Việt Nam chính thức vào kỷ nguyên 5G

Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 10:44, 15/10/2024

Nhà mạng di động Viettel công bố thương mại hóa mạng 5G vào hôm nay (15-10), Việt Nam chính thức cùng hơn 140 nước khác trên thế giới bước vào kỷ nguyên 5G

Từ khi được cấp giấy phép sử dụng tần số 5G, tháng 8-2024, Viettel Telecom đã trở thành nhà mạng di động trong nước đầu tiên nghiên cứu và triển khai thành công mạng 5G độc lập (5G Standalone - SA).

Thời điểm chín muồi

Đó là một bước tiến quan trọng cho việc chính thức cung cấp dịch vụ 5G thương mại. Vào năm 2019, Viettel Telecom cũng là nhà mạng đầu tiên ở Việt Nam thử nghiệm thành công cuộc gọi trên sóng 5G NSA. Tập đoàn Viettel cũng đã phát triển được chip 5G và trạm gốc BTS 5G Open RAN đạt quy chuẩn quốc gia. Không chỉ là nhà mạng đã giành được quyền khai thác khối "băng tần vàng" B1 (2500-2600 MHz), Viettel còn là nhà mạng di động lớn nhất Việt Nam (năm 2023 chiếm 56,5% thị phần thuê bao di động) và đã có thể cung cấp dịch vụ 5G trên toàn quốc và dự kiến phủ sóng 5G tại tất cả 63 tỉnh, thành ngay trong tháng 10.

Nhà mạng di động VNPT VinaPhone với khối băng tần C2 (3700 - 3800 MHz) từ ngày 13-10 đã bắt đầu triển khai cho các thuê bao dùng thử miễn phí 5G tại các khu vực có sóng 5G. Sau khi được cấp phép chính thức, Tập đoàn VNPT đã triển khai lắp đặt hạ tầng và trạm thu phát sóng VinaPhone 5G trên toàn quốc. Hiện nay, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã có sóng VinaPhone 5G. Theo kế hoạch, đến hết năm 2024, VNPT sẽ hoàn thành lắp đặt trên 3.000 trạm phát sóng VinaPhone 5G nhằm bảo đảm phủ sóng mạnh, ổn định và liên tục, đặc biệt tại các khu vực đô thị và trung tâm kinh tế lớn trên toàn quốc. Nhà mạng MobiFone với khối băng tần C3 (3800 - 3900 MHz), dự kiến sẽ cho khách hàng được thử nghiệm dịch vụ 5G từ tháng 11. Ngoài ra, để tăng cường hiệu quả triển khai 5G, MobiFone hợp tác chia sẻ hạ tầng với các nhà mạng có băng tần 5G phù hợp.

Theo lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), đến năm 2025, 100% tỉnh, thành phố; các khu công nghệ cao; khu công nghệ thông tin tập trung; trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo; khu công nghiệp; nhà ga, cảng biển, sân bay quốc tế sẽ có dịch vụ di động 5G. Tốc độ tối thiểu của mạng này cần đạt 100Mbps. Ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT-TT), khẳng định: "Triển khai mạng 5G đã đến thời điểm chín muồi. Các nhà mạng Việt Nam cũng đã triển khai thử nghiệm 5G trong vài năm vừa qua. Tất cả nhà mạng lớn ở Việt Nam trong năm 2024 đã sẵn sàng cho việc thương mại hóa 5G".

Việt Nam chính thức vào kỷ nguyên 5G- Ảnh 2.
Lắp đặt trạm thu phát sóng 5Gphục vụ khách hàng trên toàn quốc. Ảnh: VNPT

Giải pháp vượt trội

Theo nhà phát triển chip di động Qualcomm, mạng 3G đã mang đến dữ liệu di động và 4G mở ra kỷ nguyên băng thông rộng di động. 5G là giao diện không dây thống nhất, có khả năng kết nối nhiều hơn với khả năng mở rộng để người dùng trải nghiệm; trao quyền cho các mô hình triển khai mới và cung cấp các dịch vụ mới.

