Những người mẹ Việt ở nước ngoài gìn giữ tiếng quê hương
Cộng đồng người Việt - Ngày đăng : 13:04, 09/10/2024
Tình yêu tiếng Việt từ trái tim người mẹ
Tiến sĩ Trần Hồng Vân, người sáng lập tổ chức thúc đẩy duy trì ngôn ngữ và văn hóa Việt VietSchool. (Ảnh: Trần Hồng Vân) |
Trên một chương trình truyền hình năm 2023, chị Vân kể tuổi thơ của mình: "Ba tôi thường dạy tôi những câu hát tiếng Việt. Dù đi đến phương trời nào nó vẫn nằm trong tâm thức của tôi". Chị luôn tìm cách truyền lại tình yêu với tiếng mẹ đẻ cho con gái nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng. Chị kể về một lần Ivy từ chối học tiếng Việt, cho rằng: "Học tiếng Việt boring (chán) lắm!".
Sự từ chối đó khiến chị trăn trở: "Làm thế nào để mình giữ tiếng Việt cho con?". Chị bắt đầu tận dụng mọi cơ hội hàng ngày, từ những chuyến đi chơi, giải thích những điều giản dị xung quanh, giúp con phát triển tư duy song ngữ một cách tự nhiên.
Một kỷ niệm xúc động khác là khi bà Nguyễn Thị Sang, mẹ chồng chị Vân, chia sẻ: "Tôi có 9 cháu thì 8 cháu ở nước ngoài. Mỗi lần tôi gọi điện mà cháu không nói được tiếng Việt thì rất buồn. Khi cháu biết tiếng Việt, ông bà rất phấn khởi. Mỗi lần nghe Ivy nói "Con mời bà xơi cơm", lòng tôi rộn ràng vui sướng".
Từ những điều nhỏ nhặt ấy, chị Vân nhận ra việc dạy tiếng Việt không chỉ là truyền đạt ngôn ngữ mà còn là sự kết nối tình cảm gia đình. Từ đó, chị quyết tâm khởi xướng nhiều dự án để hỗ trợ các gia đình người Việt trong việc giữ gìn tiếng mẹ đẻ. Dự án Đọc sách cùng con, cung cấp 78 quyển sách và video cho 100 gia đình Việt tại Australia, là một trong những sáng kiến thành công của chị.
Bên cạnh đó, chị Vân còn tích cực tham gia nhiều hoạt động để bảo tồn tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở Australia. VietSpeech, dự án do Hội đồng nghiên cứu Australia tài trợ mà chị Vân là thành viên, đã cho ra đời cuốn cẩm nang Multilingual Children (Trẻ đa ngữ). Tài liệu cung cấp miễn phí kiến thức cho các gia đình người Việt sinh sống ở nước ngoài về các chủ đề như: Lợi ích của việc duy trì tiếng mẹ đẻ; các chiến lược, cách thức để giúp con duy trì tiếng mẹ đẻ, cách dạy con học tiếng Việt vui từ tài liệu sẵn có và từ sinh hoạt, giao tiếp hàng ngày; kiến thức về hệ thống ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt để trẻ có thể so sánh...
Vào tháng 10/2021, chị Vân chủ động tiếp cận Đài SBS Việt ngữ và đề nghị sản xuất chương trình "Cùng giữ tiếng Việt", phát sóng hàng tuần trên SBS Việt ngữ. Chương trình này đã trở thành nơi các gia đình người Việt ở Australia và nhiều nước khác chia sẻ câu chuyện về việc gìn giữ tiếng Việt, đồng thời mời các chuyên gia hàng đầu thế giới về phát triển ngôn ngữ trẻ đa ngữ đến thảo luận.
Với sự khích lệ và trợ giúp của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney, tháng 3/2023, chị Vân tiếp tục thành lập VietSchool - tổ chức nhằm duy trì và phát triển ngôn ngữ, văn hóa Việt thông qua các lớp tiếng Việt và các chương trình tương tác như SuperSpeech và Đọc sách cùng con.
