Lanny Phetnion: Người nước ngoài đầu tiên đạt danh hiệu Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài
Cộng đồng người Việt - Ngày đăng : 08:17, 20/10/2024
Cơ duyên với tiếng Việt
“Cô Lan” đó từ thân thương mà các sinh viên học tiếng Việt tại Đại học Quốc gia Lào gọi cô giáo Lanny Phetnion - cô gái sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo, nằm ở một thung lũng nhỏ của tỉnh Hủa Phăn, miền Bắc Lào. Tại Khoa, những tiết học tiếng Việt sôi động hàng tuần của cô Lan luôn cuốn hút sinh viên. Qua những lời giảng của cô, Tiếng Việt thân thương đi vào lòng những trò nhỏ.
Được biết, con đường chinh phục với tiếng Việt của Lanny là một hành trình đầy bất ngờ. Trước đây, cô chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ chọn tiếng Việt làm con đường sự nghiệp. Cơ duyên đến khi Lanny Phetnion giành giải Nhì học sinh giỏi cấp huyện năm lớp 12, cô được trao tặng suất học bổng từ chính quyền địa phương và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào để theo học Khoa tiếng Việt tại Đại học Quốc gia Lào.
Bắt đầu từ con số 0, lạ lẫm với từng thanh sắc, cách phát âm tới ngữ pháp, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng, năm thứ ba đại học, Lanny Phetnion đã tham gia cuộc thi hùng biện tiếng Việt do Khoa tiếng Việt tổ chức và giành giải Nhất. Đặc biệt, sang năm thứ tư, sau khi tham gia chương trình đào tạo ngắn hạn tại Đại học Hà Nội, Việt Nam, tiếng Việt của cô đã tiến bộ vượt bậc. Cô tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá như múa, hát, nấu nướng, thể dục thể thao... để nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Việt. Lanny Phetnion đoạt giải Nhì cuộc thi hát tiếng Việt trong chương trình “Ngày hội giao lưu văn hoá đa quốc gia” tại trường.
Lanny Phetnion là người nước ngoài đầu tiên đạt danh hiệu Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài. Ảnh: Phương Thuận |
Sau 5 năm, nhờ tình yêu dành cho văn hóa Việt Nam, Lanny Phetnion đã thành thạo tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ và tự tin giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam với gia đình và bạn bè bằng ngôn ngữ này. Sau khi tốt nghiệp đại học, Lanny Phetnion biết, hiểu thêm nhiều về tiếng Việt, về đất nước, văn hoá và con người Việt Nam. Không chỉ nhận thấy rõ bản thân đã chọn học đúng ngành, cô còn nghĩ rằng mình là một người may mắn vì Lào và Việt Nam gắn bó hợp tác với nhau trên rất nhiều lĩnh vực từ lâu, nên cơ hội việc làm rất rộng mở.
Từ năm 2012, Lanny Phetnion đã chia sẻ mong muốn của mình với các thầy cô tại Khoa tiếng Việt và Đại học Quốc gia Lào cho cô được dạy tiếng Việt cơ bản cho sinh viên năm nhất. Đến năm 2014, Lanny Phetnion chính thức vào biên chế tại Đại học Quốc gia Lào.
Bên cạnh vai trò giảng viên, Lanny còn là người dẫn chương trình thời sự tiếng Việt trên Đài Truyền hình Quốc gia Lào, đồng thời làm MC song ngữ Lào - Việt cho nhiều sự kiện lớn. Chưa dừng lại ở đó, chị còn điều hành một trung tâm giảng dạy tiếng Lào - Việt với số lượng học sinh lớn.
Lanny Phetnion cũng kết hợp với một số bạn bè người Việt, Lào cùng mở thêm trung tâm ngôn ngữ Oka để đào tạo, bồi dưỡng cho các học viên cần bổ sung ngôn ngữ hoặc muốn học tiếng Việt, Lào để có thể giao tiếp hàng ngày. Dựa vào nhu cầu của học viên, cô hoàn thành việc biên soạn hai cuốn sách dạy tiếng Việt, tiếng Lào cấp tốc và đang tiếp tục sáng tạo các sổ tay về từ vựng, giao tiếp… dành cho những người muốn tự học.
Bộ Ngoại giao Việt Nam vinh danh “Sứ giả tiếng Việt năm 2024" cho Lanny Phetnion (thứ hai bên trái). Ảnh: Việt Art |
Sứ giả vun đắp tình hữu nghị
Không chỉ tận tâm trong công việc giảng dạy trực tiếp, chị Lanny còn mở rộng tầm ảnh hưởng qua các nền tảng số. Chị đã lập kênh TikTok, YouTube để chia sẻ phương pháp học tiếng Việt và tiếng Lào, thu hút sự quan tâm của nhiều người học.
"Tất cả những gì tôi làm đều xuất phát từ mong muốn góp một phần nhỏ vào việc củng cố tình hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước Lào - Việt Nam," Lanny chia sẻ.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, Lanny Phetnion nói: “Càng làm việc và tiếp xúc với nhiều người Việt, tôi càng thêm yêu thích tiếng Việt và muốn sẽ có thêm nhiều cơ hội để tìm hiểu về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.
Tôi luôn muốn được góp công sức nhỏ bé của mình làm cầu nối hoà nhập cộng đồng người Lào và người Việt hơn nữa, giúp cho mối quan hệ vĩ đại, mẫu mực, thuỷ chung trong sáng giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước ngày càng thắt chặt hơn nữa, như câu nói của Bác Hồ: “Yêu nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/Việt-Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long”
Lanny Phetnion cũng hy vọng rằng, trong tương lai, các học viên của mình sẽ trở thành những sứ giả ngôn ngữ, góp phần lan tỏa tiếng Việt, giúp nhiều người biết đến đất nước, con người và văn hóa Việt Nam thông qua chính những mối quan hệ thân tình của họ.
Tiếng Việt, lịch sử Việt Nam, văn hóa Việt Nam vẫn đều đặn vang lên trong mỗi tiết giảng của cô giáo Lanny tại Khoa tiếng Việt, trường Đại học Quốc gia Lào hay tại Trung tâm ngôn ngữ Lào - Việt... Đây thực sự là cầu nối và giúp gìn giữ, lan tỏa những nét đẹp nghìn năm văn hiến của Việt Nam đến với nước Triệu Voi xinh đẹp, đến với những con người yêu tiếng Việt. Hành trình này sẽ là ngọn lửa được lan tỏa, truyền cảm hứng tới những học viên trong lớp học tiếng Việt. Chính họ sẽ là những sứ giả của tình hữu nghị, giúp vun đắp tình hữu nghị Việt Nam - Lào trong sáng thủy chung.
Cuộc thi “Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài” do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động hướng đến đối tượng là các cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài yêu tiếng Việt, có hoạt động, sáng kiến hiệu quả trong dạy học và lan tỏa tiếng Việt. Sau 20 năm triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), công tác giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng được quan tâm. Năm 2023 là năm đầu tiên triển khai Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, theo đó ngày 8/9 hằng năm được chọn là Ngày tôn vinh tiếng Việt. Ngày này trở thành dấu mốc quan trọng hằng năm trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng. Đến nay, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, các phong trào về tiếng Việt trong cộng đồng ngày càng lan tỏa và đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ. |