TPHCM sẽ đưa toàn bộ nền công vụ lên môi trường số vào năm 2025

Cuộc sống số - Ngày đăng : 06:46, 11/10/2024

Đến năm 2025, toàn bộ thủ tục hành chính (TTHC) của TPHCM sẽ được thực hiện trên nền tảng số, hướng tới việc đưa toàn bộ nền công vụ lên môi trường số.

Lời toà soạn: Năm 2025, TPHCM đặt mục tiêu sẽ đưa toàn bộ nền công vụ lên môi trường số, không chỉ số hoá hồ sơ mà toàn bộ quy trình sẽ được thực hiện trên nền tảng số và dịch vụ công sẽ được đưa hoàn toàn lên trực tuyến toàn trình. VietNamNet xin giới thiệu đến độc giả tuyến bài về những chuẩn bị của TPHCM để thực hiện mục tiêu trên.

Bài 1: Đã có hơn 15 triệu lượt trao đổi bằng văn bản điện tử tại TPHCM

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TPHCM cho biết, mục tiêu đến năm 2025, Thành phố sẽ đưa toàn bộ nền công vụ lên nền tảng số, không chỉ số hoá hồ sơ mà toàn bộ quy trình sẽ được thực hiện trên nền tảng số và dịch vụ công sẽ được đưa hoàn toàn lên trực tuyến toàn trình.

necvso2.jpg
Đến năm 2025, TPHCM sẽ đưa toàn bộ nền công vụ lên môi trường số. Ảnh: Hồ Văn

Để làm được điều đó, với quyết tâm chuyển đổi số, năm 2024 là năm TPHCM đẩy mạnh cải cách thể chế với định hướng một nền công vụ số hiện đại, trong đó tất cả các công việc sẽ được thực hiện trên nền tảng số. Hiện nay, trừ các văn bản mật, các cơ quan Nhà nước tại Thành phố đang hoàn thành chỉ tiêu số hóa toàn bộ quy trình xử lý hành chính, thực thi công vụ trên các nền tảng số đã triển khai. Thành phố đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành số hóa trong năm 2024 và năm 2025 sẽ tạo được môi trường số toàn diện, nhằm nâng cao hiệu quả thiết thực chất lượng dịch vụ công trực tuyến cho người dân, cũng như việc quản trị thực thi các lĩnh vực kinh tế xã hội của Thành phố bằng dữ liệu.

Hiện tại, TPHCM đã triển khai vận hành chính thức nhiều nền tảng số, trong đó có nhiều nền tảng quan trọng với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân như: Nền tảng giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân; Nền tảng bản đồ thực thi thể chế; Nền tảng tiếp nhận và trả lời, xử lý phản ánh kiến nghị của người dân qua tổng đài 1022; Nền tảng giải quyết khiếu nại, tố cáo; Nền tảng bản đồ số Thành phố; Nền tảng quản trị thực thi, theo dõi tổng hợp thông tin chỉ tiêu kinh tế xã hội; Nền tảng quản lý văn bản, điều hành; Nền tảng lắng nghe mạng xã hội.

Đồng thời, trong kế hoạch đến cuối năm nay, TPHCM sẽ tiếp tục ra mắt các nền tảng số mới liên quan các lĩnh vực chuyên ngành như đất đai, xây dựng... đặc biệt có 1 nền tảng quan trọng là APP Công dân số. Đây là 1 ứng dụng di động thống nhất để người dân tiếp nhận và sử dụng các dịch vụ của Thành phố một cách đơn giản, thuận tiện.

TPHCM đã triển khai hiệu quả việc liên thông, kết nối chia sẻ dữ liệu phục vụ nhu cầu khai thác, nâng cao chất lượng dịch vụ công và năng lực quản lý điều hành thời gian qua. Đến nay, Hệ thống văn bản điều hành TPHCM đã kết nối liên thông trên 1.500 đơn vị tại địa bàn cùng với 63 tỉnh thành trên toàn quốc, các bộ, ngành Trung ương; Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính đã kết nối trên 11 hệ thống của bộ, ngành.

Thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục tích cực đề xuất, phối hợp các bộ, ngành chuyên môn để kết nối chia sẻ, liên thông dữ liệu từ các hệ thống bộ, ngành với Hệ thống chính quyền số Thành phố, nhằm đẩy nhanh tiến độ số hoá, hình thành nền tảng số đồng bộ thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng nhu cầu tiến độ chuyển đổi số.

Ông Lâm Đình Thắng cho biết, để thực hiện được nền công vụ số và đưa toàn bộ thủ tục hành chính của TPHCM lên nền tảng số vào năm 2025, hiện Thành phố cũng đang gặp một số khó khăn. Cụ thể, ngoài các khó khăn khách quan bao gồm việc thực hiện đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong triển khai thống nhất quy trình, thủ tục trên môi trường số, liên thông kết nối các nền tảng số còn là vấn đề nguồn nhân lực chuyên môn CNTT trong cơ quan Nhà nước hạn chế so với khối lượng, nhiệm vụ hiện nay.

"Phải thực hiện tổng thể, toàn diện, nhanh đáp ứng nhu cầu Thành phố từ việc xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đảm bảo An toàn thông tin", ông Thắng cho hay.

Theo ông Lâm Đình Thắng, hiện nay, nhân sự trong lĩnh vực này đang quá tải với khối lượng công việc ngày càng nhiều trong khi biên chế ngày càng giảm. Giải pháp thời gian tới là Sở TT&TT sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng AI trong công tác quản lý để khắc phục khó khăn này.

Bài 3: TPHCM tập trung phát triển “công dân số” để thực hiện nền công vụ số