Quân sự thế giới hôm nay (18-10): Ukraine sắp tiếp nhận 49 xe tăng M1A1 Abrams
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 06:53, 18/10/2024
Tên lửa Izdeliye 305 của Nga chống nhiễu hiệu quả
Tên lửa Izdeliye 305, loại tên lửa dẫn đường đa năng hạng nhẹ (LMUR) của quân đội Nga, đã chứng tỏ khả năng chống lại các biện pháp tác chiến điện tử trong hoạt động tác chiến tại Ukraine, theo tuyên bố của Tập đoàn Nhà nước Rostec của Nga. Đây là loại tên lửa được thiết kế để trang bị cho trực thăng tấn công Mi-28NM và Ka-52M của quân đội Nga.
Trong bài viết trên kênh Telegram chính thức, Tập đoàn Rostec khẳng định, tên lửa Izdeliye 305 đã trở thành một trong những vũ khí hiệu quả và đa năng nhất của lực lượng không quân Nga đóng tại Quân khu phương Bắc.
Loại tên lửa này có thể tấn công nhiều mục tiêu khác nhau, bao gồm các phương tiện bọc thép, các công trình và tàu thuyền.
Tên lửa Izdeliye 305 của quân đội Nga. Ảnh: Iz.ru |
Cũng theo Rostec, một trong những đặc điểm nổi bật của tên lửa Izdeliye 305 là khả năng phòng vệ trước các biện pháp tác chiến điện tử. Tập đoàn này khẳng định, cho đến nay, trong các điều kiện chiến đấu thực tế, chưa có trường hợp nào kênh điều khiển của tên lửa bị gián đoạn trong các hoạt động quân sự, và tên lửa luôn đánh trúng mục tiêu.
Rostec nhấn mạnh rằng, Izdeliye 305 có thể được triển khai theo nhiều chế độ hoạt động khác nhau. Ở chế độ "bắn và quên", hệ thống dẫn đường của tên lửa sẽ khóa mục tiêu ngay khi vẫn còn trên trực thăng, cho phép nó tự động bay đến đích sau khi phóng.
Ở chế độ dẫn đường từ xa, tên lửa được phóng từ tọa độ ban đầu và bay theo quán tính. Khi đến gần mục tiêu, hệ thống dẫn đường sẽ tự động kích hoạt và truyền hình ảnh mục tiêu trở lại màn hình của người điều khiển trên trực thăng, giúp họ xác định và khóa mục tiêu trước khi tên lửa tấn công.
Một chế độ khác là phóng tên lửa theo quán tính với tọa độ mục tiêu được lập trình trước. Vài km trước khi đến đích dự kiến, hệ thống dẫn đường sẽ truyền hình ảnh trực tiếp của địa hình trở lại cho người điều khiển trên trực thăng, giúp họ tinh chỉnh và xác định vị trí chính xác của mục tiêu. Sau khi xác định được mục tiêu, tên lửa Izdeliye 305 sẽ khóa và hoàn tất cuộc tấn công.
Tên lửa Izdeliye 305 có chiều dài khoảng 1,94m, đường kính khoảng 200mm và trọng lượng khoảng 105kg. Thiết kế khí động học giúp Izdeliye 305 giảm lực cản không khí, trong khi cánh gấp và cánh ổn định đuôi giúp tăng khả năng điều khiển trong quá trình bay.
Izdeliye 305 được trang bị động cơ nhiên liệu rắn, cho phép đạt tốc độ bay cao và thực hiện các cuộc tấn công chính xác tầm xa trong thời gian ngắn. Theo tập đoàn Rostec, tên lửa có khả năng tấn công các mục tiêu ở khoảng cách lên tới 14,5km.
Hệ thống dẫn đường tiên tiến của Izdeliye 305 là sự kết hợp giữa dẫn đường bằng quán tính và dẫn đường bằng hệ thống radar chủ động. Ngoài ra, tên lửa còn được trang bị cảm biến hồng ngoại, giúp nó hoạt động hiệu quả trong nhiều điều kiện thời tiết khác nhau và có khả năng tấn công cả mục tiêu tĩnh lẫn mục tiêu di động.
Tên lửa Izdeliye 305 có thể được trang bị nhiều loại đầu đạn khác nhau, tùy thuộc vào yêu cầu nhiệm vụ. Loại phổ biến nhất là đầu đạn nổ mạnh, dùng để phá hủy các phương tiện bọc thép, hầm trú ẩn và tòa nhà.
Ukraine sắp tiếp nhận 49 xe tăng M1A1 Abrams
Theo truyền thông Australia, chính phủ nước này đã cam kết cung cấp gói viện trợ quân sự trị giá 245 triệu USD cho Ukraine, trong đó bao gồm 49 xe tăng M1A1 Abrams.
