OpenAI có thể lỗ 44 tỷ USD đến năm 2028
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 13:53, 14/10/2024
Nếu như những năm đầu thành lập, cả Google và Facebook đều thể hiện sức mạnh tài chính đáng nể thì OpenAI – công ty gần 10 năm tuổi – cho thấy bức tranh trái ngược.
Theo hồ sơ tài chính mà The Information thu thập được, nhà phát triển ChatGPT ghi nhận doanh thu tăng trưởng nhanh, có thể đạt 100 tỷ USD năm 2029 song có thể lỗ tổng cộng 44 tỷ USD từ năm 2023 đến năm 2028.
Cụ thể, OpenAI báo lỗ 340 triệu USD trong nửa đầu năm 2024. Dự phóng của công ty tiết lộ họ sẽ không thể có lãi cho đến năm 2029.
OpenAI vừa hoàn thành vòng gọi vốn mới nhất trị giá 6,6 tỷ USD, nâng giá trị startup lên 157 tỷ USD.
Điều đáng lo ngại nhất, theo The Information, là OpenAI yêu cầu các nhà đầu tư loại trừ hàng tỷ USD họ chi để đào tạo các mô hình AI.
Đào tạo mô hình AI là một trong những hoạt động chính của OpenAI. Công ty đã ra mắt GPT-4 vào đầu năm 2023 và tung ra mô hình GPT-o1 mới vào tháng 9.
Trả lời Insider, một chuyên gia đầu tư mạo hiểm kỳ cựu cho biết, một công ty AI không thể loại trừ chi phí đào tạo mô hình AI – chi phí kinh doanh cơ bản - khi báo cáo thu nhập.
Francine McKenna, tác giả The Dig - blog chuyên về các vấn đề kế toán, kiểm toán và quản trị doanh nghiệp tại các công ty đại chúng và chuẩn bị IPO, nhận xét việc OpenAI thuyết phục các nhà đầu tư bỏ qua chi phí đào tạo mô hình AI là “đánh lận con đen”.
Francine McKenna từng làm việc tại Tập đoàn kiểm toán KPMG Consulting và PwC, triển khai các hệ thống kế toán và tài chính, bao gồm phần mềm SAP và Oracle ERP, cho các công ty lớn.
Đối với một công ty AI như OpenAI, đào tạo mô hình AI là một quá trình liên tục. Thế giới không ngừng phát triển và dữ liệu mới không ngừng được sản sinh, tất cả đều phải được tích hợp vào mô hình AI. Quá trình đó không bao giờ kết thúc.
Các nhà đầu tư kỳ vọng OpenAI sẽ IPO trong những năm tới. Tuy nhiên, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (Mỹ) tập trung nhiều vào việc đo lường lợi nhuận và không cho phép loại trừ nhiều chi phí kinh doanh.
"Nếu họ đưa điều đó vào bản cáo bạch IPO để SEC xem xét, SEC có thể nói rằng họ không thể dùng chúng để điều chỉnh thu nhập", McKenna phân tích.
Chuyên gia đầu tư mạo hiểm nói trên lưu ý, các chi phí khác của OpenAI, như suy luận, có thể giảm trong những năm tiếp theo. Suy luận là giai đoạn sau đào tạo, cho phép các mô hình AI phản hồi thông tin mới. Về cơ bản, đó là cách các mô hình hoạt động.
Những chi phí sau đào tạo có thể giảm đáng kể, giúp OpenAI giảm lỗ, người này giải thích. Song, không thể loại trừ chi phí đào tạo mô hình AI vì đây là chi phí cơ bản lớn, liên tục để cung cấp dịch vụ.
OpenAI không phải startup duy nhất yêu cầu nhà đầu tư không xét đến chi phí của hoạt động cốt lõi. Groupon - công ty dẫn đầu mô hình mua theo nhóm và WeWork - "kỳ lân" một thời của lĩnh vực chia sẻ không gian làm việc từng làm điều tương tự.
Trước khi IPO năm 2011, Groupon đề nghị nhà đầu tư xem xét "thu nhập hoạt động hợp nhất đã điều chỉnh" (CSOI), loại trừ một số chi phí liên quan đến tiếp thị. SEC phản đối và Groupon đã phải thay đổi công tác kế toán của mình.
Năm 2023, Groupon đưa ra cảnh báo "lo ngại", làm dấy lên nghi ngờ về khả năng duy trì hoạt động kinh doanh.
Năm 2019, WeWork yêu cầu các nhà đầu tư tập trung vào "EBITDA điều chỉnh bởi cộng đồng". Về cơ bản, công ty muốn các nhà đầu tư bỏ qua chi phí của những việc cần làm để điều hành hoạt động kinh doanh của mình.
OpenAI đang làm giống như vậy, theo McKenna và chuyên gia đầu tư mạo hiểm. McKenna chỉ ra, vì đang là công ty tư nhân, OpenAI có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn và xoay chuyển mọi câu chuyện. Song, điều này sẽ chấm dứt đến một mức độ nào đó nếu họ chuẩn bị bản cáo bạch để IPO.
WeWork phá sản vào tháng 11/2023.
(Theo Insider, FT)