìn tỷ đồng, bằng 3,4% GDP, giảm 10 nghìn tỷ đồng so với dự toán (399,4 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP) do giảm chi nguồn vay của ngân sách địa phương.

- 9 tháng năm 2024: Vận tải tăng trưởng khả quan

9 tháng năm 2024, vận tải hành khách và vận tải hàng hóa đều tăng trưởng khả quan. Với dự báo nhu cầu vận tải những tháng cuối năm tăng cao, khả năng hoàn thành mục tiêu vận tải cả năm là hoàn toàn khả thi...

Năm 2024, Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu khối lượng vận tải hàng hóa tăng 7% (khoảng 2.500 triệu tấn), trong khi vận tải hành khách tăng 8% (khoảng 5.000 triệu lượt hành khách) so với năm 2023. Ngoài ra, khối lượng luân chuyển hàng hóa tăng 8,5% (khoảng 905 tỷ tấn.km) và luân chuyển hành khách tăng 9% (khoảng 269 tỷ hành khách.km) so với cùng kỳ năm 2023. Qua 9 tháng đầu năm, báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy, con số thực hiện đã tiến sát tới con số mục tiêu đề ra hồi đầu năm.

Số liệu thống kê cho thấy, so với cùng kỳ năm trước, vận tải hành khách tăng 9,0% về vận chuyển và tăng 18,0% về luân chuyển. Trong khi đó, vận tải hàng hóa tăng 12,6% về vận chuyển và tăng 7,3% về luân chuyển.

Xét riêng với vận tải hành khách, trong tháng 9/2024, vận tải hành khách ước đạt 435,4 triệu lượt và luân chuyển đạt 23,5 tỷ lượt khách.km. So với tháng 8/2024, khối lượng vận tải hành khách tăng 0,6% trong khi luân chuyển hành khách tăng 0,9%.

Tính riêng trong quý 3/2024, ghi nhận 1.301,7 triệu lượt hành khách di chuyển, tương ứng với mức tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Về phía luân chuyển, ước đạt 70,9 tỷ lượt khách.km, tăng 12,6%.

Như vậy, trong 9 tháng đầu năm 2024, vận tải hành khách ước đạt 3.660,2 triệu lượt khách, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước (so với mức tăng 13,2% của cùng kỳ năm 2023). Khối lượng luân chuyển hành khách trong giai đoạn này đạt 204,6 tỷ lượt khách.km, tăng 12,2% (trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 26,7%).

phat-hanh-trai-phieu-doanh-nghiep-4-1105.jpg

- Lợi nhuận quý 3/2024 của PNJ rơi xuống đáy

Quý 3/2024, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm gần 15% xuống còn 216 tỷ đồng, mức lợi nhuận quý thấp nhất kể từ quý 4/2021 của PNJ.

CTCP Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận (PNJ) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2024, ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.130 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 216 tỷ đồng, giảm khoảng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là mức lợi nhuận quý thấp nhất kể từ quý 4/2021 của công ty này.

Biên lợi nhuận gộp trung bình trong quý 3 này đạt 17,5%, tăng so với mức 17,3% cùng kỳ năm 2023 do kênh trang sức bán lẻ tăng tốt, chiếm 69,8% trong cơ cấu doanh thu, tăng trưởng ở mức hơn 20% so với cùng kỳ. Trong khi đó, doanh thu vàng 24K giảm 46% so với cùng kỳ.

Tính đến hết 9 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu thuần của PNJ đạt 29.242 tỷ đồng, tăng 25,1% so với cùng kỳ, hoàn thành 78,7% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ 3,2% so với cùng kỳ, đạt 1.382 tỷ đồng.

Năm 2024, PNJ đặt mục tiêu doanh thu 37.148 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.089 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, công ty đã thực hiện được 79% chỉ tiêu doanh thu và 66% kế hoạch lợi nhuận năm.

Về hoạt động kinh doanh của từng kênh, doanh thu trang sức bán lẻ trong 9 tháng năm 2024 tăng gần 16%, doanh thu trang sức bán sỉ tăng 30% so với cùng kỳ. Còn doanh thu vàng 24K trong 9 tháng tăng 44% chủ yếu do thị trường sôi động trong nửa đầu năm.

Lũy kế 9 tháng, biên lợi nhuận gộp trung bình đạt 16,7%, giảm so với mức 18,4% cùng kỳ năm 2023. PNJ lý giải rằng, trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, việc duy trì biên lợi nhuận gộp ở mức khá là nhờ các yếu tố như biên lợi nhuận ổn định từ kênh bán lẻ và bán sỉ, cùng với các biện pháp tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao năng lực sản xuất. Điều này giúp bù đắp cho sự suy giảm biên lợi nhuận gộp do tăng tỷ trọng doanh thu từ vàng 24K.

- TP. Hồ Chí Minh: 9 tháng, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 7,76%

Ngày 22/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, công bố tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong 9 tháng năm 2024 tăng 7,76% so với cuối năm 2023, tương đương với số dư tiền gửi xét theo giá trị tuyệt đối đạt hơn 3,8 triệu tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho rằng với tốc độ tăng trưởng huy động vốn đến cuối tháng 9/2024 tăng 7,76% so với cuối năm 2023 và tăng 13,2% so với cùng kỳ.

Trong đó, tiền gửi VND chiếm tỷ trọng hơn 90% trong tổng tiền gửi của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Theo NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, bộ phận tiền gửi của tổ chức kinh tế và cá nhân, tiền gửi tiết kiệm dân cư và tổ chức tín dụng phát hành giấy tờ có giá, đều có tốc độ tăng trưởng dương trong 9 tháng năm 2024.

Số liệu thống kê của NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho thấy, những tháng gần đây, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn có xu hướng tăng trưởng nhanh hơn đầu năm, nâng tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 9/2024 đạt hơn 3,8 triệu tỷ đồng.

Việt Báo (Tổng hợp)