Thông báo này được đưa ra bởi Bộ trưởng Quốc phòng Australia Pat Conroy, khi ông tham dự cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng khối NATO tại thủ đô Brussels, Bỉ.
Để có thể chuyển xe tăng Abrams cho Ukraine, Australia đã phải nhận được sự chấp thuận của Mỹ bởi đây là quốc gia nắm quyền sở hữu trí tuệ đối với loại xe tăng Abrams theo Quy định về buôn bán vũ khí quốc tế (ITAR).
Xe tăng M1A1 Abrams của quân đội Australia. Ảnh: The Defense Post |
Hiện tại, thỏa thuận này vẫn đang trong giai đoạn lập kế hoạch. Quá trình vận chuyển xe tăng từ Australia đến Ukraine sẽ mất thời gian do phải trải qua nhiều bước. Sau 17 năm phục vụ trong quân đội Australia, những chiếc Abrams này hiện đã bị hao mòn đáng kể. Do đó, chúng sẽ cần được thay thế các bộ phận hỏng hóc và chỉnh sửa để đáp ứng yêu cầu chiến đấu tại Ukraine. Rất có thể những xe tăng này sẽ được đưa đến Mỹ để sửa chữa và nâng cấp trước khi chuyển giao cho Ukraine.
Những chiếc xe tăng được bàn giao cho Ukraine cũng là những chiếc sắp sửa bị quân đội Australia loại biên, để thay thế bằng những chiếc M1A2 SEP v3 Abrams mới, theo thỏa thuận mua bán 75 xe tăng M1A2 SEPv3 Abrams, trị giá khoảng 3,5 tỷ AUD (tương đương 2,4 tỷ USD), với Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ thử nghiệm thành công hệ thống tên lửa phòng không Levent
Theo thông tin được nhà thầu quốc phòng Roketsan công bố mới đây, hệ thống tên lửa phòng không tầm gần Levent do Thổ Nhĩ Kỳ tự phát triển đã hoàn thành thử nghiệm lần bắn đạn thật đầu tiên.
Hệ thống này được thiết kế để giúp bảo vệ các tàu hải quân của Thổ Nhĩ Kỳ trước các cuộc tấn công từ máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, UAV và tên lửa hành trình.
Hệ thống tên lửa phòng không Levent khai hỏa tại buổi thử nghiệm bắn đạn thật đầu tiên. Ảnh: Roketsan |
Hệ thống tên lửa phòng không Levent được phát triển dựa trên hệ thống tên lửa phòng không di động Sungur, một sản phẩm khác của nhà thầu Roketsan. Nó được trang bị thiết bị quét hiện đại, bao gồm chế độ quét thụ động bằng tần số vô tuyến (RF) và chế độ quét hình ảnh hồng ngoại (IIR) - giúp nó có khả năng khóa và ngăn chặn nhiều loại vũ khí khác nhau với độ chính xác cao. Hệ thống tên lửa phòng không Levent đặc biệt hiệu quả trong việc chống lại các tên lửa diệt hạm, dòng tên lửa thường sử dụng chiến thuật tránh né phức tạp, như bay sát mặt biển hoặc di chuyển với tốc độ siêu thanh.
Tên lửa Levent có tầm bắn khoảng 11km và được gắn trong ống phóng thẳng đứng có thể chứa 11 tên lửa. Hệ thống có thể xoay 360 độ và hoạt động ở nhiều chế độ khác nhau, bao gồm chế độ thủ công, bán tự động và hoàn toàn tự động. Hệ thống tên lửa phòng không Levent được tích hợp liền mạch với các hệ thống cảm biến trên tàu, bao gồm radar và cảm biến quang điện tử, giúp tăng cường khả năng phát hiện và theo dõi mục tiêu.
Levent được xem là giải pháp thay thế cho các hệ thống vũ khí phòng không tầm gần nhập khẩu như RIM-116 RAM của Mỹ, vốn đã được Thổ Nhĩ Kỳ tích hợp vào các tàu hộ tống lớp MİLGEM.
Hệ thống tên lửa phòng không Levent đã được giới thiệu tại một số triển lãm quốc phòng, bao gồm Triển lãm Hàng hải và Quốc phòng Quốc tế (DIMDEX 2024) ở Qatar. Trong tương lai, hệ thống này sẽ được triển khai trên các tàu hải quân thế hệ mới của Thổ Nhĩ Kỳ, như tàu tấn công nhanh và tàu hộ tống. Ngoài mục đích phục vụ lực lượng hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, tên lửa Levent cũng có thể được điều chỉnh để sử dụng trên trực thăng vũ trang và các phương tiện chiến đấu khác.
TRUNG THÀNH (tổng hợp)