"Cuộc cách mạng" ở Lô Lô Chải, Bí thư bản kéo khách Tây đến cao nguyên đá
Du lịch online - Ngày đăng : 08:09, 21/10/2024
Lô Lô Chải được công nhận là làng văn hóa - du lịch cộng đồng, được định danh trên bản đồ du lịch Hà Giang cuối năm 2018. Lãnh đạo huyện Đồng Văn quả quyết, tạo được một bản làng du lịch như vậy là cả cuộc cách mạng. "Cuộc cách mạng" được khơi mào bởi những người đứng đầu bản…
Nép mình bên cột cờ Lũng Cú, dưới chân núi Rồng, bản Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang) nhỏ xinh sáng bừng nơi địa đầu tổ quốc. Dưới bóng sa mộc, tán đào, tán mận trước sân là những mái ngói âm dương rong rêu xưa cũ, những gian nhà trình tường yên bình và những bờ rào đá đặc trưng của vùng cao nguyên đá...
Dừng tay chỉ đường cho nhóm khách ngoại quốc hơn chục người tìm một homestay (nhà lưu trú cộng đồng) ở rìa bản xong, Bí thư chi bộ thôn Lô Lô Chải Vàng Dỉ Tình (sinh năm 1976) tiếp tục pha, giới thiệu về loại trà shan tuyết của vùng núi cao Hà Giang được bày bán, phục vụ tại chính homestay của mình.
Căn nhà tường trình đất dày đến gần nửa mét, mát mẻ có 3 gian, 1 trệt, 1 sàn rộng rãi của ông Tình hoàn thành năm 2018, là căn homestay thứ hai của gia đình được đưa vào kinh doanh. Nhà có 3 phòng đơn và 1 sàn tập thể 20 đệm, phục vụ được tối đa 30 khách lưu trú.
Ông chủ khoát tay cười, giới thiệu cơ ngơi: "Giờ chỗ này cũng phải nhiều… tỷ đồng rồi đấy. Cái nhà làm kho lúa, chứa ngô bên cạnh tôi cũng cải tạo, làm thành phòng ở rồi, khách thích lắm. Cả nhà tôi lui lại phía sau vừa ở vừa nấu bếp phục vụ khách ăn uống, sinh hoạt, có thêm nguồn thu".
Bí thư Vàng Dỉ Tình người dân tộc Lô Lô là một trong những người đầu tiên làm du lịch tại bản. Năm 2011, cùng với 2 hộ khác là hộ ông Sình Dỉ Gai - Trưởng thôn và hộ Sử Diệp Pai, nhà ông Tình mở dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch tới cột cờ Lũng Cú, rẽ qua bản. Từ đó có thêm 6 hộ chăn nuôi lợn bản, gà đen, trồng rau… cung cấp cho mấy quán hàng. Khách khi đó rất ít, không được bao nhiêu, làm vậy thôi chứ đã ai nói đến phát triển du lịch, dịch vụ.
Từ quán cơm ban đầu, năm 2017, Vàng Dỉ Tình "dấn thêm bước nữa", cải tạo căn nhà của gia đình, mở rộng, xây sửa cho khang trang hơn thành nhà cho khách lưu trú, ở lại trong bản. Nhà ông Tình, ông Gai trở thành những hộ đầu tiên đón khách tới ăn ở, trải nghiệm sinh hoạt cùng gia đình. Quyết làm cho bài bản, cho "ra môn ra khoai", ông bí thư chi bộ thôn về tận Hà Nội học, tập huấn về cách làm lễ tân, làm dịch vụ phục vụ khách du lịch.
Năm 2018, ông Tình làm tiếp homestay thứ hai, ngay giữa bản, với 3 phòng, 1 sàn tập thể, là cơ sở lưu trú cộng đồng rộng nhất bản lúc đó.
Thời điểm đó ông đã liên kết với một nhà tour (công ty du lịch lữ hành) để cùng đầu tư, khai thác, đưa khách đến trong lịch trình đi phượt Hà Giang, cao nguyên đá Đồng Văn. "Khách tới đông lắm, 2 home nhà tôi thường xuyên kín chỗ. Doanh thu những dịp cao điểm, khi vận hành đủ cả 13 phòng là khoảng 5 triệu đồng/ngày. Tính thêm tiền ăn, phục vụ thì được gần 10 triệu đồng/ngày", Bí thư Vàng Dỉ Tình cho biết.
Riêng khoản thu từ làm du lịch, mỗi năm gia đình ông Tình có 150-200 triệu đồng. Ngoài ra, người đàn ông xốc vác vẫn duy trì làm nông, đầu tư trang trại nuôi gà, nuôi lợn quy mô hộ gia đình ở khu vực riêng, làm ruộng, đi nương để có nguồn thực phẩm cung cấp cho nhà bếp của gia đình cũng như các nhà hàng trong bản. Cuộc sống, kinh tế gia đình đến nay "không phải nghĩ" nữa.