Theo đó, 5G được sử dụng trên 3 loại dịch vụ kết nối, gồm băng thông rộng di động nâng cao, truyền thông quan trọng và IoT quy mô khổng lồ. Một khả năng đã được xác định của 5G là nó được thiết kế để tương thích và hỗ trợ linh hoạt các dịch vụ trong tương lai mà ngày nay chưa được biết đến. Đồng thời, việc ứng dụng AI tạo sinh, AI trên thiết bị, AI mọi nơi sẽ phát huy tối đa hiệu quả nhờ có kết nối 5G. Cũng theo Qualcomm, trước mắt, 5G sẽ cải thiện khả năng của điện thoại thông minh, có thể mở ra những trải nghiệm nhập vai mới như VR và AR với tốc độ dữ liệu nhanh hơn, đồng đều hơn, độ trễ thấp hơn và chi phí cho mỗi bit thấp hơn. Hơn hẳn 4G, 5G cho phép các dịch vụ mới có thể chuyển đổi các ngành công nghiệp với các liên kết có độ tin cậy cao, khả dụng và độ trễ thấp như điều khiển từ xa cơ sở hạ tầng quan trọng, phương tiện và quy trình y tế. 5G cũng cho phép kết nối liền mạch một số lượng lớn các cảm biến nhúng trong hầu như mọi thứ thông qua khả năng thu hẹp tốc độ dữ liệu, công suất và tính di động - cung cấp các giải pháp kết nối cực kỳ tinh gọn và chi phí thấp.

Cần chiến lược cụ thể để tối ưu

Theo các chuyên gia, mạng 5G mang đến nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng cần phải chú ý nhiều vấn đề để tránh mắc sai lầm và hiểu sai. Cụ thể, nhà bán hàng và doanh nghiệp phải đánh giá chuẩn về kỹ thuật hạ tầng và nâng cấp thiết bị sao cho tương thích với công nghệ 5G. Ngoài ra, khi các thiết bị và hệ thống quản lý được chuyển sang sử dụng mạng 5G, công ty cần cân nhắc xây dựng các giải pháp bảo mật mạnh mẽ bảo đảm an toàn dữ liệu. Do đó, cần có sự phối hợp giữa các chuyên gia về an ninh mạng để bảo vệ hệ thống là cần thiết. Cuối cùng, công ty nên nghiên cứu và ứng dụng bổ sung các công nghệ tiên tiến như AI và IoT, vốn hoạt động tối ưu trên nền tảng 5G. Điều này sẽ giúp công ty không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn tăng tính cạnh tranh và đổi mới trong tương lai.

Các nhà nghiên cứu dự đoán tới năm 2035, trên quy mô toàn cầu, công nghệ 5G sẽ góp phần tạo ra 13.100 tỉ USD sản lượng kinh tế (hàng hóa và dịch vụ); 22,8 triệu việc làm mới. Vì vậy, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp cần có chiến lược và các dự án khai thác các ưu thế của 5G để nâng cấp cho hoạt động của mình. Khác với 4G, 5G cũng cần có một chiến lược mang tầm cỡ quốc gia để tận dụng tối ưu công nghệ của tương lai này.

5G phát triển mạnh mẽ tại châu Á

Tại Trung Quốc, công nghệ 5G đã được khai thác thương mại cách đây 5 năm và kể từ đó công nghệ này đã được tích hợp vào nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghiệp, điện lực, khai khoáng, chăm sóc sức khỏe và giáo dục, với sự thúc đẩy và ứng dụng trên diện rộng. Theo dữ liệu mà Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc cập nhật hồi tháng 7-2024, mạng 5G đã phủ sóng mọi thành phố và thị trấn trong cả nước, cũng như hơn 90% các ngôi làng. Số thuê bao 5G trên khắp Trung Quốc đã đạt 966 triệu. Nước này cũng đã xây dựng 300 nhà máy 5G và triển khai hơn 13.000 dự án ứng dụng "5G cộng với internet công nghiệp". Năm 2024, công nghệ 5G-Advanced (5G-A) tại Trung Quốc được coi là bản nâng cấp quan trọng cho mạng 5G, cho phép ứng dụng rộng rãi AI trong nhiều lĩnh vực và cũng mở đường cho các hệ thống 6G.