"Tôi mong muốn hỗ trợ các gia đình biết cách giữ tiếng Việt cho con. Giữ tiếng Việt chính là khẳng định bản sắc, ý thức cộng đồng của mình lớn mạnh như thế nào".
Người giữ gìn tiếng Việt ở Mỹ
Tại Mỹ, câu chuyện của chị Ngô Kim Việt (sinh sống ở bang Maryland) cũng đầy cảm xúc và tâm huyết. Từ năm 1995, chị trở thành "cô giáo bất đắc dĩ" khi thấy cháu mình không nói được tiếng Việt. Quyết tâm truyền đạt tiếng mẹ đẻ cho thế hệ sau, chị đã bắt đầu dạy tiếng Việt qua Zoom, đặc biệt là sau khi các cháu phải thuê phiên dịch trong những chuyến về Việt Nam.
Từ chỗ không biết tiếng Việt, Tường Long, cháu của chị Ngô Kim Việt, cảm thấy tự hào khi sau vài tháng học cùng dì, cậu đã đọc tiếng Việt khá lưu loát.
Chị Ngô Kim Việt tham gia các lớp dạy tiếng Việt cho các cháu nhỏ người Mỹ gốc Việt từ năm 1995. (Ảnh: Ngô Kim Việt) |
Tường Long chia sẻ với báo chí: ”Giờ trong đám bạn Việt Nam thì con là người giỏi tiếng Việt nhất. Dì vừa dạy tiếng Việt vừa dạy cả văn hóa của Việt Nam cho con. Con thấy tiếng Việt đã giúp ích cho con rất nhiều. Lúc nhỏ sống với bố mẹ, con chỉ nghe hiểu được rất ít. Lớn lên có vợ thì vợ con là người Việt nhưng không nói được tiếng Việt, đi làm cũng chỉ nói tiếng Anh. Có lần công ty của con biết con là người Việt Nam nên gọi con ra dịch cho khách hàng là người Việt không biết nói tiếng Anh, nhưng con lại không biết tiếng Việt. Trong chuyến đi làm từ thiện tại Sapa cùng các bạn tại Việt Nam, con đã phải thuê phiên dịch tiếng Việt… Vậy nên con sẽ cố gắng học giỏi tiếng Việt để làm phiên dịch cho vợ và các bạn của con. Nhất định khi có con, con sẽ dạy cho bé nói tiếng Việt”.
Không chỉ dạy tiếng Việt cho các cháu trong nhà, chị Kim Việt còn tình nguyện dạy tiếng Việt cho các cháu nhỏ trong các gia đình người Việt, dạy trong các nhà thờ theo phong trào hướng đạo... Chị tin rằng, qua những bài học nhỏ, chị không chỉ dạy tiếng mẹ đẻ mà còn truyền lửa văn hóa, giúp các thế hệ trẻ giữ vững bản sắc Việt.
Chị chia sẻ: "Cách dạy tiếng Việt của tôi là thông qua những bài học về lịch sử, về văn hóa truyền thống, những hình ảnh lễ hội, văn hóa đặc sắc của Việt Nam để qua đó giáo dục truyền thống dân tộc, vừa dễ tiếp thu vừa khám phá thêm đời sống văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc vùng miền, qua đó quảng bá được hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế…”.
Những câu chuyện của Tiến sĩ Trần Hồng Vân và chị Ngô Kim Việt cho thấy tầm quan trọng của việc giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Mỗi lời nói, mỗi chữ tiếng Việt được truyền dạy không chỉ là ngôn ngữ mà còn là hành động gắn kết văn hóa, gia đình và cội nguồn. Những việc làm tưởng chừng như đơn giản đó đang góp phần quảng bá bản sắc văn hóa Việt Nam ra khắp thế giới.