Điểm tin Kinh doanh 17/10: Giá vàng: Vàng SJC tăng sốc

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 17/10/2024

Trái phiếu doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ; Xuất khẩu tôm khả quan, đạt gần 2,8 tỷ USD
da-dang-san-pham-tieu-dung-nhap-khau-san-sang-phuc-vu-khach-hang.jpg

- Giá vàng: Vàng SJC tăng sốc

Giá vàng hôm 16-10 ghi nhận mức tăng sốc của vàng SJC khi tăng tới 1 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.

Theo đó, giá vàng SJC đang được các ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank và các công ty vàng bạc đá quý bán ra ở mức 86 triệu đồng/lượng. Ở chiều mua, giá vàng các thương hiệu được niêm yết ở mức 84 triệu đồng/lượng. So với chốt phiên hôm qua, giá vàng đã tăng 1 triệu đồng/lượng.

Vàng nhẫn cũng ghi nhận mức tăng nhẹ khi PNJ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang giao dịch vàng quanh ngưỡng 83 triệu đồng/lượng mua vào; 84 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 200 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.

Trên thế giới, đầu giờ chiều 16-10, theo giờ Việt Nam, giá vàng đang được giao dịch quanh ngưỡng 2.665 USD/ounce. Trong một phân tích trên Kitco News, giá vàng dự kiến sẽ tiếp tục tăng kỷ lục trong 12 tháng tới, nhưng bạc vẫn là tài sản đáng chú ý trong năm 2025, theo nhận định tại Hội nghị kim loại quý của Hiệp hội thị trường vàng thỏi London (LBMA) năm 2024.

Theo khảo sát đại biểu thường niên của LBMA, 45% người tham dự kỳ vọng bạc sẽ vượt trội trong lĩnh vực kim loại quý. Trong khi đó, 37% tin rằng vàng sẽ là tài sản hàng đầu trong lĩnh vực này, với bạch kim ở vị trí thứ ba, vì 16% đại biểu dự đoán vàng sẽ tỏa sáng nhất trong năm tới.

Trung bình, các đại biểu dự đoán giá vàng sẽ tăng lên 2.941,40 USD/ounce vào thời điểm này năm sau. Dự báo của LBMA phản ánh mức tăng 10,5% so với mức hiện tại. Vàng giao ngay giao dịch gần nhất vào khoảng 2.661,90 USD/ounce, tăng 0,50% trong ngày.

Chuyên gia Robert Mullin nhận định, vàng đang xác định lại vai trò của nó như một tài sản hữu ích trong danh mục đầu tư đa dạng. “Vàng là một công cụ đa dạng hóa danh mục đầu tư rất hiệu quả. Các ngân hàng trung ương đã nhận ra điều đó và tôi nghĩ các nhà đầu tư phương Tây mới chỉ bắt đầu”, ông nói.

Trong khi vàng vẫn có tiềm năng đáng kể trong năm tới, các đại biểu kỳ vọng bạc sẽ là tài sản triển vọng nhất đến năm 2025.

- Bộ Công Thương: Ứng dụng hợp đồng điện tử toàn diện giúp đất nước tiết kiệm 50.000 – 70.000 tỷ/năm

Ngày 15/10, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử với chủ đề “Phát triển hợp đồng điện tử an toàn”.

Từ năm 2022 - 2024, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã hỗ trợ các CeCA kết nối với Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam để cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử. Thống kê đến tháng 8/2024, đã có 48.533 doanh nghiệp đã sử dụng hợp đồng điện tử có chứng thực. Tổng số hợp đồng điện tử được chứng thực đã được Trục phát triển hợp đồng điện tử ghi nhận luỹ kế là 490.471 hợp đồng.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, hợp đồng điện tử vốn là nền tảng cơ bản của hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được bảo vệ hiệu quả, đảm bảo giá trị như bản giấy/bản gốc trong giao dịch. Do được xác thực ngay tại thời điểm ký kết nên doanh nghiệp, cá nhân không phải chờ đợi, đi lại để hoàn tất việc thực hiện ký kết, cũng như xin xác thực khi cần dùng cho bên thứ 3. Người tiêu dùng, cá nhân cũng được đảm bảo quyền lợi, công bằng khi phát sinh khiếu nại, tranh chấp.

