Điểm tin Kinh doanh 9/10: Giá vàng: Tăng sốc

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 09/10/2024

Cổ phiếu STB gần đỉnh, tài sản ông Dương Công Minh tăng thêm hơn 400 tỷ đồng; Bắc Giang lên top 1 về tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm
vang-0310.jpg

- Giá vàng: Tăng sốc

Giá vàng hôm 8/10 ghi nhận mức tăng sốc lên tới 1 triệu đồng/lượng của vàng trong nước.

Theo đó, vàng miếng SJC đang được các ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank và các công ty vàng bạc đá quý bán ra ở mức 85 triệu đồng/lượng. Ở chiều mua, giá vàng ở hầu hết các thương hiệu được niêm yết ở mức 83 triệu đồng/lượng. Như vậy cả chiều mua và chiều bán, giá vàng miếng SJC đều tăng 1 triệu đồng/lượng.

Trái ngược với việc tăng sốc của vàng miếng, giá vàng nhẫn lại giao dịch ổn định khi không ghi nhận sự điều chỉnh về giá. Hiện tại, giá vàng nhẫn tại PNJ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang đứng ngưỡng 82,7 triệu đồng/lượng mua vào; 83,6 triệu đồng/lượng bán ra.

Trên thế giới, đầu giờ chiều 8/10, theo giờ Việt Nam, giá vàng niêm yết trên Kitco đang ở ngưỡng 2.642 USD/ounce, tăng nhẹ so với phiên giao dịch trước đó.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã quyết định không bổ sung vàng vào dự trữ của mình vào tháng 9, kéo dài chuỗi không mua vàng tháng thứ năm liên tiếp, theo dữ liệu chính thức được công bố hôm thứ Hai. PBoC đã mua vàng hàng tháng trong 18 tháng liên tiếp cho đến khi họ lần đầu ngừng mua vào tháng 5.

Chuyên gia chiến lược hàng hóa Nitesh Shah của WisdomTree nói với Reuters rằng, ông tin rằng ngân hàng trung ương muốn nắm giữ nhiều vàng hơn nhưng đang chờ "một điểm vào hấp dẫn hơn".

Theo một phân tích mới trên Kitco News, thị trường vàng gần đây đã bước vào giai đoạn củng cố, thể hiện xu hướng giảm nhẹ. Điều này diễn ra sau một đợt tăng giá ấn tượng chứng kiến giá vàng tương lai tăng vọt khoảng 300 USD kể từ cuối tháng 7, tăng từ mức dưới 2.400 USD/ounce lên mức cao kỷ lục. Việc không có đợt điều chỉnh đáng kể nào trong giai đoạn này nhấn mạnh tâm lý tăng giá đang thịnh hành trên thị trường vàng.

Sự gia tăng lịch sử của vàng lên nhiều mức cao kỷ lục phần lớn được thúc đẩy bởi các dấu hiệu lạm phát hạ nhiệt, dường như đang tiến tới mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Diễn biến này khiến những người tham gia thị trường trở nên lạc quan về thời điểm FED có thể cắt giảm lãi suất. Khi lạm phát bắt đầu giảm, kỳ vọng về việc điều chỉnh lại chính sách tiền tệ của FED tăng lên, trên thực tế đã đẩy giá vàng tăng vọt.

- Thủ tướng ký công điện yêu cầu hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 103 về hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, các cơ quan ban ngành, UBND tỉnh, thành phố... cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách, cần kiến tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp phát triển, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa để loại hình doanh nghiệp này có khả năng vươn lên và phát triển.

Khuyến khích cơ chế doanh nghiệp lớn hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo ra chuỗi giá trị nội địa và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước.

Các chính sách hỗ trợ cần thiết thực, hiệu quả để doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả giữa các khu vực; nghiên cứu việc hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm thực thi của các cơ quan, đơn vị; cắt giảm thủ tục hành chính, giấy phép không cần thiết, không phù hợp, làm tăng chi phí tuân thủ.

Đẩy mạnh cơ chế hợp tác công - tư, đồng thời nghiên cứu một số sáng kiến mang tính đột phá để chuyển đổi nền kinh tế sang kinh tế xanh.

