Tư thế ngồi lái xe và cầm vô lăng để không bị thương khi túi khí bung
Xe - Ngày đăng : 08:48, 12/10/2024
Dưới đây là một số khuyến cáo của các hãng xe cũng như các chuyên gia an toàn đối với tài xế khi lái xe để tránh bị chấn thương từ túi khí phía trước.
Theo đánh giá của Viện Bảo hiểm An toàn Đường cao tốc Mỹ (IIHS) và Cơ quan An toàn Giao thông Cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA), túi khí phía trước có thể bung ra ở tốc độ thấp nhất là 16 km/h nếu xe va chạm với vật cứng và trong trường hợp tài xế thắt dây an toàn.
Theo thiết kế của nhà sản xuất, túi khí chứa khí nóng và bung ra rất nhanh, đến mức nếu tài xế ngồi quá gần có thể gây thêm chấn thương thay vì giảm chấn thương như tác dụng của nó. Ngoài ra, tùy thuộc vào góc của vô lăng và khoảng cách với người lái, nếu không ngồi đúng tư thế, khoảng cách đầu và mặt của tài xế có thể va vào nửa trên của vô lăng.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, tài xế nên ngồi thẳng ở giữa ghế, lưng dựa vào lưng ghế và chân đặt trên sàn.
Trước khi đẩy lưng ghế ra xa vô lăng, tài xế nên điều chỉnh phần đệm ghế trước cho phù hợp. Quá trình điều chỉnh phải đảm bảo hông cùng đầu gối ngang nhau, chân thoải mái chạm bàn đạp, tránh để chân duỗi quá xa và phải với đến bàn đạp phanh và ga hoặc đầu gối co lên quá cao.
Bên cạnh đó, vị trí ngồi sao cho ngực của tài xế cách vô lăng ít nhất 25-30 cm, vì vô lăng cũng là nơi chứa túi khí.
Tay lái cũng ảnh hưởng một phần đến an toàn của tài xế khi điều khiển phương tiện trong trường hợp túi khí bung. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, nên đặt tay ở vị trí 9 và 3 giờ, không đặt tay trên vị trí 10 và 2 giờ như thói quen chung của nhiều người.
Theo phân tích của các chuyên gia, với thiết kế vô lăng và công nghệ túi khí như hiện nay, việc tài xế đặt tay ở vị trí 10 và 2 giờ có thể gây chấn thương nghiêm trọng cho tay và cánh tay.
Các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên tài xế tuyệt đối không để các vật trang trí hoặc đồ vật xung quanh vô lăng, bởi những vật này có thể trở thành vật thể bay vào người, gây chấn thương khi xe xảy ra va chạm.