"Cây thần linh" nghìn năm tuổi ở cổng trời được theo dõi đặc biệt
Nhịp sống - Ngày đăng : 16:12, 17/10/2024
Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà (thuộc địa phận huyện Lạc Dương, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) có tổng diện tích trên 70.000ha, tiếp giáp địa phận các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Lắk.
Theo lãnh đạo Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, vườn có cảnh quan đẹp và là một trong những trung tâm đa dạng sinh học ở Việt Nam.
Thống kê của ngành chức năng, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà có khoảng 2.077 loài thực vật, 131 loài thú, 304 loài chim, 15 loài hạt trần, 302 loài lan…
Đặc biệt, khu vực Cổng trời, thuộc địa giới hành chính của huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, có quần thể thông hai lá dẹt từ 500 đến 1.100 tuổi. Nơi đây có độ cao trung bình 1.400-1.500m so với mực nước biển.
Theo ông Nguyễn Lương Minh, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, thông hai lá dẹt có tên khoa học là Pinus Krempfii và trên thế giới, loài thực vật này hiện rất hiếm.
"Ở Việt Nam, thông hai lá dẹt được phát hiện ở một số nơi như: Vườn quốc gia như Chư Yang Sin (Đắk Lắk), Vườn quốc gia Phước Bình (Ninh Thuận). Thông hai lá dẹt được ghi nhận nhiều nhất là ở khu Cổng trời của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà. Đặc biệt trong đó có cây 1.100 tuổi, cao tuổi nhất Việt Nam trong hệ thông hai lá dẹt", ông Nguyễn Lương Minh nói.
Cây thông hai lá dẹt cổ thụ 1.100 tuổi hiện cao hơn 30m, tán rộng, đường kính thân hơn 3m. Cây án ngữ ở khu vực rừng Cổng trời, nơi lực lượng chức năng cấm toàn bộ các hoạt động khai thác, tận thu lâm sản, trong đó bao gồm cả việc thu hái nấm, phong lan.
Giữa tán rừng, cây thông hai lá dẹt vươn lên sừng sững và được đồng bào K'ho nơi đây gọi là "cây thần linh", nơi cư ngụ của các vị thần, không ai được xâm phạm.
Hiện nay, ở gốc "cây thần linh" hình thành lớp mùn tơi xốp được tạo bởi cành, lá mục, các loại thực vật. Lớp mùn dày khoảng 1m, tạo độ ẩm, chất dinh dưỡng để cây cổ thụ này phát triển.
Ông Lê Minh Chương, cán bộ Trạm kiểm lâm Cổng trời, thuộc Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà cho biết "cây thần linh" hiện sinh trưởng, phát triển tốt.
"Quần thể thông hai lá dẹt là đặc hữu, quý hiếm nên cán bộ trạm phối hợp với đồng bào địa phương quản lý, bảo vệ chặt chẽ. Chúng tôi thường xuyên tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi xâm phạm, phòng chống cháy rừng", ông Chương chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Lương Minh, "cây thần linh" nói riêng và quần thể thông hai lá dẹt nói chung hiện được lực lượng chức năng đánh số, lập hồ sơ và đưa vào danh sách theo dõi đặc biệt.
"Cây quý hiếm nhưng đây là loài khó di thực (đưa cây đến trồng nơi khác) nên chúng tôi vừa phải thực hiện quản lý, bảo vệ cây mẹ vừa phải thực hiện các biện pháp bảo tồn những gốc thông non", ông Nguyễn Lương Minh nói.
Theo lãnh đạo Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, hiện nay vườn mở tuyến du lịch dã ngoại đến quần thể thông hai lá dẹt để người dân, du khách được trải nghiệm, khám phá, nghiên cứu khoa học.