Điểm tin Kinh doanh 12/10: Giá vàng: Ngược chiều thế giới, vàng miếng SJC giảm về mốc 84,5 triệu đồng/lượng

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 12/10/2024

Sẽ tiếp tục thanh tra thị trường vàng; TPHCM: 9 tháng đầu năm 2024, kiều hối đạt gần 5,5 tỷ USD
8mbc31nnhd1-qer6xurknp2-lcbr7mly523.jpg

- Giá vàng: Ngược chiều thế giới, vàng miếng SJC giảm về mốc 84,5 triệu đồng/lượng

Sáng 11/10, giá vàng thế giới tăng sau khi Mỹ công bố dữ liệu kinh tế mới nhất. Ở chiều ngược lại, vàng miếng SJC trong nước giảm 500.000 đồng/lượng, về mốc 84,5 triệu đồng.

Cụ thể, giá vàng trong nước tại SJC được niêm yết ở mức 82,5-84,5 triệu đồng/lượng cả 2 chiều mua-bán, giảm 500.000 đồng/lượng.

Tại Doji được niêm yết ở mức 82,5-84,5 triệu đồng/lượng (mua-bán), giảm 500.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với đầu giờ sáng 10/10.

Sáng 11/10, giá vàng nhẫn tròn cũng giảm về mức 82,8 triệu đồng/lượng. Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng nhẫn tròn 81,5-82,8 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng/lượng ở 2 chiều mua vào-bán ra so với cuối phiên giao dịch hôm 10/10.

Giá vàng nhẫn tròn được Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết 81,88-82,88 triệu đồng/lượng, giảm 800.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào-bán ra so với trước đó. Còn tại Doji, Phú Quý niêm yết giá vàng nhẫn tròn 82-82,9 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng/lượng so với phiên giao dịch hôm 10/10.

Ngược chiều với thị trường vàng trong nước, giá vàng thế giới niêm yết trên Kitco ở mức 2.630 USD/ounce, tăng 14 USD/ounce so với đầu giờ sáng 10/10. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.625 USD/ounce.

Dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do bất ổn kinh tế và địa chính trị toàn cầu. Bất chấp những áp lực từ biến động lãi suất của Mỹ và căng thẳng địa chính trị, kim loại quý vẫn là lựa chọn an toàn cho các nhà đầu tư dài hạn.

- Hàng không Việt Nam lên kế hoạch giảm carbon với chuyến bay quốc tế

Cục Hàng không VN vừa thông tin về việc tham gia Kế hoạch giảm và bù đắp Carbon đối với các chuyến bay quốc tế (Corsia) của hàng không Việt Nam và một số chính sách liên quan tới phát triển bền vững của EU.

Để triển khai thỏa thuận Paris, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã ban hành Kế hoạch giảm và bù đắp carbon trong các chuyến bay quốc tế (Corsia) nhằm góp phần đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 của lĩnh vực hàng không dân dụng.

Những năm qua, Bộ GTVT và Cục Hàng không VN đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ, yêu cầu theo Corsia như xây dựng và ban hành Thông tư số 22/2020 Quy định quản lý nhiên liệu tiêu thụ và phát thải khí CO2 từ tàu bay trong hoạt động hàng không dân dụng; Thực hiện giám sát - báo cáo - thẩm tra (MRV) phát thải CO2 với các chuyến bay quốc tế, báo cáo ICAO dữ liệu phát thải các năm 2019, 2020, 2021, 2022, 2023.

Các hãng hàng không Việt Nam là đối tượng chịu tác động trực tiếp từ việc thực hiện Corsia bao gồm cả ở giai đoạn tự nguyện và bắt buộc. Việc tham gia Corsia từ giai đoạn tự nguyện sẽ khiến các hãng hàng không Việt Nam đứng trước nhiều thách thức, khó khăn.

Theo tính toán sơ bộ, với chi phí mua tín chỉ carbon để bù đắp cho lượng khí thải phát ra khi tham gia giai đoạn tự nguyện từ 1/1/2024 tới hết năm 2026, thấp nhất sẽ là hơn 13 triệu USD (với giá tín chỉ là 6 USD) và cao nhất là hơn 92 triệu USD (với giá tín chỉ là 40 USD).

- Sẽ tiếp tục thanh tra thị trường vàng

Trả lời câu hỏi của cử tri Thái Nguyên, An Giang, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục thanh tra thị trường vàng và đang hoàn thiện báo cáo đề xuất sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP.

Trong thời gian qua, giá vàng thế giới liên tục tăng cao, lập đỉnh lịch sử vào ngày 26/9/2024 ở mức 2.700 USD/ounce.

