Hai tựa game 'đầu độc' khiến smartphone Android hư hỏng
Blockchain - Game - Ngày đăng : 13:12, 12/10/2024
Thời gian gần đây, cộng đồng mạng đang xôn xao trước thông tin về các tựa game độc hại trên Google Play Store, có khả năng gây tổn hại nghiêm trọng đến điện thoại Android. Thông tin về 2 tựa game được lan truyền trên TikTok khiến nhiều người dùng lo sợ.
Cụ thể, 2 tựa game được nêu tên là "Schoolboy Runaway" và "Balandera Simulator", đã được nhiều người dùng cảnh báo rộng rãi trên nền tảng TikTok. Theo đó, những game này ban đầu hoạt động bình thường, nhưng sau đó gây ra hàng loạt vấn đề nghiêm trọng cho thiết bị.
"Balandera Simulator" đưa người chơi vào một nhà tù, với nhiệm vụ phân phát thức ăn đến toàn bộ tù nhân. Sau khi nhiệm vụ đã xong, người chơi được yêu cầu bấm vào cánh cửa phòng bác sĩ, và nó khiến điện thoại tắt nguồn đột ngột. Sau khi khởi động lại điện thoại, hình nền của thiết bị sẽ đổi sang gương mặt ghê rợn, rồi điện thoại sập nguồn một lần nữa và không bật lại được.
Trong khi đó, "Schoolboy Runaway" cài đặt các ứng dụng độc hại không thể gỡ bỏ vào thiết bị. Nó "núp bóng" game đuổi bắt, trong đó yêu cầu người chơi vào vai một cậu bé chạy trốn khỏi mẹ mình. Ngay khi nhân vật bị mẹ bắt được, thiết bị sẽ rơi vào tình trạng như trên.
Hiện tại, Google vẫn chưa có phản hồi chính thức về vấn đề này. Tuy nhiên, công ty thường xuyên cập nhật các biện pháp bảo mật để ngăn chặn các ứng dụng độc hại xuất hiện trên Play Store. Người dùng Android được khuyến cáo cập nhật hệ điều hành và ứng dụng bảo mật thường xuyên, đồng thời hạn chế cấp quyền không cần thiết cho các ứng dụng để bảo vệ thiết bị của mình.
Trong 5 năm trở lại đây, các thiết bị chạy hệ điều hành Android liên tục đối mặt với nhiều mối nguy hại, khi nhiều ứng dụng chứa mã độc xuất hiện, chực chờ "tấn công". Năm 2021, malware Joker đã xâm nhập vào hơn 500.000 thiết bị Huawei thông qua các ứng dụng có vẻ vô hại trên Play Store. Ứng dụng độc hại này có khả năng đăng ký người dùng vào các dịch vụ trả phí mà không cần sự cho phép, gây tổn thất tài chính đáng kể. Tương tự, FluBot, được phát hiện vào đầu năm 2022, đã lây nhiễm hàng chục nghìn thiết bị Android thông qua các tin nhắn SMS giả mạo, có khả năng đánh cắp thông tin đăng nhập ngân hàng và dữ liệu cá nhân của người dùng.