Cả bản Lô Lô Chải giờ cũng đã làm du lịch chuyên nghiệp, nhà nào, hộ nào cũng giàu lên trông thấy nhờ tham gia "ngành công nghiệp không khói". Từ 2 hộ đầu tiên là nhà Bí thư Tình và Trưởng thôn Gai mở cửa đón khách, tới nay cả bản đã có 58/118 hộ làm homestay, không ít nhà có 2-3 cơ sở, cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau, từ lưu trú tới ẩm thực, giải trí, chăm sóc sức khỏe.
Để thay da đổi thịt cả bản làng nghèo khó ở nơi tận cùng sông, tận cùng núi đó, Bí thư Vàng Dỉ Tình nói, ông và Phó Bí thư kiêm Trưởng thôn Sình Dỉ Gai cũng như các Đảng viên khác trong chi bộ thôn Lô Lô Chải đã phải đồng tâm sát cánh nhiều năm, từng bước làm qua bao nhiêu việc.
Trước hết, phải làm homestay thành công ở nhà mình rồi mới vận động được các hộ khác trong bản làm theo. Khi ông Tình bắt tay xây mới căn homestay thứ hai năm 2018 thì phong trào làm kinh tế trong bản bật lên. Hết năm đó, có 19 hộ thực hiện mô hình lưu trú cộng đồng, biến nhà ở của gia đình thành cơ sở đón khách, cùng ở, cùng sinh hoạt.
Lúc đó, những người đứng đầu bản phải "cầm tay chỉ việc", hướng dẫn các hộ hướng chỉnh trang nhà cửa cho phù hợp để khách lưu trú như chia tách phòng riêng, trang bị chăn ga gối đệm, làm nhà vệ sinh tiện nghi… Và quan trọng nhất, theo ông Tình, phải tuyên truyền để cả bản cùng hiểu, thống nhất di chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi làng.
Có đưa được chuồng trại, kho lương thực ra khỏi nhà, việc đồng áng, nương rẫy, chăn nuôi tách biệt, đường làng ngõ xóm mới xây sửa lại được khang trang, không gian sống mới thơm sạch, an toàn và thoải mái cho khách lưu trú. Khi cả bản đồng loạt thực hiện mới hết cảnh du khách bịt mũi, nhăn mặt khi vào bản, ngán ngại nghĩ đến việc ở lại qua đêm.
"Đảng viên đi trước, làng nước theo sau", Bí thư Tình đúc kết, "slogan đó… quá đúng!" (slogan - khẩu hiệu). Chi bộ thôn Lô Lô Chải với 5 Đảng viên lúc ban đầu (năm 2000, khi ông Tình nhận nhiệm vụ bí thư), sau phát triển thành 20 người, có vai trò lớn với việc tổ chức cả bản làm du lịch.
Chi bộ có hẳn những nghị quyết riêng về vấn đề này. Các mục tiêu được đặt ra lần lượt, rõ ràng: nâng tỷ lệ hộ dân tham gia hoạt động du lịch, dịch vụ; quy hoạch lại sản xuất; chỉnh trang đường làng ngõ xóm; khôi phục và bảo vệ bờ tường đá đặc trưng; giữ thiết kế nhà trình tường truyền thống; xóa bỏ nhà sử dụng tấm lợp fibro xi măng, chuyển sang lợp ngói âm dương đồng bộ…
Mọi phong trào, kế hoạch, hoạt động cụ thể đều phải bắt đầu từ "đồng chí bí thư", rồi tới các Đảng viên trong chi bộ và gia đình họ để lan tỏa ra cả bản.
"Lúc tôi mới làm homestay, nhiều hộ đến hỏi xem có khó không, có thu nhập không. Tôi chia sẻ thật là ban đầu cũng khó vì chưa biết làm sao đưa khách đến nhưng làm dần mới vỡ ra được. Kéo thêm được vài hộ tham gia thì chúng tôi có thể hợp sức đầu tư quảng bá để khách biết, tìm đến. Khi cả bản cùng làm rồi, khách đông rồi thì phải biết cách san sẻ với nhau", ông Tình kể.
Những việc phát sinh sau đó như cạnh tranh giữa các hộ, các homestay, mâu thuẫn, so đo về giá phòng, xích mích về đất đai, ranh giới khi giá trị nhà đất tăng lên… đều cần bí thư, trưởng thôn đứng ra giải quyết.
Thậm chí homestay nhà mình nhiều khách, hộ khác vắng hơn, người đứng đầu bản phải chủ động điều tiết, san bớt, dẫn khách chia đều qua nhà khác. Từng việc đứng mũi chịu sào, thuyết phục cộng đồng như vậy, người có "20 năm trong nghề… bí thư chi bộ" mới cùng dẫn dắt Lô Lô Chải thành bản du lịch văn hóa nổi bật như hiện nay.