Việc ứng dụng hợp đồng điện tử toàn diện sẽ giúp đất nước tiết kiệm 50.000 – 70.000 tỷ/năm bao gồm chi phí in ấn giấy tờ, chi phí chuyển phát và bảo quản hồ sơ, chứng từ giấy theo thời gian quy định. Quan trọng hơn, sẽ giúp các doanh nghiệp rút ngắn thời gian và chi phí giao kết, chứng minh lịch sử giao dịch, uy tín khi giao dịch với cơ quan quản lý hoặc các tổ chức ngân hàng, tài chính.

- Trái phiếu doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp hồi phục mạnh mẽ, nhưng doanh nghiệp phi ngân hàng vẫn vắng bóng trước áp lực nợ đáo hạn lớn.

Công ty Cổ phần FiinRatings vừa công bố báo cáo BondXpress tháng 10 với tựa đề "Triển vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp trước những quy định pháp lý mới".

Theo đó, thị trường trái phiếu sơ cấp tháng 9/2024 ghi nhận tổng giá trị phát hành đạt 45,3 nghìn tỷ với 39 đợt phát hành, giảm 27,5% so với tháng trước nhưng tăng 20,8% so với cùng kỳ.

Tổng giá trị phát hành 9 tháng đầu năm đạt 313,6 nghìn tỷ đồng, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm ngoái, điều này cho thấy tốc độ phục hồi nhanh chóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Hoạt động phát hành riêng lẻ và công chúng đều ghi nhận xu hướng tăng trưởng đạt lần lượt là 62% và 28,1% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, thị trường tiếp tục vắng bóng các doanh nghiệp là tổ chức phát hành phi ngân hàng dù giá trị đáo hạn sắp tới của nhóm doanh nghiệp này duy trì cao.

Tháng 9/2024, các tổ chức tín dụng vẫn chiếm thế áp đảo trong đa số đợt phát hành, chiếm tỷ trọng 82,9%, với giá trị phát hành 37 nghìn tỷ, giảm 30,1% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng, khối ngân hàng dẫn đầu phát hành 74% giá trị trái phiếu doanh nghiệp mới.

Trong khi đó, giá trị phát hành của nhóm phi ngân hàng trong tháng 9/2024 chỉ đạt 5,4 nghìn tỷ đồng, nâng tổng giá trị phát hành 9 tháng đầu năm lên 80 nghìn tỷ, giảm 26,3% so với cùng kỳ. Phần lớn các trái phiếu này được nắm giữ bởi các ngân hàng thương mại và nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp do thiếu sự tham gia của các định chế tài chính khác.

Tỷ lệ chậm trả có xu hướng tăng chậm lại, ở mức 18,9% trong 9 tháng đầu năm, chuyên gia FiinRatings lý giải do tình hình vĩ mô cải thiện và room tín dụng được mở rộng gần đây đã tiếp tục hỗ trợ hoạt động cân đối dòng tiền của doanh nghiệp. "Phần lớn trái phiếu doanh nghiệp có vấn đề thuộc về các doanh nghiệp chậm trả từ trước, sức khỏe tài chính vốn đã suy yếu trong vài năm gần đây", FiinRatings nhận định.

Hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 9/2024 đạt gần 11,8 nghìn tỷ đồng, giảm 26% so với tháng trước, nâng tổng giá trị mua lại trong 9 tháng đầu năm lên 138 nghìn tỷ đồng (giảm 22,7% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, trái phiếu mua lại của ngân hàng chiếm 69% giá trị trong tháng 9/2024 và 77% của 9 tháng. Nhóm trái phiếu doanh nghiệp phi tài chính chứng kiến hoạt động mua lại giảm trong quý III/2024 so với giai đoạn đầu năm dù đối mặt với áp lực dư nợ đáo hạn lớn ở cuối năm.