Trong văn bản trả lời ý kiến cử tri An Giang, Thái Nguyên, Ngân nàng Nhà nước cho biết, giá vàng thế giới tăng cao là vàng là hàng hóa đặc thù, có tính thanh khoản cao, là tài sản cất trữ được ưa chuộng đặc biệt trong những giai đoạn kinh tế, địa chính trị biến động; tâm lý của giới đầu tư bị ảnh hưởng từ những bất ổn kinh tế vĩ mô, tình hình lạm phát, căng thẳng địa chính trị trên thế giới, sự kiện Ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ và một số ngân hàng Mỹ phá sản; ngân hàng trung ương các nước tăng cường mua vàng bổ sung cho dự trữ ngoại hối.

Giá vàng miếng trong nước tăng và chênh lệch ở mức cao so với giá vàng quốc tế từ năm 2021 đến nay. Từ mức chênh lệch khoảng trên dưới 3 triệu đồng/lượng giai đoạn 2014 - 2021, từ cuối năm 2021 tới nay, chênh lệch giá so với thế giới tăng cao và có lúc lên tới 18 triệu đồng/lượng (~25%). Điều này có nguy cơ tác động đến tâm lý xã hội về ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ.

Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp cùng các bộ, ngành và các địa phương triển khai tổng thể các giải pháp để xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng cao, ổn định thị trường vàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Cụ thể, Ngân nhàng Nhà nước đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước các địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động kinh doanh vàng tại địa phương.

Yêu cầu các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; thực hiện chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

Đề nghị Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát… theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng qua biên giới, thao túng, trục lợi… gây mất ổn định thị trường vàng.

tau-bay-17286220670431541560288.jpg

- TPHCM: 9 tháng đầu năm 2024, kiều hối đạt gần 5,5 tỷ USD

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TPHCM cho biết, thống kê sơ bộ cho thấy, 9 tháng đầu năm, lượng kiều hối về TPHCM đạt 5,485 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ và bằng 77% so với cả năm 2023.

Sáng 11-10, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM tổ chức hội nghị triển khai Đề án Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TPHCM từ nay đến năm 2030. Tại đây, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TPHCM cho biết, ngành ngân hàng tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ chính để triển khai đề án nói trên.

Trong đó có việc tiếp tục duy trì và triển khai thực hiện tốt chính sách về thị trường ngoại hối, thu hút kiều hối, đảm bảo duy trì nguồn lực kiều hối, tiếp tục thu hút về đất nước, đảm bảo tốc độ tăng trưởng 10%/năm.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, đến thời điểm này, kết quả thu hút kiều hối năm 2023 tại TPHCM rất ấn tượng, đạt khoảng 9,46 tỷ USD. Về 9 tháng đầu năm nay, qua số liệu của các tổ chức, công ty kiều hối tại TPHCM thì lượng kiều hối về TPHCM đạt 5,485 tỷ USD, tăng 10,4% cùng kỳ. Trong đó, 14 công ty kiều hối chiếm khoảng 77,4% trong tổng nguồn kiều hối chuyển về.

- Hơn 277.000 tỷ đồng trái phiếu được huy động

Trong 9 tháng đầu năm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận 268 đợt phát hành riêng lẻ và 15 đợt phát hành ra công chúng, với tổng giá trị 277.450 tỷ đồng.

Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính riêng tháng 9/2024, có 24 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thành công với giá trị huy động 22.333 tỷ đồng, giảm hơn 41% so với tháng trước. Tháng này chỉ có một đợt phát hành ra công chúng do Ngân hàng TMCP Bản Việt thực hiện để huy động 1.467 tỷ đồng, giảm 84% so với tháng trước.

Ngành ngân hàng và bất động sản vẫn chiếm phần lớn khối lượng phát hành với tỷ trọng lần lượt 72% và 19%, chênh lệch không đáng kể so với tháng 8.

Ngành ngân hàng ghi nhận 20 đợt phát hành thành công trong tháng 9. Đứng đầu về giá trị huy động là VIB với 4.000 tỷ đồng, OCB 3.500 tỷ đồng, VietinBank 2.850 tỷ đồng, HDBank 2.500 tỷ đồng và Sacombank 2.000 tỷ đồng.

Lãi suất phát hành cao nhất giai đoạn này thuộc về lô trái phiếu của hai doanh nghiệp bất động sản là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Trường Lộc và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Phát Đạt khi lên đến 12% một năm.

Các doanh nghiệp đã mua lại 11.749 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính còn khoảng 79.858 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong những tháng cuối năm. Phần lớn trong số này là trái phiếu bất động sản với 35.137 tỷ đồng, tương ứng 44%.

Lũy kế 9 tháng, có 268 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 250.396 tỷ đồng và 15 đợt phát hành ra công chúng trị giá 27.054 tỷ đồng. Tổng giá trị huy động thông qua trái phiếu doanh nghiệp tính từ đầu năm đến nay đạt 277.450 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ.

Việt Báo (Tổng hợp)