Thái Lan mang gì đến ‘Techsauce Global Summit 2024 Ho Chi Minh’?
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 12:25, 11/10/2024
Đây là lần đầu tiên hội nghị Techsauce được tổ chức tại Việt Nam với mục tiêu khai thác tiềm năng từ sự hợp tác giữa hệ sinh thái công nghệ Thái Lan và Việt Nam.
Vì sao giới công nghệ Thái tìm đến Việt Nam?
Trước đó, Techsauce Global Summit 2024, một sự kiện công nghệ nổi bật ở khu vực Đông Nam Á đã khai mạc ngày 7/8 tại Bangkok (Thái Lan), quy tụ khoảng 100 tổ chức, doanh nghiệp của Thái Lan và nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ, tạo diễn đàn để các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trao đổi ý kiến, chia sẻ tầm nhìn ‘Thế giới của Ngày mai với Trí tuệ Nhân tạo (AI)’ mà Thái Lan đang hướng đến.
Mục tiêu mà giới công nghệ Thái muốn gửi gắm ở diễn đàn này là nhấn mạnh tới lộ trình AI của nước này, vốn được xem như yếu tố cốt lõi của cuộc cải cách sâu rộng theo tầm nhìn “Khởi động Thái Lan.”
Để hỗ trợ cho mục tiêu này, Thái Lan thành lập Ủy ban AI Quốc gia mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ưu tiên phát triển công nghệ kỹ thuật số và AI để giúp nền kinh tế kỹ thuật số trở thành động lực tăng trưởng, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của đất nước."
Techsauce Global Summit 2024 Ho Chi Minh với chủ đề “Unleashing Southeast Asia's Tech Potential” (tạm dịch: Giải phóng tiềm năng công nghệ ở Đông Nam Á), các diễn giả đã thảo luận về tiềm năng và sự phát triển của AI trong bối cảnh bùng nổ toàn cầu, cách thức khai phá các tác động của nó lên thị trường lao động và cơ hội nghề nghiệp trong ngành, cụ thể là với Việt Nam.
CEO Techsauce Oranuch Lerdsuwankij nhận định: các nhà khởi nghiệp quốc tế cũng như Thái Lan luôn tìm kiếm nhân tài công nghệ tại thị trường Việt Nam. Đây chính là lợi thế mà Việt Nam tỏ ra vượt trội so với nhiều nước”. Theo bà, đây là lợi thế mà Việt Nam đang vượt trội hơn so với nhiều thị trường khác. Chính vì thế, ‘xây dựng hợp tác giữa hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam và Thái Lan đang có nhiều lợi thế với dòng vốn đầu tư giữa hai nước đang tăng nhanh’.
Các diễn giả đều nhận định thị trường công nghệ tại Việt Nam có nhiều dư địa để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái công nghệ Việt Nam và khu vực. Việt Nam đang phát triển nhanh chóng với sự bùng nổ của các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ tài chính (fintech), công nghệ sức khỏe (healthtech)... Nhiều startup công nghệ thu hút sự quan tâm lớn từ các quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đang triển khai nhiều chính sách đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy việc áp dụng công nghệ vào nhiều lĩnh vực kinh tế và xã hội.
Sự gần gũi về văn hóa, các yếu tố hỗ trợ phát triển kinh tế giữa Việt Nam – Thái Lan cũng là nhân tố thúc đẩy tốt sự phát triển kinh tế khởi nghiệp giữa hai bên.
Tuy vậy, để thu hút vốn vào khởi nghiệp, bà Lerdsuwankij cho rằng khu vực Đông Nam Á cần đoàn kết tạo thương hiệu điểm đến cho các nhà đầu tư. Bà Oranuch phân tích cách thức mà giới công nghệ thế giới tiếp cận thị trường tiềm năng như Việt Nam: "Các chương trình khởi nghiệp trên thế giới hiện nay không tập trung vào một quốc gia mà đặt tầm nhìn ra khu vực rộng lớn, tạo mối liên kết chặt chẽ. Giới khởi nghiệp nên có cùng tầm nhìn này, thay vì bó hẹp trong phạm vi quốc gia’.
Cụ thể hơn, dòng vốn đầu tư ban đầu từ Mỹ, châu Âu hay Úc sẽ chảy vào Việt Nam, sau đó sẽ lan sang Thái Lan, Indonesia v..v hoặc ngược lại. Nhưng dù theo hướng nào thì cộng đồng khởi nghiệp của Đông Nam Á cũng nên chung tay phát triển một thị trường chung của khu vực, thay vì quy tụ theo khu vực nhỏ ở quy mô quốc gia và địa phương.
AI là chặng đường dài, không thể bắt đầu từ sự tùy hứng và tò mò
Trong phát biểu tại hội thảo, ông Thanussak Thanyasiri, Giám đốc điều hành KBTG Việt Nam chia sẻ: ‘Công nghệ hiện nay đồng nghĩa với trí tuệ nhân tạo (AI). AI sẽ là tương lai của nhân loại, AI sẽ hiện diện khắp nơi. AI được thảo luận mọi lúc nhưng đây là một chặng đường dài, cần sự kiên trì và đầu tư trí tuệ’. Việc phát triển và ứng dụng AI vào cuộc sống không thể bắt đầu từ sự tùy hứng và tò mò. Ông ví dụ, một doanh nghiệp khởi nghiệp với AI, từ khi bắt đầu nhận ra hiệu quả của nó đến khi ‘hái quả’, cần ít nhất là 6 năm.
Bên cạnh đó, theo ông, những cường điệu quá mức về cả tích cực lẫn tiêu cực của AI có thể làm chao đảo định hướng của doanh nghiệp, kéo dài thêm thời gian c về vai trò của AI tác động đến một doanh nghiệp cần nhiều thời gian hơn thực tế. Dù vậy, AI chắc chắn sẽ thay đổi cách vận hành của doanh nghiệp.
Thông cáo báo chí của hội nghị dẫn lời ông Thanussak Thanyasiri: “Giải phóng tiềm năng công nghệ ở Đông Nam Á không chỉ là việc áp dụng công nghệ-kỹ thuật, mà còn là khai phá tiềm năng của đổi mới sáng tạo và khát vọng phát triển của con người. Khi công nghệ trở thành công cụ, chính con người và tư duy đổi mới trở thành yếu tố then chốt, định hình một nền kinh tế số phát triển bền vững cho toàn bộ khu vực trong tương lai”.
Với 10 phiên thảo luận, hội thảo đã đi sâu phân tích những lợi thế, cơ hội và cả nhược điểm của thị trường công nghệ Việt Nam, vai trò của giới khởi nghiệp trẻ. Các diễn giả đã mang đến nhiều góc nhìn toàn diện cho thấy tiềm năng phát triển của ngành công nghệ tại Việt Nam và Đông Nam Á, giải đáp các bài toán phát triển cũng như những thách thức trong kỷ nguyên AI.