Thủ tướng: "Phải xây dựng thương hiệu lúa gạo nổi tiếng thế giới"
Nhịp sống - Ngày đăng : 06:49, 16/10/2024
Chiều 15/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu các vấn đề định hướng và nhiệm vụ, giải pháp khi kết luận hội nghị triển khai Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030", tại TP Cần Thơ.
Yêu quý cây lúa như chính bản thân mình
"Chúng ta yêu quý cây lúa như chính bản thân mình. Từ đó mới tạo được cuộc cách mạng cho cây lúa của Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và các công việc nói chung", Thủ tướng chia sẻ một trong những định hướng thực hiện đề án.
Ông cũng gợi mở, chúng ta phải huy động nhiều nguồn lực và sử dụng khoa học, có hiệu quả, xóa bỏ cơ chế xin - cho, bao cấp, thủ tục hành chính rườm rà, làm sao nguồn lực này đến tận địa phương, cơ sở sản xuất, người dân.
Tại hội nghị, nhiều lãnh đạo bộ, ngành và địa phương ở ĐBSCL hoàn toàn ủng hộ đề án này. Đề án đã giúp thay đổi phương thức canh tác, giảm chi phí, giảm phát thải, tăng năng suất, chất lượng và lợi nhuận cho người nông dân.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan nhấn mạnh, cốt lõi của đề án hướng đến là thay đổi nhận thức, quy trình sản xuất, cách tiếp cận ngành hàng lúa gạo của chúng ta.
"Khởi đầu từ 1 triệu hecta ở Đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta sẽ giảm phát thải cho ngành trồng lúa ở nhiều vùng trong cả nước, sau đó có thể chuyển sang ngành khác như chăn nuôi, thủy sản", ông Hoan nói.
Nêu kiến nghị với Chính phủ, theo Chủ tịch TP Cần Thơ Trần Việt Trường, ngân hàng cần sớm triển khai chính sách tín dụng phù hợp với đề án; bộ, ngành có quy định cơ chế quản lý tín chỉ carbon để người dân sớm áp dụng.
Tương tự, Chủ tịch tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng kiến nghị đến việc áp dụng khoa học công nghệ trong việc phối hợp nghiên cứu tạo ra sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và hỗ trợ cả việc rất nhỏ như xử lý gốc rạ cây lúa thế nào?.
Còn Phó chủ tịch tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn, cho biết một trong những khó khăn là về hạ tầng thủy lợi chưa hoàn thiện nên kiến nghị có cơ chế đầu tư đồng bộ cho vùng sản xuất lúa.
Phải xây dựng thương hiệu lúa gạo nổi tiếng thế giới
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, mục tiêu tới phải tăng tốc bứt phá hơn nữa để đạt 1 triệu hecta lúa chất lượng cao càng sớm càng tốt. Từ đó để đạt 14-15 triệu tấn lúa và 9-10 triệu tấn gạo cho vùng ĐBSCL.
Để đạt mục tiêu này, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho bộ, ngành, địa phương phải quy hoạch vùng nguyên liệu mang tính ổn định, lâu dài để phát triển cây lúa với nguyên tắc chất lượng cao, phát thải thấp.
"Việc này phải xong trong quý II/2025", Thủ tướng yêu cầu.
Theo Thủ tướng, xây dựng thương hiệu lúa gạo có nhiều phân khúc, nhưng mục tiêu của chúng ta phải chọn phân khúc chất lượng cao cho người tiêu dùng. Như thế mới xứng đáng với việc chúng ta làm và xứng tầm của vùng ĐBSCL.
"Chúng ta phải xây dựng bằng được như các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới chứ không chỉ vùng Đồng bằng sông Cửu Long hay Việt Nam. Thương hiệu phải đi đôi với mẫu mã bao bì, vùng trồng, chỉ dẫn địa lý", Thủ tướng nhấn mạnh.
Với đề án chuyên canh lúa chất lượng cao, số lượng lớn, theo Thủ tướng, cần xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên để thực hiện trên tinh thần đơn giản, vướng, khó khăn ở đâu thì tháo gỡ, vượt qua ở đó.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị huy động nguồn vốn từ ngân hàng hỗ trợ, bổ sung thêm gói tín dụng ưu đãi cho lúa gạo; Bộ Tài chính lập quỹ hỗ trợ dành riêng cho 1 triệu hecta lúa gồm vốn nhà nước, thu bán tín chỉ carbon, từ các đối tác, xã hội hóa để sử dụng nhanh, không qua nhiều thủ tục.
Thủ tướng giao Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao chủ trì phát triển kết nối thị trường trong và ngoài nước, trong đó có thị trường lúa gạo và việc này phải làm đa dạng, thường xuyên.
"Trong việc chống biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng đề án tổng thể, có phân kỳ đầu tư, nguồn lực cho các địa phương, trong đó có bảo vệ cây lúa", Thủ tướng nói và yêu cầu việc này hết quý I/2025 phải xong.
"Việc làm sao phát thải thấp, giảm khí mêtan trong nông nghiệp, bán tín chỉ carbon, giao Bộ Nông nghiệp, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính chịu trách nhiệm, làm trong quý II/2025 phải có sản phẩm", Thủ tướng chỉ đạo rõ.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý đến việc kết nối doanh nghiệp, hộ nông dân, cơ sở sản xuất để tiêu thụ lúa gạo, cũng như phát triển thêm nhiều sản phẩm lúa gạo.
"Cuộc cách mạng lúa gạo không thể thiếu vai trò của nông dân, cùng mang lại lợi ích thụ hưởng, tự hào từ lúa gạo", Thủ tướng chia sẻ và cũng lưu ý đến việc kêu gọi các tổ chức quốc tế tham gia hỗ trợ tư vấn, kinh phí, kinh nghiệm các nước,..
Ông đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhà khoa học phải liên kết với nhau một cách chặt chẽ; thành lập ngay Ban chỉ đạo chuyên ngành hoạt động có trách nhiệm, hiệu quả trên tinh thần chỉ bàn làm, không bàn lùi.