Điểm tin Kinh doanh 21/10: Giá vàng: Giữ giá ở mức cao

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 21/10/2024

Góc nhìn TTCK tuần 21-25/10: Chờ đợi VN-Index thoát xu hướng tích lũy; Không ghi nhận trái phiếu chậm trả phát sinh trong tháng 9/2024
gia-vang-hom-nay-ngay-14-10-1728900282294519046435.jpg

- Giá vàng: Giữ giá ở mức cao

Giá vàng hôm 20-10 ở trong nước không có sự điều chỉnh ở mặt hàng vàng nhẫn. Theo đó, vàng SJC giữ giá ở mức cao 84 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 86 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.

Tại thời điểm 13 giờ 30 phút ngày 20-10, vàng SJC của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) và Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI tiếp tục giữ giá so với ngày hôm 19/10, giao dịch ở mức 84 - 86 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Vàng SJC của Tập đoàn Vàng bạc, đá quý Phú Quý giá ổn định so với một ngày trước đó, giao dịch mua vào ở mức 84,2 triệu đồng/lượng, bán ra 86 triệu đồng/lượng.

Như vậy, giá vàng SJC trong một tháng qua (từ ngày 20-9 đến 20-10) đã tăng 4 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào-bán ra.

Trong những ngày qua, vàng nhẫn thương hiệu PNJ đã có sự tăng đột biến so với các thương hiệu cùng loại. Theo đó, vàng nhẫn PNJ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được mua vào ở mức 84,7 đồng/lượng; bán ra ở mức 85,7 triệu đồng/lượng, ổn định so với ngày hôm 19/10.

Theo các nhà phân tích, giá vàng tiếp tục hưởng lợi từ bất ổn địa chính trị gia tăng và chu kỳ nới lỏng mới của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Lãi suất thấp hơn làm tăng sức hấp dẫn của vàng, vốn là tài sản không sinh lời.

Sự bất ổn tại Trung Đông gia tăng với xung đột giữa Israel và các lực lượng vũ trang trong khu vực cũng là yếu tố quan trọng tác động tới thị trường vàng. Các nhà đầu tư đổ xô đến vàng như một tài sản trú ẩn an toàn.

Ricardo Evangelista, nhà phân tích cấp cao tại ActivTrades cho biết, bất ổn địa chính trị, tăng trưởng kinh tế chậm ở các khu vực chính, sự thay đổi trong chính sách của ngân hàng trung ương hướng tới lãi suất thấp hơn và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tác động tới giá vàng.

Trong tuần, giá vàng thế giới vượt mốc 2.700 USD và lập kỷ lục mới 2.722 USD/ounce. Giá vàng thế giới chốt tuần giao dịch ở mức 2.720 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn tháng 12-2024 giao dịch ở mức 2.736 USD/ounce.

- Nhóm cổ đông liên quan ông Phương Hữu Việt nắm giữ 18,6% vốn điều lệ VietABank

Ông Phương Hữu Việt, cựu Chủ tịch VietABank và người có liên quan chiếm 18,6% vốn điều lệ tại ngân hàng này, tương đương với hơn 100 triệu cổ phiếu VAB...

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Á (VietABank – mã chứng khoán: VAB) vừa công bố danh sách các cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ của ngân hàng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng 2024. VietABank cho biết danh sách này bao gồm 8 cổ đông, trong đó có 4 tổ chức và 4 cá nhân.

Trong số các cổ đông tổ chức, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (Việt Phương Group) nắm giữ số cổ phần lớn nhất tại VietABank, với gần 66 triệu cổ phần, tương đương 12,21% vốn điều lệ của ngân hàng. Ngoài ra, người có liên quan đến cổ đông này cũng sở hữu 7,63% vốn điều lệ, tương đương 41,1 triệu cổ phần.

Đáng chú ý, người đại diện pháp luật của Việt Phương Group là ông Phương Thành Long - con trai ông Phương Hữu Lĩnh (anh trai của ông Phương Hữu Việt, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị VietABank).

- Không ghi nhận trái phiếu chậm trả phát sinh trong tháng 9/2024

Tháng 9/2024 là tháng đầu tiên kể từ tháng 10/2021 không ghi nhận trái phiếu chậm trả phát sinh mới nào.

