Chuyện chuyển nhượng lạ lùng của bóng đá Việt Nam

Bóng đá Việt Nam - Ngày đăng : 11:08, 16/10/2024

Bóng đá Việt Nam có thể tụt hậu vì những thương vụ chuyển nhượng thiếu chuyên nghiệp.

Không theo khuôn mẫu

Không phải chờ tới khi Hoàng Đức, Văn Lâm cùng một loạt cầu thủ V.League xuống chơi ở giải hạng Nhất, người hâm mộ mới thấy sự khôi hài trong câu chuyện chuyển nhượng của bóng đá Việt Nam.

Phải nhấn mạnh rằng, mua bán chỉ là cụm từ... nói cho vui. Bởi, ở V.League nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung, phí chuyển nhượng là thứ xa xỉ, hiếm khi nào xuất hiện một cách rành mạch, và chuyên nghiệp.

Chẳng nói đâu xa, ngay trong việc Hoàng Đức rời Thể Công Viettel trước 3 tháng hợp đồng, nhiều nguồn tin tiết lộ Phù Đổng Ninh Bình chỉ làm việc trực tiếp với anh, thay vì đối thoại 3 bên như mô hình chuyển nhượng đúng khuôn mẫu của nước ngoài.

Ngay cả khi có đối thoại song phương, tức là giữa câu lạc bộ với câu lạc bộ, các đội muốn chiêu mộ cũng ít khi nào chi trả phí chuyển nhượng lớn.

Hoàng Đức - đương kim Quả bóng vàng Việt Nam và Văn Lâm - đương kim Quả bóng đồng Việt Nam xuống chơi giải hạng Nhất là điều chưa xảy ra trong lịch sử. Ảnh: Thanh Vũ
Hoàng Đức - đương kim Quả bóng vàng Việt Nam và Văn Lâm - đương kim Quả bóng đồng Việt Nam xuống chơi giải hạng Nhất là điều chưa xảy ra trong lịch sử. Ảnh: Thanh Vũ

Hà Nội FC từng muốn có Lâm Ti Phông của Thanh Hóa, nhưng khi biết thời hạn hợp đồng còn dài và phí giải phóng lên tới chục tỉ đồng, đội bóng Thủ đô cũng đành rút lui. Những thương vụ ấy diễn ra như "cơm bữa" tại V.League hay hạng Nhất.

Nhiều câu lạc bộ không có thói quen trả tiền chuyển nhượng cho đội bóng đối thủ. Họ muốn có cầu thủ theo diện miễn phí. Nhưng khôi hài ở chỗ, câu lạc bộ đó vẫn phải chi ra từ vài tỉ đến hàng chục tỉ đồng tiền lót tay, thậm chí là hoa hồng vài ngàn USD cho người môi giới để hoàn tất một thương vụ chuyển nhượng.

Tiền lót tay ngày một tăng phi mã. Giá trị cầu thủ cũng vì thế mà bị thổi phồng so với hiện thực.

Cũng cần nói thêm một câu chuyện ở Việt Nam, đó là huấn luyện viên chưa hẳn đóng vai người quyết định về một vụ mua sắm. Hay như việc tuyển mộ ngoại binh, đa số các đội bóng chọn cầu thủ qua băng hình hoặc lời đường mật của môi giới.

Mới đây, huấn luyện viên Lê Đức Tuấn của Hà Nội FC từng phải thốt lên về một ngoại binh của họ: "Cậu ta đá không hay như trên video".

Hiện tại, không chỉ Hà Nội, nhiều đội bóng chỉ biết tin vào mối của người đại diện, thông qua các video. Cẩn thận hơn thì đội bóng sẽ thử việc ngoại binh với bản hợp đồng ngắn hạn nhằm tránh rắc rối nếu như thanh lý để tránh “tiền mất, tật mang”.

Tiên trách kỷ…

Trở lại với câu chuyện thời sự những ngày qua, Văn Lâm hay Hoàng Đức xuống chơi giải hạng Nhất đã gây ra những tranh cãi.

Khoảnh khắc Đặng Văn Lâm ngập ngừng, nói vài câu rồi xin phép từ chối trả lời câu hỏi "Vì sao xuống hạng Nhất chơi bóng?". Anh chưa đủ bản lĩnh để nói lý do từ V.League xuống hạng Nhất.

Trong khi đó, Quốc Việt - gương mặt trẻ của Hoàng Anh Gia Lai cũng trả lời ngập ngừng.

Cách đây hơn 1 tháng, Văn Lâm chuyển đến câu lạc bộ Trẻ TPHCM, khoác áo ra sân tập luyện. Nhưng 1 tháng sau, anh lại kí hợp đồng với Phù Đổng Ninh Bình trong ngày xuất quân của đội bóng.

Xem chừng, Hoàng Đức là cầu thủ chuẩn bị kỹ càng hơn. Anh thừa nhận xuống hạng Nhất vì "ai cũng cần kinh tế tốt để lo cho gia đình".

Câu chuyện của Hoàng Đức chỉ ra một thực tại liên quan đến hợp đồng đào tạo trẻ của Việt Nam. Đó là việc "trói chân" tài năng trẻ quá lâu ở nhiều đội bóng.

Hợp đồng trẻ của Công Phượng, Tuấn Anh... từ kéo dài đến năm 28 tuổi. Ảnh: BPFC
Hợp đồng trẻ của Công Phượng, Tuấn Anh... từ kéo dài đến năm 28 tuổi. Ảnh: BPFC

Lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… từng phải kí hợp đồng trẻ với Hoàng Anh Gia Lai tới năm 28 tuổi. Và nhiều câu lạc bộ khác cũng giữ cầu thủ trẻ cho đến tuổi 25, 26.

Nhìn ra bóng đá thế giới, nhiều "thần đồng bóng đá" được chuyển nhượng khi mới 18 tuổi. Đó là cơ hội để họ làm giàu, tự mình chọn lựa bước đi tiếp theo cho sự nghiệp. Nhưng ở Việt Nam, cầu thủ chỉ có thể tự quyết khi đã 25-28 tuổi.

Với câu chuyện của Văn Lâm, nhiều người nghĩ đến tình cảnh của câu lạc bộ Bình Định lúc này. 3 năm trước, đội bóng này được ví von như PSG của Việt Nam. Nhưng sau 3 năm, khi không còn được đầu tư mạnh mẽ, Bình Định chứng kiến sự ra đi của hàng loạt tên tuổi, và Văn Lâm là một trong số đó.

Việc các câu lạc bộ Việt Nam cứ "ăn đong" theo chu kỳ 3-5 năm như vậy, chuyện các cầu thủ chấp nhận rời đi để tìm kiếm những bến đỗ mới vì kế sinh nhai, âu cũng có thể thông cảm.

Câu chuyện khôi hài của bóng đá Việt Nam có lẽ không chỉ dừng lại ở việc các ngôi sao đột ngột xuống hạng Nhất. Bởi đằng sau đó, những vấn đề chưa được giải quyết triệt để của nền bóng đá mới là "tảng băng chìm".Nếu vẫn giữ nguyên cách thức chuyển nhượng lạc hậu tồn tại 20 năm qua, e rằng, bóng đá Việt Nam vẫn còn chưa hết chuyện khôi hài.

MINH PHONG