Quân sự thế giới hôm nay (19-10): Nhật Bản có tên lửa chống hạm mới?

Quân sự thế giới - Ngày đăng : 08:07, 19/10/2024

Quân sự thế giới hôm nay (19-10-2024) có những nội dung sau: Nhật Bản có tên lửa chống hạm; tàu ngầm Knyaz Pozharsky lớp Borei-A của Nga bắt đầu thử nghiệm cấp nhà nước.

* Nhật Bản có tên lửa chống hạm mới?

Đại diện Kawasaki Heavy Industries (KHI) mới đây đã xác nhận, tập đoàn của Nhật Bản này sẽ tiến hành thử nghiệm tên lửa chống hạm mới trong năm tài chính 2027.

Vũ khí mới này là tên lửa hành trình tầm xa được thiết kế để tấn công từ khoảng cách an toàn, ngoài phạm vi hoạt động của hệ thống phòng thủ đối phương. Được trang bị động cơ phản lực cánh quạt nhỏ gọn, tiết kiệm nhiên liệu, tên lửa này có cánh giống như máy bay. Do có tầm bắn, hình dạng và khả năng tương tự như tên lửa hành trình "Tomahawk" của Mỹ, nên tên lửa này còn được gọi là "Phiên bản Tomahawk Nhật Bản".

Theo một đại diện từ cơ quan mua sắm, công nghệ và hậu cần của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, tên lửa mới này có nhiều cải tiến so với các mẫu hiện có, với tầm bắn mở rộng có thể lên tới 2.500km. Khả năng này cho phép tấn công các mục tiêu chiến lược sâu bên trong lãnh thổ đối phương.

Theo các nguồn tin, vũ khí mới này được trang bị động cơ phản lực cánh quạt với tên gọi KJ300 do Kawasaki phát triển. Động cơ này dài 950mm và nặng 90kg, cung cấp lực đẩy 365kgf thông qua cấu hình trục đôi. KJ300 được thiết kế để có hiệu suất tối ưu trong khi vẫn duy trì mức tiêu thụ nhiên liệu thấp, một trong những tính năng chính được Kawasaki giới thiệu tại Triển lãm Hàng không vũ trụ năm 2024.

Tên lửa chống hạm Type 12 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Ảnh: Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật

Ngoài tầm bắn xa, "Phiên bản Tomahawk Nhật Bản" còn được nhận được sự quan tâm bởi tiết diện phản xạ tín hiệu radar thấp, khả năng cơ động được cải thiện và khả năng sống sót cao trên chiến trường. Tên lửa cũng có thể được phóng từ nhiều nền tảng khác nhau, bao gồm các loại phương tiện trên bộ, tàu và máy bay, mang lại khả năng triển khai linh hoạt trên nhiều nhánh khác nhau của quân đội.

Vào tháng 6-2023, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã ký hợp đồng nghiên cứu kéo dài 5 năm trị giá 339 tỷ Yên (tương đương 2,3 tỷ USD) với Kawasaki Heavy Industries. Dự án có tên chính thức là "Nghiên cứu công nghệ nguyên mẫu cho tên lửa chống hạm mới", với lần phóng thử nghiệm cuối cùng được lên kế hoạch vào năm tài chính 2027, đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn nghiên cứu này.

Song song đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đã phân bổ ngân sách cho một chương trình phát triển tên lửa hành trình khác, tập trung vào "tên lửa chống hạm và đất đối đất chính xác mới". Dự án này dựa trên những cải tiến công nghệ được thực hiện đối với tên lửa chống hạm Type 12 và nhằm mục đích nâng cao khả năng tấn công tầm xa và chính xác của tên lửa. Cơ quan mua sắm, công nghệ và hậu cần đã xác nhận rằng tên lửa này, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2027, sẽ bước vào giai đoạn sản xuất và triển khai đồng thời với tên lửa chống hạm mới của Kawasaki.

Việc phát triển đồng thời hai hệ thống này cho thấy ý định của Nhật Bản trong việc tăng cường năng lực phòng thủ bằng các hệ thống tấn công tầm xa. Với các vũ khí như vậy, Nhật Bản tăng cường đáng kể khả năng triển khai hỏa lực tầm xa, đồng thời đa dạng hóa các lựa chọn ứng phó trước các mối đe dọa tiềm tàng.

* Tàu ngầm Knyaz Pozharsky lớp Borei-A của Nga bắt đầu thử nghiệm cấp nhà nước

Những hình ảnh công bố mới đây cho thấy, Knyaz Pozharsky, tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borei-A mới nhất của Hải quân Nga, đã bước vào thử nghiệm cấp nhà nước. Đây là tàu ngầm thứ 4 trong dự án Borei-A và là tàu ngầm tên lửa đạn đạo thế hệ tiếp theo thứ 8 của tàu ngầm Borei.

Được đóng tại xưởng đóng tàu Sevmash của Tập đoàn đóng tàu thống nhất (USC) ở Severodvinsk, Knyaz Pozharsky thử nghiệm trên biển lần đầu tiên vào ngày 28-7. Dự kiến tàu sẽ gia nhập Sư đoàn tàu ngầm số 31 vào cuối năm nay. Việc đóng Knyaz Pozharsky được thực hiện theo hợp đồng đóng 4 tàu ngầm lớp Borei-A giữa Bộ Quốc phòng Nga với USC ký ngày 25-5-2012. Trước đó, 3 tàu trong hợp đồng này, bao gồm Knyaz Oleg (K-552), Generalissimus Suvorov (K-553) và Imperator Aleksandr III (K-554) đã được đưa vào sử dụng.

Lễ hạ thủy tàu ngầm Knyaz Pozharsky. Ảnh: Kirill Zykov

Được trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava, Knyaz Pozharsky có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân. Về mặt công nghệ, tàu ngầm này kết hợp các tính năng tiên tiến hơn so với các tàu ngầm lớp Borei trước đó. Theo đó, tàu có khả năng tàng hình tốt hơn, khả năng cơ động được cải thiện, hệ thống sonar và điện tử tiên tiến, đảm bảo khó bị phát hiện và hiệu quả hơn trong các hoạt động tầm xa. Hệ thống lò phản ứng của tàu ngầm và thiết kế tổng thể cung cấp khả năng hoạt động bền bỉ, cho phép lặn trong thời gian dài và thực hiện các cuộc tuần tra trên phạm vi toàn cầu.

Là nền tảng phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm, Knyaz Pozharsky khó bị phát hiện và khó đối phó hơn nhiều so với các hệ thống tên lửa trên đất liền. Điều này làm phức tạp thêm nỗ lực của đối phương trong việc vô hiệu hóa lực lượng hạt nhân của Nga.

Các tàu ngầm lớp Borei và Borei-A được đánh giá là xương sống của hạm đội tàu ngầm chiến lược của Nga, trong đó các tàu ngầm Borei-A dự kiến sẽ đảm bảo khả năng răn đe hạt nhân liên tục của Nga trong tương lai.

TRẦN HOÀI (tổng hợp)