'Vấn nạn' lạm thu: Phụ huynh im lặng vì sợ con bị đì
Nhịp sống - Ngày đăng : 16:24, 18/10/2024
Lạm thu trong trường học vẫn luôn là vấn đề nóng khiến nhiều phụ huynh bức xúc, dư luận quan tâm. Các khoản lạm thu gây bức xúc có thể kể đến như: tiền quỹ lớp, tiền mua sắm điều hoà, ti vi, máy chiếu, bàn ghế, rèm cửa đến tiền cải tạo phòng học, vệ sinh trường lớp… thậm chí có cả tiền mua laptop cho giáo viên.
'Sợ con bị đì nên im lặng đồng ý'
Con trai đang học lớp 1, chị Lê Vân Anh (30 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, ngay từ đầu năm học, đã được mời vào nhóm zalo phụ huynh của lớp. Trong nhóm, mọi người thảo luận sôi nổi về những khoản tiền mà mỗi học sinh sẽ phải nộp đầu năm.
Sau hồi bàn bạc, đại diện ban phụ huynh quyết định mỗi em sẽ đóng 2 triệu đồng/học kỳ. Số tiền này được thống kê, dùng để mua một số đồ dùng, thiết bị trong lớp. Cùng với đó là tiền quà cáp, tri ân thầy cô các dịp lễ đặc biệt như 20/10, Tết Nguyên đán, sinh nhật, 8/3.
Theo chị Vân Anh, các khoản cần đóng góp thường được xé nhỏ, nếu chỉ đọc qua sẽ nghĩ không đáng bao nhiêu. Tuy nhiên khi gộp hơn chục đầu mục, số tiền phải nộp lên đến hàng triệu đồng. Chưa kể đến tiền đồng phục, sách vở, bảo hiểm y tế, gia đình mới tiêu tốn một khoản kha khá cho con trai hồi đầu năm học.
“Với những gia đình có điều kiện, 2 triệu đồng là con số quá đơn giản. Nhưng với những gia đình lương tháng của cả 2 vợ chồng chưa đến 30 triệu đồng/tháng, không mấy dư giả như nhà tôi, đây là áp lực. Trong con số này, có những khoản thu được ghi chú là tự nguyện, nhưng thực tế không nộp không xong”, chị Vân Anh nói và cho biết, cá nhân chị dù băn khoăn, nhưng quan sát thấy phần đông phụ huynh đều đồng ý, nên đành im lặng.
Không chỉ riêng chị Vân Anh, một vài phụ huynh khác trong nhóm có chung nỗi bất bình. Tuy nhiên do không muốn trở thành khác biệt so với số đông, phần muốn con mình được học hành yên ổn nên tất cả đều bắt chi tiêu dành nộp tiền. Không dám phản đối ra mặt, những người này chỉ biết nhắn tin riêng với nhau để than thở.
"Thú thực, chúng tôi sợ đi ngược lại đám đông, sợ những phụ huynh giàu có chê phụ huynh nghèo khổ, rồi khinh thường và tẩy chay con mình như một số vụ việc lùm xùm trên mạng xã hội trước kia. Chúng tôi đồng ý đóng góp để phục vụ tốt chuyện học hành của con là chính”, chị Vân Anh bức xúc.
Cách đây một tháng, anh Lê Tú Minh (43 tuổi, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cũng trở thành tâm điểm của hội phụ huynh lớp khi thẳng thắn phản đối việc đóng tiền quỹ phụ huynh để hỗ trợ nhà trường tu sửa tường rào bao quanh và nhà để xe cho giáo viên.