Vị bí thư người Lô Lô chiêm nghiệm: "Phải nói là việc làm kinh tế tốt mang lại uy tín, thuận lợi cho tôi để thực hiện nhiệm vụ bí thư. Kinh tế khá giả thì có điều kiện để thực hiện các nghĩa vụ, gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, phong trào nên nói mọi người mới chịu, rồi đồng tình ủng hộ. Nhà tôi chưa hẳn giàu nhất bản, tiền cũng không có nhiều để hỗ trợ mọi người, nhưng tôi sẵn sàng cho vay mượn khi có hộ cần đầu tư cho đúng chuẩn, tiêu chí chung đề ra".
"Làm bí thư khó chứ, bao lâu rồi mới có kinh nghiệm. Ở bản hiểu tính từng người, đối đãi bằng sự chân thành rồi cũng được bà con chia sẻ. Nhiều vấn đề phát sinh phải xử lý thì quan trọng nhất là tính thuyết phục của mình", ông Tình dẫn chứng bằng chuyện chấn chỉnh hành vi một số người dân đeo bám, vòi tiền khi khách du lịch muốn chụp ảnh cùng.
Nhận xét về người nắm giữ vị trí bí thư chi bộ ở thôn mình hơn 20 năm qua, ông Vàng Dỉ Dấn cho hay: "Ông Tình là người đi đầu làm nhà nghỉ, homestay ở Lô Lô Chải đấy, năng động, thức thời, phát triển mạnh mẽ lắm. Làm cái đầu thành công, năm sau ông mở luôn một home nữa.
Lại thêm khách, ông bứng luôn cả nhà chuyển ra khu đất làm bếp ở phía sau, toàn bộ nhà làm phòng nghỉ hết. Có du lịch, bản chúng tôi mới phát triển nhanh, thay đổi cả bộ mặt thế này. Giờ thậm chí cả chuồng trâu chuồng bò cũ, dân bản tôi cũng "chế" thành bungalow, kiếm 600.000-700.000 đồng/đêm được. Sáng tạo tuyệt vời lắm" (bungalow - nhà nghỉ dưỡng).
Theo vị cán bộ Hội nông dân xã, đi trước, làm đầu và thành công, khá giả lên giúp ông Tình càng thêm uy tín, có tiếng nói thuyết phục với cả bản để giờ nhà nào cũng làm ăn khấm khá, đoàn kết, thống nhất từ việc quét dọn đường ngõ chung, giữ gìn cảnh quan, văn hóa tới việc học kỹ năng, tư duy phục vụ khách du lịch.
Với Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn Nguyễn Văn Chinh, những nhân tố mũi nhọn, đi đầu ở cơ sở như Bí thư Vàng Dỉ Tình, Trưởng thôn Sình Dỉ Gai ở bản Lô Lô Chải có vai trò đặc biệt quan trọng trong mọi lĩnh vực, hoạt động tại cộng đồng, trong đó làm kinh tế là nội dung quan trọng nhất. Họ là đầu tàu kéo cả bản, cả làng lên.
Mô hình làm du lịch cộng đồng ở Lô Lô Chải được du khách cả trong trước và quốc tế đánh giá cao, tạo tiếng vang lớn cho Hà Giang. "Để tạo được một bản du lịch như vậy là cả cuộc cách mạng. Và ở đây Bí thư, Trưởng thôn là người tiên phong, chúng tôi đánh giá là nhân tố khơi mào, rất quan trọng. Đó là những người chúng tôi 'nhắm' đến đầu tiên để lan tỏa chính sách vì họ đã tạo dựng được uy tín, tiếng nói trong cộng đồng", ông Chinh nhận định.
Tư duy làm kinh tế tốt, cả bí thư, trưởng thôn nhanh chóng nắm bắt được hướng dẫn của huyện để tiết chế, điều chỉnh hoạt động trong bản cho đồng nhất, giữ gìn, phát huy được những nét đặc trưng của dân tộc mình. Đây là điểm vị Phó Chủ tịch huyện đặc biệt tâm đắc.
Ông so sánh, nhiều bản làng khác khi du lịch manh nha, các hộ dân thường rộ lên, làm một cách tự phát, cơi nới, sơn sửa nhà cửa thiếu nhất quán, mất chất, dễ dẫn đến màu mè, tạp nham.
Ông Chinh nhắc lại chuyện mới xảy ra, Lô Lô Chải làm một cổng chào lớn, khung thép sơn, trang trí hoa đỏ… hoành tráng ngay trước làng. Lãnh đạo huyện vội gọi Bí thư Tình, Trưởng thôn Gai, cảnh báo việc này lợi bất cập hại, ảnh hưởng đến cảnh quan của làng, che khuất tầm mắt du khách nhìn sang cột cờ Lũng Cú. Hai người đứng đầu bản nhận ra vấn đề, chỉ ngày hôm sau, cả bản đã thống nhất tháo bỏ cổng chào "lạc lõng" này, dù đã đầu tư cả trăm triệu đồng để làm.