Về thị trường trái phiếu thứ cấp, trong tháng 9/2024, tổng giá trị giao dịch trái phiếu tập trung đạt gần 93,4 nghìn tỷ đồng, tăng so với tháng 8/2024. Nhóm ngành ngân hàng và bất động sản vẫn chiếm phần lớn khối lượng giao dịch thứ cấp của tháng, với tỷ trọng lần lượt 40,5% và 33,9%. Xu hướng giao dịch tăng phản ánh ở cả hai nhóm ngành này, tăng lần lượt 25,3% và 40% so với tháng trước.

phat-hanh-trai-phieu-doanh-nghiep-4-1105.jpg

- Xuất khẩu tôm khả quan, đạt gần 2,8 tỷ USD

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cho biết, xuất khẩu tôm Việt Nam sang một số thị trường lớn đều đạt kết quả khả quan; ước đạt gần 2,8 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm.

Trong số các sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam trong ba quý vừa qua, ngành tôm mang về kim ngạch xuất khẩu cao nhất, ước đạt gần 2,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ của năm ngoái.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cho biết, xuất khẩu tôm Việt Nam sang một số thị trường lớn đều đạt kết quả khả quan. Tính đến cuối tháng 9/2024, xuất tôm sang Mỹ tăng 8%, sang châu Âu tăng 15%, sang Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) tăng 26%. Giá trung bình tôm xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ và châu Âu đã ghi nhận tăng kể từ tháng 6.

Theo ghi nhận, giá tôm chân trắng nguyên liệu các cỡ 50, 80, 100 con/kg tăng đều kể từ tháng 7 đến tháng 9. Giá trung bình tôm xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ và châu Âu cũng ghi nhận tăng từ tháng 6. Giá xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản cũng ghi nhận tăng nhẹ. Dự kiến giá tôm nguyên liệu vẫn sẽ tiếp tục khả quan trong quý 4/2024.

- Chi tiêu cho kỳ nghỉ lễ mùa Đông tại Mỹ dự báo đạt gần 1.000 tỷ USD

Theo Liên đoàn bán lẻ quốc gia Mỹ, tổng chi tiêu cho kỳ nghỉ lễ trong tháng 11 và tháng 12 của người tiêu dùng tại Mỹ sẽ tăng 2,5-3,5% so với năm 2023, đạt từ 979,5-989 tỷ USD. Liên đoàn bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF) ngày 15/10 dự báo người tiêu dùng tại nước này sẽ chi gần 1.000 tỷ USD trong dịp nghỉ lễ mùa Đông năm nay, tăng nhẹ so với năm 2023.

Như vậy, tổng chi tiêu cho kỳ nghỉ lễ trong tháng 11 và tháng 12 của người tiêu dùng tại Mỹ sẽ tăng 2,5-3,5% so với năm 2023, đạt từ 979,5-989 tỷ USD.

Giai đoạn này bao gồm nhiều dịp mua sắm lớn như ngày “Black Friday” và “Cyber Monday" với các chương trình khuyến mãi bán lẻ lớn được thiết kế để thúc đẩy chi tiêu quà tặng dịp Lễ Tạ Ơn, Giáng Sinh và Năm mới.

NRF cho rằng mua sắm trực tuyến sẽ đóng góp mạnh mẽ vào hiệu suất bán lẻ chung, với doanh số bán hàng trên web và các kênh không phải cửa hàng dự kiến sẽ tăng 8-9% so với năm trước.

Tính cả năm 2024, NRF dự báo doanh số bán lẻ sẽ tăng từ 2,5-3,5%, đạt từ 5.200-5.300 tỷ USD.

Việt Báo (Tổng hợp)