Singapore là quốc gia đầu tiên trên thế giới đạt được mục tiêu trở thành vùng phủ sóng 5G toàn diện vào năm 2022. Theo GlobalData, việc ngày càng nhiều người sử dụng dịch vụ 5G tại Singapore có khả năng thúc đẩy doanh thu từ dịch vụ dữ liệu di động, dẫn đến tổng doanh thu từ dịch vụ di động của quốc gia này tăng lên mức 2,1 tỉ USD vào cuối năm 2028.

Tại Hàn Quốc, mạng 5G hiện đã đi sâu vào đời sống trên nhiều lĩnh vực. Theo thống kê đến tháng 3-2024, Hàn Quốc đã có 33,4 triệu thuê bao 5G. Trước Hàn Quốc, Qatar cũng đã triển khai 5G thương mại (tháng 5-2018) nhưng ở quy mô nhỏ hơn nhiều.

Th.Anh

. Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT-TT):

Bước tiến lớn

Việc mở ra cách tiếp cận 5G thúc đẩy sự hợp tác và phát triển của doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, phục vụ các mô hình kinh doanh đa dạng trong khả năng sẵn sàng của công nghệ. Việc triển khai công nghệ 5G, tức là xây dựng hạ tầng đi trước, tạo hạ tầng cho các thành phần kinh tế tham gia sử dụng công nghệ này. Trong đợt bão số 3 vừa qua, vai trò của công nghệ băng rộng di động rất lớn, chẳng hạn như khám bệnh, hội chẩn từ xa...

. Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng Thư ký Hội Tin học TP HCM (HCA):

Cần nhanh chóng phổ cập mạng 5G

Đối với người dùng cá nhân, mạng 5G hiện chưa thực sự cần thiết khi họ chỉ có nhu cầu xem phim, nghe nhạc hay gửi email nên 4G gần như đã đáp ứng đầy đủ. Bên cạnh đó, để sử dụng 5G cần phải trả chi phí cao hơn như gói cước, thậm chí phải mua thiết bị hỗ trợ 5G mới có thể sử dụng được nên 5G sẽ không là lựa chọn của nhiều người. Dù vậy, mạng 5G sẽ có đóng góp rất lớn đến kinh tế - xã hội. Để khai thác hết tiềm năng của 5G và để người dùng tận dụng tối ưu mạng mới này, cần sớm có chiến lược phổ cập 5G rộng rãi, hướng dẫn có kết quả thực tế và các ứng dụng cần phải sớm được nâng cấp lên 5G.

. Ông Phan Tiến Đạt, Giám đốc Công ty CP Dây cáp điện Lucky Star:

Khắc phục độ trễ kết nối với hệ thống quản lý

Nhà máy chúng tôi vẫn đang sử dụng cáp LAN để kết nối trực tiếp phục vụ các tác vụ liên quan đến phần mềm quản lý. Do đó, việc dùng điện thoại cá nhân có mạng 4G để kết nối với hệ thống quản lý của nhà máy thực chất đang gây chậm trễ khá nhiều, kéo theo gián đoạn sản xuất, tốn kém thời gian khắc phục. Nếu các nhà mạng phổ biến mạng 5G, tốc độ tương tác qua thiết bị và hệ thống sẽ nhanh hơn và khả năng truyền tải dữ liệu sẽ được cải thiện đáng kể. Tốc độ mạng 10Gbps, độ trễ 1-4ms sẽ giúp vận hành nhà máy trở nên ổn định, trơn tru, tiết kiệm thời gian xử lý rất lớn, đặc biệt là đối với hệ thống quản lý phần mềm ERP của công ty, vốn phụ thuộc hoàn toàn vào kết nối internet.

. Đại diện một sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam:

Tặng khả năng bán hàng qua livestream

5G sẽ không mang lại nhiều đột phá cho cho nền tảng hoặc tính năng mới… nhưng sẽ giúp cho việc livestream bán hàng không bị gián đoạn, hình ảnh rõ nét, nhờ đó có thêm cơ hội bán được nhiều sản phẩm hơn.

L.Tỉnh - T.Linh