Năm nguyên nhân chính khiến ô tô đột ngột 'lịm' máy trên đường
Xe - Ngày đăng : 14:57, 17/10/2024
Xe đang đi đột ngột chết máy là hiện tượng không hiếm gặp của những ô tô cũ ít được bảo dưỡng thường xuyên. Nhiều trường hợp chiếc xe buộc phải "nằm đường", gây ra mất an toàn, phiền phức và tốn kém khi cứu hộ, sửa chữa.
Chia sẻ với VietNamNet về vấn đề này, kỹ sư ô tô Dương Trung Kiên - Giám đốc Công ty TNHH Ô tô Kiên Phong (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, các dòng xe cũ đã sử dụng trên 10 năm có nhiều lỗi khiến xe bị yếu, giật, vòng tua không ổn định, nghiêm trọng hơn xe bị chết máy giữa đường.
Theo anh Kiên, ngoài những lý do liên quan đến thao tác, cách xử lý của tài xế hoặc thậm chí xe bị hết xăng thì có ít nhất 5 nguyên nhân dẫn đến việc xe ô tô bị dừng động cơ đột ngột khi đang đi trên đường như sau:
1. Lọc nhiên liệu, kim phun bị tắc
Trước khi nhiên liệu đi vào động cơ qua kim phun sẽ phải đi qua bộ phận lọc nhiên liệu để loại bỏ tạp chất, cặn bẩn,… Theo thời gian, lọc nhiên liệu dễ bị bám bẩn dẫn, nhiên liệu không sạch dẫn đến tắc nghẽn ở kim phun khiến động cơ bị yếu, ì, tốn nhiên liệu, vòng tua không ổn dịnh và có thể chết máy đột ngột.
Để khắc phục, nên kiểm tra và thay lọc nhiên liệu thường xuyên, khoảng từ 10.000-15.000 km. Đồng thời nên xúc rửa, vệ sinh kim phun họng hút định kỳ sau khoảng 20.000km vận hành.
2. Bô bin đánh lửa và bugi bị trục trặc
Hệ thống đánh lửa của ô tô do bô bin và bugi chịu trách nhiệm, nếu gặp vấn đề sẽ sinh ra tia lửa sẽ yếu hoặc đánh lửa không đúng thời điểm, ảnh hưởng lớn đến quá trình đốt cháy hỗn hợp khí và nhiên liệu, khiến xe bị yếu, rung giật, đề dai, khó nổ và rất hao xăng. Trường hợp này, trên bảng đồng hồ của xe thường có đèn 'cá vàng' Check Engine phát sáng.
Khi thấy xe có những dấu hiệu như trên, nên kiểm tra và vệ sinh bugi và cả hệ thống đánh lửa nói chung. Nếu bô bin, dây cao áp, bugi bị mòn xuống cấp nặng nên thay thế để đảm bảo xe hoạt động tốt. Trong đó, bugi nên được vệ sinh mỗi 20.000km và nên thay mới tối đa sau 100.000km.
3. Bơm nhiên liệu bị hỏng
Bơm xăng (xe máy xăng) và bơm cao áp dầu (xe máy dầu) là bộ phận chịu trách nhiệm bơm nhiên liệu qua vòi phun để đi vào buồng đốt, thực hiện quá trình đốt cháy sinh công.
Bộ phận này khá bền nhưng khi bị trục trặc, xe sẽ không thể hoạt động được, gây chết máy ngay cả khi đang đi bình thường. Lúc này, chân ga mất tác dụng, xe cũng sẽ không thể khởi động lại được. Khi bị hỏng bơm xăng/bơm cao áp, cách khắc phục duy nhất là đưa xe đến gara để kiểm tra và thay bơm nhiên liệu mới.
4. Hết nước làm mát
Hết nước làm mát cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc ô tô bị trục trặc. Nếu không phát hiện sớm, động cơ có thể rơi vào tình trạng quá nhiệt, dễ chết máy giữa đường và những hỏng hóc nặng khác.
Dấu hiệu nhận biết của việc hết nước làm mát là nhiệt độ động cơ tăng cao, động cơ ì ạch kèm theo một số tiếng gõ lạ.
Để khắc phục, cần thường xuyên kiểm tra nước làm mát, nếu bị rò rỉ, hao nước mát cần khắc phục ngay. Trường hợp đang đi đường xe bị yếu, chết máy do cạn nước làm mát, lập tức dừng xe ở một vị trí an toàn, mở nắp capo lên và chờ khoảng 20-30 phút cho nguội rồi châm thêm nước hoặc nhờ sự trợ giúp từ gara.
5. Dầu nhớt không đảm bảo
Xe quá lâu không thay dầu, rò rỉ, hao dầu hay sử dụng dầu phẩm cấp kém, bị biến chất,… dễ khiến động cơ bị quá nhiệt, có thể khiến ô tô đang đi bị chết máy. Lúc này, xe đi có cảm giác ì, không bốc và có tiếng động cơ lớn bất thường và máy bị "lịm" đi.
Có thể phát hiện lỗi này thông qua đèn cảnh báo áp suất dầu động cơ trên cụm đồng hồ trung tâm hoặc xe bị chảy dầu dưới gầm, trong khoang máy hoặc xe bị hao dầu bất thường, một số trường hợp còn có thể có mùi khét.
Trường hợp xe gặp các hiện tượng trên, nên đưa xe đến gara để kiểm tra lượng dầu và bổ sung, thay thế ngay lập tức. Đồng thời về lâu dài cần tìm ra nguyên nhân dẫn đến việc hao dầu nếu có để đảm bảo an toàn trên đường.