- Cổ phiếu STB gần đỉnh, tài sản ông Dương Công Minh tăng thêm hơn 400 tỷ đồng

Cổ phiếu STB tăng sáp sát đỉnh, khối tài sản của Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh tăng hơn 410 tỷ đồng trong khi 84.000 cổ đông cũng đạt mức lãi hàng chục %.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/10, cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã tăng thêm 2,11%; lên mức 33.800 đồng/cổ phiếu với khối lượng giao dịch đạt gần 15 triệu đơn vị. Với mức tăng như vậy, STB đang dần tiến gần đến đỉnh lịch sử ở vùng giá hơn 36.000 đồng/cổ phiếu.

Chỉ trong hai tháng, cổ phiếu STB đã tăng gần 25%, mang lại lợi nhuận đáng kể cho hơn 84.000 cổ đông. Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh, với hơn 62,5 triệu cổ phiếu STB, đã tăng tài sản thêm 410 tỷ đồng, vượt ngưỡng 2.100 tỷ đồng.

Cổ đông đang mong chờ kết quả kinh doanh quý III/2024 của Sacombank. Theo dự báo của Chứng khoán MB (MBS), lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này dự kiến tăng 29% YoY, đạt trên 2.100 tỷ đồng, đây sẽ là quý thứ 4 liên tiếp ngân hàng đạt mức lãi ấn tượng này.

khong-khi-mua-sam-tai-co.opmart.jpg

- Động thái mới của FPT Retail (FRT) với chuỗi nhà thuốc Long Châu

Việc FPT Retail góp toàn bộ cổ phần tại FPT Long Châu để thành lập công ty có hoạt động chính là tư vấn quản lý được giới phân tích đánh giá nằm trong sự chuẩn bị và là bước khởi đầu để rộng đường huy động vốn cho chuỗi nhà thuốc Long Châu.

Công ty TNHH Đầu tư FPT Long Châu có vốn điều lệ 674 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT) sở hữu 100% vốn thông qua việc góp toàn bộ 67,4 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Dược phẩm FPT Long Châu (FPT Long Châu) được công ty mẹ giao quản lý khoản đầu tư tại FPT Long Châu.

Theo giới phân tích, FPT Retail thực hiện tái cấu trúc việc sở hữu FPT Long Châu thông qua công ty đầu tư về mặt tổng thể hợp nhất thì không phát sinh lãi/lỗ, nhưng sẽ phục vụ cho việc huy động vốn của đơn vị sở hữu chuỗi nhà thuốc Long Châu có số lượng cửa hàng bán lẻ dược phẩm lớn nhất cả nước này.

Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, FPT Retail chia sẻ, FPT Long Châu dự kiến sẽ phát hành riêng lẻ tối đa 10% cổ phần.

- Bắc Giang lên top 1 về tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm

Động lực tăng trưởng chủ yếu của Bắc Giang vẫn là khu vực công nghiệp và tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp FDI, các sản phẩm chính vẫn là linh kiện điện tử. Khu vực dịch vụ duy trì mức tăng trưởng khá, đóng góp 0,96 điểm % vào mức tăng GRDP...

Trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng do mưa bão gây thiệt hại trong đời sống và sản xuất, song kinh tế của tỉnh Bắc Giang vẫn đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. 9 tháng năm 2024, tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh tăng khoảng 13,89%, cao nhất cả nước.

Theo báo cáo, 9 tháng đầu năm 2024, kinh tế của tỉnh Bắc Giang tiếp tục duy trì tăng trưởng cao. Tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng khoảng 13,89%, cao nhất cả nước (9 tháng năm 2023 tăng 12,25%). Trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng khoảng 18,03% (9 tháng năm 2023 tăng 15,49%); dịch vụ tăng khoảng 6,19% (9 tháng năm 2023 tăng 6,06%); nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm khoảng 2,19% (9 tháng năm 2023 tăng 3,77%), thuế sản phẩm tăng khoảng 12,89% (9 tháng năm 2023 tăng 5,64%).

Khu vực công nghiệp - xây dựng tiếp tục là khu vực kinh tế có tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ đóng góp cao nhất vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, đóng góp 12,92 điểm % vào mức tăng GRDP, đây là khu vực chính dẫn dắt tốc độ tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh. Động lực tăng trưởng chủ yếu vẫn là khu vực công nghiệp và tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp FDI, các sản phẩm chính vẫn là linh kiện điện tử. Khu vực dịch vụ duy trì mức tăng trưởng khá, đóng góp 0,96 điểm % vào mức tăng GRDP.

Việt Báo (Tổng hợp)