"Số tiền ủng hộ mỗi học sinh chỉ 100.000 đồng, tuy nhiên, nếu cộng dồn thêm các khoản đóng góp khác cũng lên tới hơn 8 triệu đồng. Với một học sinh THCS, khoản đóng góp đầu năm này không hề nhỏ", anh nói và cho biết, bất bình hơn khi thẳng thắn bày tỏ quan điểm thì bị nhiều phụ huynh khác chỉ trích không có tinh thần đóng góp, tri ân nhà trường. Căng thẳng hơn, con gái anh đi học bị bạn bè cô lập chỉ vì anh đã nêu ý kiến phản đối chủ trương của ban đại diện cha mẹ học sinh trong buổi họp phụ huynh.
Theo anh ngân sách địa phương hàng năm đều có dự trù chi cho việc tu sửa cơ sở vật chất ở trường học, nếu xã hội hoá để phụ huynh đóng góp là không hợp lý. "Việc góp tiền mua sắm cho lớp học, phục vụ các con thì tôi hoàn toàn nhất trí, còn đóng góp để xây dựng cho nhà trường không đúng quy định, nên tôi phản đối", anh cho hay.
Sau nhiều áp lực và những lời phán xét từ hội phụ huynh, vợ khuyên anh nên "im lặng đóng góp cho qua chuyện, càng chống đối thì lo con đi học bị bạn bè cô lập, giáo viên không quý mến.
Phụ huynh cần dũng cảm lên tiếng
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định có nhiều trường hợp phụ huynh dù không đồng tình với những khoản thu của con tại trường nhưng lại im lặng không lên tiếng. Khi ý kiến của những vị phụ huynh này là thiểu số, họ ngay lập tức rơi vào vòng xoáy của sự im lặng.
"Mặc dù các phụ huynh này biết có sự bất hợp lý, nhưng chưa kịp lên tiếng đã nghe thấy số đông ủng hộ ý tưởng trái với suy nghĩ của mình. Do đó họ lựa chọn im lặng vì không muốn bị cô lập, không muốn bị cho ra khỏi nhóm, bị coi như phần tử phá rối, không đồng thuận”, ông Nam nói và cho biết, điều này góp phần làm tăng vấn đề lạm thu tại các trường học.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, ban phụ huynh phải đại diện cho tiếng nói của tất cả phụ huynh, cần minh bạch và dân chủ hơn nữa. Mọi ý kiến dù là đa số hay thiểu số cần được cân nhắc quan tâm và tôn trọng.
Bản thân phụ huynh cần vượt qua mặc cảm, dũng cảm lên tiếng khi phát hiện những khoản thu bất hợp lý để góp phần làm trong sạch môi trường học đường. Tuy nhiên, cần bày tỏ quan ngại theo hướng tôn trọng, không nên đưa lên mạng xã hội phiến diện, khiến nhiều người hiểu sai.
“Thay vì đưa các thông tin lên mạng xã hội, các bậc phụ huynh nên có những cuộc đối thoại trực tiếp với ban phụ huynh và nhà trường theo hình thức góp ý, xây dựng. Việc chia sẻ thông tin chủ quan trên mạng xã hội có thể khiến những tiêu cực lan truyền nhanh chóng, ảnh hưởng không tốt đến nền giáo dục", ông Nam nêu quan điểm.
Về phía nhà trường, ông Nam cho rằng, cần thận trọng trong việc đưa ra các khoản thu chi, thống nhất rõ ràng với ban phụ huynh trước khi ra quyết định. Bởi nếu việc thu chi không được minh bạch, tạo nên sự bất bình, sẽ ảnh hưởng xấu đến thương hiệu nhà trường. Để tránh tình trạng lạm thu, từ hiệu trưởng đến cán bộ giáo viên cần phải có tính tự giác kỷ luật cao, chấp hành đúng quy định về thu, chi của Bộ, Sở, Phòng GD&ĐT.
PGS.TS Trần Thành Nam cũng nhấn mạnh trách nhiệm từ phía cơ quan giám sát, cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, giải quyết thực chất vấn đề, thay vì chỉ sử dụng hình phạt để làm giảm, khiến vấn đề lạm thu tái đi tái lại qua nhiều năm.