Sẽ không còn việc người dân làm thủ tục trực tuyến nhưng vẫn nộp văn bản giấy

Cuộc sống số - Ngày đăng : 07:09, 13/10/2024

Một số ý kiến cho rằng, việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến hiện nay đang theo kiểu 'nửa vời'. Mặc dù người dân thực hiện các thủ tục trực tuyến, nhưng họ vẫn phải nộp các văn bản và hồ sơ bằng giấy, TPHCM đang khắc phục tình trạng này.

Theo chị Nguyễn Thị Minh, hiện đang ở thành phố Thủ Đức, TPHCM, do cần làm thủ tục xác nhận cư trú để đi du lịch nước ngoài, chị đã vào hệ thống dịch vụ công trực tuyến của thành phố để tiến hành làm thủ tục trực tuyến.

Tuy nhiên, theo chị việc khai báo hiện nay đang phải thực hiện quá nhiều bước, nếu một người dân không biết gì về máy tính sẽ rất khó thực hiện.

Đồng thời, đôi lúc khai báo bị lỗi khiến chị phải làm đi làm lại nhiều lần; chưa hết, khi làm xong chị vẫn phải in văn bản giấy ra để lên phường nộp.

nguoidankonopgiay.jpg
TPHCM sẽ chấm dứt việc công dân làm dịch vụ công trực tuyến nhưng vẫn phải nộp văn bản giấy. Ảnh: Hồ Văn

"Với một người dân bình thường tôi nghĩ họ rất khó thực hiện được các dịch vụ công trực tuyến hiện nay, nó quá phức tạp và vẫn còn nhiều lỗi, bên cạnh đó đã làm trực tuyến rồi mà còn đi nộp văn bản giấy xin các nhận, tôi thấy nó quá nửa vời", chị Minh chia sẻ.

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TPHCM thừa nhận, hiện nay vẫn còn một số cơ quan, tổ chức trên địa bàn TPHCM chưa thực hiện triệt để việc tiếp nhận và xử lý các văn bản điện tử.

Điều đó gây nên tình trạng khi người dân thực hiện một số dịch vụ công trực tuyến nhưng vẫn phải thực hiện thêm bước nộp văn bản giấy.

Để khắc phục tình trạng này, ông Lâm Đình Thắng thông tin, thành phố đã và đang thực hiện các giải pháp như: Triển khai danh mục các giấy phép điện tử, ứng dụng ký số quy định áp dụng toàn bộ trên địa bàn thành phố; thực hiện tinh giản thủ tục hành chính, những hồ sơ nào đã số hóa thì không yêu cầu nộp lại; triển khai giải quyết thủ tục phi địa giới hành chính: Thành phố sẽ đưa vào vận hành Trung tâm giải quyết thủ tục hành chính công, tất cả bộ phận một cửa của quận huyện, sở ngành đều hợp nhất với đơn vị này để thực hiện theo quy trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của thành phố thống nhất, liên thông trên cơ sở sử dụng một nền tảng số.

Theo đó, Trung tâm phục vụ hành chính công TPHCM sẽ đi vào hoạt động từ tháng 1/2025. Đây là giải pháp nhằm đẩy nhanh việc thành phố vận hành trên cơ sở Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các hệ thống nền tảng dùng chung hướng đến nền công vụ số.

Đồng thời đây cũng là giải pháp đổi mới cách thức tiếp nhận TTHC theo hướng chuyển từ phân chia bộ phận một cửa theo cấp, đơn vị hành chính sang mô hình theo khu vực, quản lý tập trung, thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai thực hiện tiếp nhận, trả kết quả đa ngành, đa lĩnh vực và không phụ thuộc vào địa giới hành chính; giảm đầu mối bộ phận một cửa, tổ chức tập trung các điểm tiếp nhận theo phạm vi không gian nhất định nhằm tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận và thực hiện TTHC.

Với việc đưa Trung tâm phục vụ hành chính công vào hoạt động, TPHCM sẽ tăng cường hiệu quả công tác kiểm soát, theo dõi, giám sát việc thực hiện, hỗ trợ phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo UBND thành phố trong công tác giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân.

Bảo đảm đáp ứng các chỉ tiêu liên quan đến chuyển đổi số, cải cách TTHC, dịch vụ công trực tuyến được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Lãnh đạo, Chính phủ.

Nâng cao tính chuyên nghiệp, độc lập trong tiếp nhận, số hóa, trả kết quả của bộ phận một cửa; bảo đảm linh hoạt trong bố trí cán bộ một cửa phù hợp với điều kiện, tình hình tiếp nhận, giải quyết TTHC của từng khu vực, tránh việc quá tải cục bộ; tạo điều kiện theo dõi, giám sát, đánh giá, đôn đốc việc thực hiện TTHC kịp thời, hiệu quả.

Ông Lâm Đình Thắng tin rằng, khi hoàn thành các giải pháp này, TPHCM sẽ không còn tình trạng nơi cấp phép điện tử, nơi yêu cầu nộp giấy phép giấy, đồng thời người dân có thể giao dịch với cơ quan nhà nước thành phố tại bất kỳ đâu, không phụ thuộc vào địa giới hành chính.