Kích hoạt chính sách hình thành doanh nghiệp tỷ USD

Kinh doanh - Ngày đăng : 09:21, 08/10/2024

Các doanh nghiệp lớn như Vingroup, Viettel, Vinamilk... đã rất nỗ lực vươn tầm trong nước, nhưng để họ có thể vươn lên thành thương hiệu quốc tế thì không thể thiếu các chính sách, chương trình hỗ trợ tập trung có mục tiêu rõ ràng ở tầm quốc gia.
LỜI TOÀ SOẠN
Ngày 13/10/2024 là kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam. 20 năm qua là quãng thời gian đủ để khu vực doanh nghiệp tư nhân vươn mình trỗi dậy thành một thanh niên trẻ, tràn đầy khát khao và năng lượng để đóng góp nhiều hơn nữa vào sự hưng thịnh của quốc gia. 
Từ chỗ bị kỳ thị coi là giai cấp bóc lột trong quá khứ, giới doanh nhân đã chính thức có được một ngày để tôn vinh như nhiều ngành nghề khác. Đa số doanh nhân hiện nay đều xuất phát với hai bàn tay trắng lúc khởi nghiệp và giờ đây, họ trở thành những ông bà chủ, tạo ra của cải cho xã hội, tạo ra nhiều việc làm nhất cho cộng đồng. Tuy nhiên, tinh thần đó đã giảm sút trong những năm gần đây, từ những đợt phong tỏa do dịch Covid-19, từ tình trạng “sợ sai, sợ trách nhiệm” của bộ máy. 
Tinh thần kinh doanh cần phải được xốc lại, khát khao làm giàu cần phải được lan tỏa, sự sợ hãi cần được chấm dứt. Hơn hết, sau các thập kỷ qua, giới doanh nhân Việt Nam luôn thể hiện sự thích nghi, linh động và sức chống chịu bền bỉ để trở thành lực lượng quan trọng trong nền kinh tế. 
Họ chắc chắn là trụ cột trong tiến trình thực hiện mục tiêu thịnh vượng vào năm 2045 của đất nước. 
Nhân ngày 13/10, VietNamNet đăng tải tuyến bài để cổ vũ tinh thần kinh doanh và chia sẻ với doanh nhân những khó khăn, rào cản hiện tại để hướng đến “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” nhanh và bền vững.

Hiện thực hóa mục tiêu “phấn đấu có nhiều doanh nghiệp Việt đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới” trong Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, được xác định là một “bài toán” lớn và khó.

Với góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) đã phân tích khá sâu về những điều kiện cần có để hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, khi trả lời phỏng vấn của Báo VietNamNet.

Thiếu doanh nghiệp Việt vươn tầm quốc tế

- Đến nay Việt Nam vẫn thiếu các doanh nghiệp đủ khả năng vươn tầm khu vực và quốc tế, trong khi một số nước như Thái Lan, Malaysia đã làm được điều đó? Đâu là nguyên nhân của hiện trạng này, thưa bà?  

Để hiện thực hóa mục tiêu đưa đất nước vào nhóm các quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, mô hình phát triển như Thái Lan hay Malaysia là không đủ. Việt Nam cần hướng đến mô hình phát triển Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan - Trung Quốc). Tuy nhiên, chúng ta đã và đang phải cố gắng rất nhiều để theo kịp các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia.

Việt Nam vẫn thiếu vắng các doanh nghiệp đủ tầm cạnh tranh khu vực. Trong số 50 doanh nghiệp lớn nhất Đông Nam Á năm 2024 theo bảng xếp hạng của Fortune 2024, Việt Nam chỉ có 5 doanh nghiệp. Vingroup là doanh nghiệp lớn của Việt Nam nhưng cũng chỉ đứng ở vị trí 43.

Ba Pham Thi Ngoc Thuy.JPG
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: USAID IPSC

Một số nguyên nhân chính có thể chỉ ra:

Thứ nhất, Việt Nam gặp nhiều rào cản hơn trong quá trình hội nhập và phát triển. Chúng ta hay lấy mốc 1986 là Đổi mới, nhưng thực tế nền kinh tế của chúng ta hội nhập với kinh tế thế giới sau đó khoảng 20 năm.

