Các hãng châu Âu đua nhau ra mắt xe điện cỡ nhỏ cạnh tranh với Trung Quốc

Xe - Ngày đăng : 18:56, 17/10/2024

Để cạnh tranh trực tiếp với các mẫu xe điện giá rẻ từ Trung Quốc, các hãng ô tô châu Âu đang chuyển hướng tập trung vào các mẫu xe nhỏ gọn, thậm chí còn hợp tác với đối thủ.

Tại Triển lãm ô tô Paris 2024 năm nay, BMW đã ra mắt 2 mẫu xe điện thuộc thương hiệu MINI. Đây là 2 mẫu xe điện nhỏ gọn nhất từ trước đến nay của BMW, một dấu hiệu cho thấy hãng xe này đang dành sự ưu tiên cho thị trường xe điện châu Âu.

https___cms image bucket production ap northeast 1 a7d2.s3.ap northeast 1.amazonaws.com_images_7_0_0_3_48413007 3 eng GB_Cropped 1728997324photo.jpg
BMW đã giới thiệu các mẫu xe điện mới thuộc thương hiệu MINI tại triển lãm ô tô Paris vừa diễn ra vào ngày 14/10. Ảnh: Nikkei

Giống như đồng hương Đức BMW, Volkswagen quay trở lại triển lãm bằng màn ra mắt chiếc xe điện nhỏ gọn VW ID.3. Theo kế hoạch ban đầu, chiếc xe điện này sẽ bán tại Pháp với giá 33.990 euro (924 triệu đồng), nhưng hiện tại giá bán đã giảm xuống còn 27.990 euro (761 triệu đồng).

Bên cạnh đó, các mẫu xe điện mới được giới thiệu tại triển lãm năm nay cũng chủ yếu thuộc phân khúc xe nhỏ cỡ B. Sự chuyển dịch sang dòng xe điện cỡ nhỏ giá rẻ bắt nguồn từ doanh số bán xe điện đang sụt giảm ở châu Âu.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu, doanh số xe điện bán tại 31 quốc gia từ tháng 1 cho đến tháng 8 mới chỉ đạt 1,21 triệu xe, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau khi nhiều quốc gia châu Âu ngừng trợ cấp mua xe điện, thời gian qua, các nhà sản xuất ô tô châu Âu tập trung giới thiệu các mẫu xe điện cỡ lớn, có biên độ lợi nhuận cao hơn. Điều này dẫn đến mặt bằng giá xe điện trên thị trường châu Âu bị đẩy lên cao. Đây là lý do chính khiến nhiều khách hàng từ bỏ ý định mua xe.

Một cuộc khảo sát của Liên đoàn Giao thông và môi trường châu Âu (T&E) cho thấy tỷ lệ xe điện cỡ B chỉ chiếm 17%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 37% ở các mẫu xe cỡ B sử dụng động cơ đốt trong. Trong khi đó, với các mẫu xe thuộc phân khúc D, bao gồm SUV và các mẫu xe lớn khác, tỷ lệ là 28% đối với xe điện và 13% đối với xe chạy bằng động cơ đốt trong.

Hiện tại, nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang dẫn đầu trong phân khúc xe giá rẻ, khiến các nhà sản xuất ô tô châu Âu khó giành được thị phần. T&E và các công ty khác dự đoán rằng xe điện Trung Quốc xuất khẩu sang châu Âu sẽ vượt quá 14% vào năm 2025 và 20% vào năm 2027.

https___www.ft.com___origami_service_image_v2_images_raw_https2F2Fimages2F62F32FCropped.jpg
Ông Carlos Tavares, CEO của Stellantis tham quan gian hàng của Leapmotor tại triển lãm ô tô Paris 2024. Ảnh: Nikkei

Để đáp ứng nhu cầu, các ông lớn ô tô châu Âu gần đây thay đổi chiến lược sản phẩm. Đơn cử như Tập đoàn Stellantis, sở hữu 14 thương hiệu ô tô châu Âu và Mỹ, đang hợp tác với chính doanh nghiệp Trung Quốc - Leapmotor để phát triển các loại xe điện với giá cả phải chăng cho khách hàng bên ngoài Trung Quốc.

Tại Triển lãm ô tô Paris 2024, liên doanh này đã giới thiệu 3 mẫu xe điện mới. Trong đó, mẫu xe B10 thuộc phân khúc xe cỡ B có giá khởi điểm là 18.900 euro (514 triệu đồng), rẻ hơn khoảng 20% ​​so với các mẫu xe tương tự từ các hãng ô tô lớn của châu Âu.

Tương tự, XPeng Motors, một công ty khởi nghiệp xe điện Trung Quốc được hãng xe Đức Volkswagen đầu tư, cũng đã công bố một mẫu xe điện mới tại triển lãm này. Mẫu xe điện này được trang bị trí tuệ nhân tạo và phát triển cho thị trường châu Âu.

https___www.ft.com___origami_service_image_v2_images_raw_https2F2Fimages2F82F32FCropped.jpg
Ông He Xiaopeng, CEO XPeng Motors He công bố mẫu xe điện tích hợp công nghệ AI dành cho thị trường châu Âu tại Triển lãm ô tô Paris 2024. Ảnh: Nikkei

Việc hợp tác với các nhà sản xuất ô tô lớn của châu Âu cho phép các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc tránh được mức thuế chống bán phá giá. EU đã áp dụng mức thuế này đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất lên tới 35,3%.

Tuy vậy, chiếc lược "bắt tay" với Trung Quốc này cũng có sự bất cập. Nhà phân tích ô tô người Đức Matthias Schmidt chỉ ra rằng, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có vẻ muốn giữ lại một phần lớn chuỗi giá trị tại Trung Quốc. Nếu các nhà sản xuất ô tô châu Âu muốn cạnh tranh về giá cả và biên độ lợi nhuận, họ sẽ phải sử dụng các phụ tùng, linh kiện được sản xuất từ Trung Quốc. Điều này có thể dẫn đến sự suy giảm của ngành công nghiệp ô tô châu Âu.

Theo Nikkei Asia