Nhờ đó, tổng giá trị trái phiếu chậm trả phát sinh mới trong quý 3/2024 là 1,7 nghìn tỷ đồng, thấp hơn mức trung bình của bốn quý gần nhất là 14,9 nghìn tỷ đồng...

Theo báo cáo mới nhất về thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Công ty Cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) cho thấy tháng 9/2024 là tháng đầu tiên kể từ tháng 10/2021 không ghi nhận trường hợp chậm trả phát sinh mới nào.

Nhờ đó, tổng giá trị trái phiếu chậm trả phát sinh mới trong quý 3/2024 là 1,7 nghìn tỷ đồng, thấp hơn mức trung bình của bốn quý gần nhất là 14,9 nghìn tỷ đồng.

Với diễn biến tích cực này, tỷ lệ chậm trả lũy kế vào cuối tháng 9/2024 đã giảm nhẹ xuống còn 14,8% so với 14,9% của tháng trước. Đáng chú ý, khoảng 62% giá trị chậm trả lũy kế vẫn thuộc nhóm bất động sản và nhà ở, với tỷ lệ chậm trả lũy kế là 30%.

co.opxtra-long-binh-la-thanh-vien-thu-5-cua-phan-khuc-dai-sieu-thi-8-.jpg

- Góc nhìn TTCK tuần 21-25/10: Chờ đợi VN-Index thoát xu hướng tích lũy

Trong 1-2 tuần tới, VN-Index có thể sẽ thoát khỏi tình trạng tích lũy trong biên độ hẹp dần hiện nay.

Sau tuần giao dịch phục hồi tăng điểm tốt ở vùng giá 1.265 điểm, VN-Index trong tuần biến động trong biên độ hẹp, chịu áp lực bán ở kháng cự mạnh 1.300 điểm, phục hồi ở vùng hỗ trợ quanh 1.275 điểm. Kết thúc tuần, VN-Index giảm nhẹ -0,23% so với tuần trước về mức 1.285,46 điểm, duy trì trong vùng giá 1.280 điểm - 1.300 điểm.

Khối lượng giao dịch tăng nhẹ so với tuần trước, dưới mức trung bình, thể hiện thị trường phân hóa mạnh trong giai đoạn đón nhận kết quả kinh doanh quý III/2024.

Chuyên gia Công ty Chứng khoán SHS cho rằng, xu hướng ngắn hạn VN-Index đang đi đến giai đoạn cuối cùng trong kênh giá hẹp dưới vùng kháng cự mạnh 1.300 điểm kéo dài từ đầu năm, trên vùng hỗ trợ tương ứng đường xu hướng tăng trưởng nối các vùng giá thấp nhất tháng 8-9/2024 đến nay.

Trong 1-2 tuần tới, VN-Index có thể sẽ thoát khỏi tình trạng tích lũy trong biên độ hẹp dần hiện nay. Trong trường hợp tích cực, VN-Index vẫn duy trì được xu hướng tăng ngắn hạn thì có thể kỳ vọng lên lại kháng cự 1.300 điểm. Tuy nhiên, đây là vùng kháng cự rất mạnh tương ứng đỉnh giá các tháng 6-8/2022 cũng như từ đầu năm. VN-Index chỉ có thể vượt kháng cự mạnh này trong thời gian tới khi có sự đồng thuận tăng trưởng của các nhóm ngành.

Chuyên gia SHS khuyến nghị không mua đuổi khi VN-Index hướng đến vùng giá 1.300 điểm. Nhà đầu tư có thể chờ thị trường chung, VN-Index thoát khỏi xu hướng tích lũy ngắn trung hạn đang kéo dài hiện nay, với sự xác nhận tăng trưởng đồng thuận của nhiều nhóm ngành, trước khi xem xét gia tăng các vị thế mới.

Nhà đầu tư duy trì tỷ trọng hợp lý, các vị thế giải ngân cần cẩn trọng chọn lọc các mã chất lượng tốt, khi thị trường đang trong giai đoạn đón nhận thông tin kết quả kinh doanh. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã cổ phiếu đầu ngành, nền tảng cơ bản tốt, kết quả kinh doanh quý II tăng trưởng tốt, triển vọng kết quả kinh doanh quý III tăng trưởng tích cực.