Trong khi Thái Lan và Malaysia đã trở thành thành viên của WTO (Tổ chức Thương mại thế giới) vào năm 1995, thời gian này Việt Nam mới được Mỹ gỡ bỏ cấm vận 1 năm, và đến năm 2006 chúng ta mới gia nhập WTO.

Muốn có doanh nghiệp lớn, các thương hiệu lớn, phải có thị trường rộng lớn. Về khía cạnh này, chúng ta đi sau các quốc gia trong khu vực cả thập kỷ. Các doanh nghiệp và doanh nhân phải nỗ lực rất nhiều để có thể cạnh tranh trong khu vực, trước khi nghĩ đến tầm vóc toàn cầu.

Thứ hai, khu vực kinh tế tư nhân - động lực quan trọng của nền kinh tế - còn gặp nhiều rào cản trong phát triển, từ tư duy, hệ sinh thái hỗ trợ đến năng lực nội tại, văn hóa của doanh nghiệp.

Khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đã trải qua quá trình phát triển với nhiều biến động. Trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, doanh nghiệp tư nhân không được công nhận chính thức. Từ sau Đổi mới, khu vực tư nhân được chính thức công nhận là một phần của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với đa thành phần sở hữu. Điểm chuyển đổi chính sách quan trọng là sự ra đời của Luật Doanh nghiệp năm 1999, kích hoạt sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Như vậy, khu vực tư nhân mới thực sự có không gian phát triển chưa đầy 25 năm, do đó, cần nhiều thời gian để tích lũy vốn, kinh nghiệm quản trị và năng lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.

Thứ ba, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa đủ dài hạn và toàn diện. Các chính sách dài hạn và toàn diện sẽ tạo nền tảng bền vững cho sự phát triển của doanh nghiệp.

So sánh với các quốc gia khác, ví dụ như Thái Lan, họ đã có chiến lược Thailand 4.0 từ rất sớm, với mục tiêu chuyển đổi từ một nền kinh tế công nghiệp sang một nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo và công nghệ cao. Chính sách này được triển khai liên tục trong nhiều năm, với sự đầu tư vào các lĩnh vực then chốt như công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo và sản xuất chế tạo.

Malaysia cũng có những bước đi tương tự. Và không chỉ các quốc gia trong khu vực, bài học của nhiều quốc gia điển hình trên thế giới cũng chỉ ra tính “gắn kết xuyên suốt”, “dài hạn” khi thiết kế các chính sách.

- Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đặt mục tiêu “Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới”. Theo bà, cần những chính sách gì để Việt Nam có thể xây dựng được các doanh nghiệp, doanh nhân tỷ USD, đạt mục tiêu đề ra trong Nghị quyết này?

Nghị quyết số 41-NQ/TW đã xác lập tư duy và quan điểm rất mạnh mẽ về việc xây dựng, phát triển các doanh nghiệp Việt Nam quy mô lớn, năng lực mạnh, có khả năng hợp tác ngang bằng hoặc cạnh tranh với toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị. Đây là điều kiện tiên quyết để nâng cao vị thế quốc gia, tăng cường nội lực nền kinh tế, giúp quốc gia đạt mục tiêu thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, vươn lên thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045.

Lịch sử phát triển các quốc gia đều chỉ ra rằng, muốn thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”, trở thành nước thu nhập cao, thì các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh toàn cầu là “xương sống”, vì các doanh nghiệp này sẽ góp phần thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, tạo tác động lan tỏa và nâng cao năng suất lao động của toàn bộ nền kinh tế.

Tuy nhiên, chính sách để phát triển các doanh nghiệp lớn, có khả năng dẫn dắt tại mỗi quốc gia là rất khác nhau, và có nhiều chính sách đến thời điểm này không còn thực sự phù hợp.

Do đó, chúng ta cần một hệ chính sách ở đó có sự tiếp thu các kinh nghiệm quốc tế, đồng thời phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, đặc biệt là trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

trien lam hoi cho quoc gia vingroup vietnamnet 2.JPEG
Muốn có doanh nghiệp lớn, các thương hiệu lớn thì phải có thị trường rộng lớn. Ảnh: Hồng Khanh

Kích hoạt chính sách hình thành và phát huy các doanh nghiệp lớn

- Đâu là những điểm cần lưu ý khi xây dựng hệ chính sách như vậy, thưa bà?

