"Nội tướng" không phải "robot chạy bằng cơm"
Gia đình - Ngày đăng : 11:14, 22/10/2024
Không thể phủ nhận, sự tiến bộ của xã hội hiện đại cùng nỗ lực của bản thân, vị thế của người phụ nữ ngày càng được nâng cao trên mọi mặt của đời sống xã hội. Đặc biệt, sự phát triển của công nghệ đã góp phần thay đổi cục diện bình đẳng giới, trở thành trợ thủ để phụ nữ giải phóng sức lao động của mình.
Một nghiên cứu từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ ra rằng, trung bình mỗi ngày, phụ nữ dành 5 giờ cho các công việc chăm sóc gia đình không hưởng lương, nhiều hơn so với nam giới từ 2 đến 2 tiếng rưỡi. Tính ra mỗi tháng, một phụ nữ phải bỏ ra trung bình 150 giờ để thực hiện công việc chăm sóc không được trả lương, con số này trong một năm là 1.800 tiếng. Trong khi sức người có hạn và quỹ thời gian 24 tiếng mỗi ngày là giống nhau giữa nam và nữ, làm sao người phụ nữ có thể mọc thêm 3 đầu 6 tay để chạy đua với núi việc không tên? Những công việc chăm sóc không được trả lương đang trở thành gánh nặng khiến người phụ nữ nếu muốn chu toàn cả việc nhà lẫn việc cơ quan thì phải gồng mình lên gấp đôi, gấp ba nam giới…
Với sự phát triển của khoa học-công nghệ, phụ nữ đang dần được "giải phóng" khỏi những công việc không tên. Các dịch vụ gia đình từ nấu cơm, lau dọn, đi chợ, giặt là đến sửa chữa trang thiết bị, đồ dùng gia… đều có thể được giải quyết trong chốc lát qua các ứng dụng trên thiết bị thông minh. Chính công nghệ đã giúp nhiều phụ nữ nông thôn, vùng sâu vùng xa có thêm cơ hội phát triển bản thân, kết nối với thế giới bên ngoài. Nếu có dịp đến những vùng sâu, vùng xa, bạn có thể bắt gặp hình ảnh những phụ nữ dân tộc thiểu số sử dụng điện thoại thông minh để cập nhật tin tức hay livestream bán hàng.
Ảnh minh họa
Cũng chính sự phát triển của công nghệ số mà hàng ngàn dịch vụ online được ra đời. Cụ thể, trong lĩnh vực nội trợ, để đáp ứng nhu cầu khách hàng, ngày càng nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ sơ chế thức ăn giao tận nhà. Mục tiêu nhắm đến của dịch vụ này là nhóm khách hàng bận rộn nhưng vẫn muốn tự tay chuẩn bị một bữa cơm gia đình. Cùng với đó, việc đi chợ hay siêu thị mua sắm thực phẩm hàng ngày đã không còn cần thiết khi các ứng dụng này kết nối với các nhà cung cấp để đem đến các sản phẩm hữu ích cho gia đình. Người tiêu dùng chỉ cần ngồi ở nhà (hay tranh thủ giờ giải lao ở cơ quan) lựa chọn thực phẩm là vài giờ sau, sẽ có "shipper" giao hàng tận nhà. Không những thế, nhà cung cấp còn tính toán sẵn giúp chị em định lượng các món ăn để không lãng phí thực phẩm. Thế nên, thay vì mất hàng giờ để chuẩn bị một bữa cơm tươm tất cho gia đình, với sự hỗ trợ của công nghệ, người nội trợ chỉ cần đôi, ba mươi phút là đã có ngay cơm dẻo canh ngọt cho gia đình.
Thực tế, việc ứng dụng công nghệ số trong đời sống không chỉ mang đến cơ hội cho phụ nữ tiếp cận các mô hình kinh doanh mới, thị trường mới, cơ hội việc làm mà còn tạo điều kiện cho chị em tham gia các nền tảng thương mại điện tử, tiếp cận khách hàng, quản lý hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn.
Trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phụ nữ ngày càng có nhiều cơ hội và điều kiện phát huy vai trò quan trọng của mình trong xã hội. Ứng dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật, thành tựu của chuyển đổi số đã, đang và sẽ góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân nói chung, phụ nữ nói riêng. Việc phụ nữ tiếp cận với công nghệ mới sẽ tăng cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn, phát huy năng lực cũng như phát triển sự nghiệp.
Phụ nữ có thể tham gia nhiều công việc khác nhau nhờ ứng dụng công nghệ thông tin mà thời kỳ chuyển đổi số mang lại. Chuyển đổi số đã thực sự giúp tiếng nói của phụ nữ có ảnh hưởng đến tiến trình phát triển trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong mỗi lĩnh vực đó, đều có dấu ấn và vai trò của phụ nữ. Có những lĩnh vực, ngành nghề trước đây thường chỉ dành cho nam giới; tuy nhiên, với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phụ nữ có thể tham gia vào nhiều ngành nghề đặc thù đó, thậm chí đóng vai trò là nhà lãnh đạo, nhà quản lý… Chuyển đổi số đang tác động đến từng thành tố của xã hội, mọi cá nhân con người, mọi cơ quan, tổ chức; đồng thời đòi hỏi mỗi thành tố đó phải tự đổi mới để đáp ứng được xu thế mới, thời kỳ mới. Trên đà phát triển của thời đại công nghệ, phụ nữ cần tận dụng các ưu thế mà chuyển đổi số mang lại, đồng thời vượt qua khó khăn, thách thức trong tiến trình đổi mới, phát triển hiện nay.
Dù truyền thống hay hiện đại thì vai trò "giữ lửa" của người phụ nữ trong gia đình Việt Nam vẫn rất quan trọng. Trong mỗi gia đình, "nội tướng" được ví như người "tổng chỉ huy", tổ chức điều hành mọi việc được "trong ấm, ngoài êm". Dù lúc giàu hay nghèo, khi thuận lợi hay khó khăn, tùy theo mức thu nhập của từng gia đình mà "nội tướng" có sự tính toán, điều tiết các khoản chi tiêu... Trong xã hội hiện đại ngày nay, người phụ nữ không chỉ lo việc nhà mà còn tích cực tham gia các công việc xã hội. Ở ngoài xã hội, "nội tướng" có thể là một Giám đốc thành công, là nghệ sĩ nổi tiếng, là nhà khoa học, nhà báo, nhà giáo, nhà văn… Còn trong gia đình, người phụ nữ luôn là trung tâm kết nối yêu thương của gia đình. Để ngày càng nâng cao vị thế bản thân trong gia đình cũng như ngoài xã hội, người phụ nữ hiện đại cần có kiến thức và kỹ năng trong tổ chức cuộc sống, hài hoà giữa công việc, gia đình và chăm sóc bản thân.
Nói về vị trí, vai trò của phụ nữ hiện đại, chuyên gia tư vấn tâm lý Lý Thị Mai, Giám đốc Công ty Tâm lý học ứng dụng TP HCM, cho rằng, khi mỗi phụ nữ chủ động học tập, nâng cao trình độ, sự hiểu biết của bản thân chính là đang tạo thế mạnh cho chính mình, hướng đến cuộc sống chủ động, thành công và hạnh phúc. Thế nên, trong thời đại công nghệ số, phụ nữ luôn là "nội tướng" nhưng không bao giờ biến mình thành "robot chạy bằng cơm".
Theo Phụ nữ Việt Nam