Đại gia Nam Định rút lui, ông lớn ngành nhựa có chủ tịch 0% cổ phần
Bất động sản - Ngày đăng : 16:06, 10/10/2024
CTCP Tập đoàn An Phát Holdings (HoSE: APH) hôm 9/10 đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 và thông qua việc miễn nhiệm chức danh thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) đối với ông Phạm Ánh Dương và bầu bổ sung ông Nguyễn Lê Thăng Long làm thành viên HĐQT.
Cũng tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), ông Nguyễn Lê Thăng Long được bầu giữ chức vụ chủ tịch HĐQT.
Ông Nguyễn Lê Thăng Long (SN 1984) là một cái tên quen thuộc với cổ đông APH. Ông Long là thành viên HĐQT của An Phát Holdings nhưng từ nhiệm cách đây 4 tháng. Hiện ông Long là chủ tịch HĐQT CTCP Nhựa An Phát Xanh (AAA).
An Phát Holdings được biết đến là một ông lớn ngành nhựa, vốn điều lệ gần 2.439 tỷ đồng và có 3 công ty con là: CTCP Nhựa An Phát Xanh (HoSE: AAA) vốn điều lệ hơn 3.820 tỷ đồng; CTCP Nhựa Hà Nội (HoSE: NHH) vốn gần 729 tỷ đồng và CTCP An Tiến Industries (HoSE: HII) vốn gần 737 tỷ đồng.
Đây đều là các công ty có tên tuổi trong ngành nhựa, có doanh thu vài nghìn cho tới hơn chục nghìn tỷ đồng mỗi doanh nghiệp một năm.
Ông Nguyễn Lê Thăng Long được giới thiệu là tiến sĩ khoa học vật liệu. Ông Long vào An Phát Holdings từ năm 2017 với cương vị Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển. Đầu năm 2021, ông Long làm Phó Tổng giám đốc An Phát Holdings, sau đó trở thành Phó chủ tịch thường trực APH.
Ông Long hiện nắm giữ vị trí chủ tịch tại nhiều doanh nghiệp, như: AAA, Anbio, CTCP Sản xuất PBAT An Phát, Ankor Bioplastics Co...
Dù vừa được bầu là chủ tịch An Phát Holdings nhưng ông Nguyễn Lê Thăng Long chỉ nắm giữ 750 cổ phiếu APH. Ông Long không nắm giữ cổ phiếu nào tại AAA dù là chủ tịch doanh nghiệp này, cũng như không có cổ phiếu tại Anbio, PBAT An Phát, Ankor Bioplastics Co.
Ông Long được bầu làm chủ tịch An Phát Holdings sau khi ông Phạm Ánh Dương nộp đơn từ nhiệm chức vụ này hồi tháng 9 vừa qua, sau 20 năm gắn bó tâm huyết với APH. Ông Dương cũng đã bán hết số cổ phiếu APH nắm giữ.
An Phát Holdings là một trong những tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nhựa công nghệ cao và thân thiện với môi trường hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á.
Với nhiều công ty thành viên trong ngành nhựa, bao bì, sản phẩm và nguyên vật liệu nhựa sinh học phân hủy hoàn toàn, nhựa kỹ thuật, nhựa nội thất, bất động sản công nghiệp,... sản phẩm của tập đoàn đã được xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Các tiểu vương quốc Ả Rập, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Philippines…
Cả ba cổ phiếu AAA, NHH, HII và cổ phiếu công ty mẹ An Phát Holdings đều là các mã chứng khoán thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là các nhà đầu tư theo trường phái phân tích cơ bản, tìm kiếm các doanh nghiệp làm thật và có kết quả kinh doanh tốt.
Nhiều năm qua, cả 3 doanh nghiệp Nhựa An Phát Xanh, CTCP Nhựa Hà Nội và An Tiến Industries có kết quả kinh doanh khá ấn tượng.
Nhựa An Phát Xanh ghi nhận doanh thu lên tới 13.000-15.000 tỷ đồng/năm trong các năm 2021-2023; lợi nhuận sau thuế khoảng 120-320 tỷ đồng/năm. An Tiến Industries có doanh thu từ 8.000-10.000 đồng/năm trong 3 năm gần đây, lợi nhuận cũng khá tốt. Nhựa Hà Nội có doanh thu khiêm tốn hơn, từ 2.000-2.400 tỷ đồng/năm nhưng lợi nhuận trên dưới 100 tỷ đồng/năm, khá tích cực so với quy mô vốn gần 729 tỷ đồng.
Mặc dù là một hệ sinh thái nổi tiếng nhưng thực tế là các mã “nhóm cổ phiếu nhà ông Dương” lại có thị giá rất thấp, khác hẳn các mã cổ phiếu ngành nhựa khác. Hết phiên 10/10, APH có giá chưa tới 6.400 đồng/cp, AAA 9.550 đồng/cp, NHH 14.550 đồng/cp, HII 4.760 đồng/cp; trong khi đó, Nhựa Bình Minh có giá 119.900 đồng/cp, Nhựa Tiền Phong 60.400 đồng/cp...
Cùng với ông Dương, loạt lãnh đạo của An Phát Holdings cũng đã bán ra cổ phiếu APH.