Vào mùa công bố kết quả kinh doanh đang cho thấy, có sự phân hóa giữa các nhóm ngành. Điều này cũng khiến dòng tiền trên thị trường có sự phân hóa khi tập trung vào các nhóm ngành có thông tin tích cực, kết quả kinh doanh tăng trưởng cao trong quý III như nhóm bán lẻ, chăn nuôi. Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu doanh nghiệp có lợi nhuận suy giảm sẽ gặp áp lực điều chỉnh.

Chuyên gia Agrisesco cho rằng, xu hướng trên sẽ tiếp tục diễn ra trong các phiên tới khi mùa công bố báo cáo tài chính quý III bước vào giai đoạn cao trào với nhiều doanh nghiệp lớn lần lượt công bố. Nhóm ngân hàng cũng được kỳ vọng có kết quả kinh doanh khả quan giúp cổ phiếu nhóm này tiếp tục thu hút dòng tiền và trở thành động lực tăng điểm cho thị trường. Tuy nhiên, sự phân hóa sẽ diễn ra giữa các nhóm ngành, giữa các doanh nghiệp bởi yếu tố nền thấp của cùng kỳ đã không còn là câu chuyện chính và việc lực chọn cơ hội đầu tư sẽ trở nên khó khăn hơn.

Đáng chú ý ở nhóm ngành chứng khoán, với diễn biến chung của thị trường là đi ngang trong vùng kênh giá 1.200 - 1.300 điểm với thanh khoản ở mức thấp. Từ đó nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng có sự phân hóa khi những doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng trong quý III, dư nợ cho vay margin tăng hay có câu chuyện tăng vốn sẽ có diễn biến tích cực hơn.

Tuy vậy, nhóm chứng khoán nhìn chung giai đoạn vừa qua có diễn biến không tích cực hơn thị trường chung bởi mặt bằng định giá đã ở mức khá cao và thị trường chung chưa có sự khởi sắc về điểm số và thanh khoản. Agrisesco cho rằng, cơ hội khi đầu tư cổ phiếu chứng khoán sẽ chỉ thực sự rõ ràng nếu thị trường có sự bứt phá về điểm số ra khỏi vùng 1.300 điểm và thanh khoản có sự cải thiện đáng kể. Nhà đầu tư nên tập trung vào các doanh nghiệp có tăng trưởng về dư nợ cho vay margin hoặc có câu chuyện tăng vốn trong giai đoạn tới.

Úc xếp 21/149 quốc gia đầu tư vốn vào Việt Nam

Tính đến tháng 8/2024, các nhà đầu tư Úc có 660 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 2,05 tỷ USD, đứng thứ 21/149 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Hoạt động đầu tư tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ lưu trú và ăn uống; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

Chân dung Tiến sĩ Việt được Viện Hàn lâm Khoa học Australia vinh danh / Hiện tượng bò nuốt chửng rắn ở Australia là sự bất thường trong chuỗi thức ăn của trái đất?

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Úc tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, liên tục trong năm 2024. Với việc nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 3/2024, Việt Nam và Úc là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, từ thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, nông nghiệp, giáo dục và đào tạo…

Về hợp tác phát triển (ODA), Úc là một trong các nhà tài trợ có hỗ trợ ODA không hoàn lại lớn cho Việt Nam. Theo thông báo của Đại sứ quán Úc, giai đoạn 2023 - 2024, Úc cung cấp 95 triệu AUD. ODA của Chính phủ nước này dành cho Việt Nam hiện nay tập trung vào các lĩnh vực tăng trưởng kinh tế; phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao; năng lượng và khí hậu; bình đẳng giới.

Về đầu tư nước ngoài (FDI), tính đến tháng 8/2024, các nhà đầu tư Úc có 660 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 2,05 tỷ USD, đứng thứ 21/149 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam Hoạt động đầu tư tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ lưu trú và ăn uống; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

Việt Báo (Tổng hợp)