Xét theo tính chất, hệ chính sách phát triển doanh nghiệp lớn cần cả nhóm ngắn hạn, dài hạn cũng như các thiết kế đặc thù.

Thứ nhất, cần các chính sách ngắn hạn để tháo bỏ rào cản, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, cả khu vực nhà nước lẫn tư nhân. Rất nhiều rào cản trong tiếp cận vốn, đất đai, nhân lực chất lượng cao, thị trường đang cản trở doanh nghiệp trong nước lớn mạnh.

Do đó, cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, cần được lan tỏa, quán triệt từ Chính phủ đến chính quyền địa phương, và đặc biệt cần gắn kết với định hướng phát triển chính phủ/chính quyền số, quản trị công hiện đại.

Thứ hai, các chính sách dài hạn cần tính đến những “bài toán lớn” của quốc gia và xu hướng toàn cầu. Chúng ta cần có chính sách ngành (chính sách công nghiệp) hợp lý để tận dụng cơ hội từ dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngành công nghiệp bán dẫn, AI (trí tuệ nhân tạo) đang mở ra cho Việt Nam những cơ hội lớn để tạo ra đột phá cho nền kinh tế. Chuyển đổi xanh và phát triển bền vững cũng đang tạo ra những cơ hội lớn vì chúng ta có tài nguyên năng lượng tái tạo gần như vô tận.

Với vai trò không ngừng được củng cố trên trường quốc tế, đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam chuyển đổi từ mô hình phát triển kinh tế dựa trên thâm dụng tài nguyên, nguồn lực, sang nền kinh tế dựa trên đổi mới khoa học công nghệ, sáng tạo với xu hướng chính là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Thứ ba, cần có các chính sách đặc thù giúp phát triển và huy động nguồn lực để các doanh nghiệp lớn, các doanh nhân tiên phong tham gia giải quyết các “bài toán lớn” quốc gia trong kỷ nguyên mới của đất nước.

Việc đặt ra các "bài toán" lớn quốc gia theo cơ chế “đặt hàng” với yêu cầu “liên kết chuỗi giá trị nội địa”, đồng thời với các cơ chế minh bạch và đảm bảo sự công bằng, không phân biệt giữa các doanh nghiệp khu vực nhà nước với khu vực tư nhân là xu hướng được nhiều doanh nghiệp kì vọng.

Xét theo quy mô doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại, cần thiết phải xây dựng hai nhóm chính sách riêng biệt nhưng bổ trợ lẫn nhau, nhằm ươm mầm và phát huy cho hai nhóm đối tượng, cả doanh nghiệp lớn đang hiện hữu cũng như các doanh nghiệp tiên phong trong nhóm vừa và nhỏ (DNVVN), có khát vọng vươn lên trở thành các doanh nghiệp dẫn dắt trong các lĩnh vực.

Một là nhóm chính sách với các DNVVN có khát vọng đi tiên phong, bứt phá, vươn lên trở thành các doanh nghiệp dẫn dắt, gồm 3 chính sách cụ thể:

Số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ quyết định sức mạnh nội tại của nền kinh tế. Theo số liệu từ Tổ chức Khởi nghiệp Toàn cầu, số lượng startup tại Việt Nam đã đạt hơn 3.800 doanh nghiệp vào năm 2023, nhưng chỉ một phần nhỏ trong số đó có thể phát triển thành các doanh nghiệp lớn do thiếu hụt về vốn, cơ sở hạ tầng và sự hỗ trợ từ chính phủ. Đối với các doanh nghiệp truyền thống khác, hiện tượng doanh nghiệp quy mô vừa “không thể lớn” hoặc “không muốn lớn” cũng được các chuyên gia đề cập nhiều năm qua với các hạn chế liên quan tới các chính sách hỗ trợ đặc thù, cơ sở hạ tầng chung, môi trường kinh doanh. Bà Phạm Thị Ngọc Thủy

Cải thiện cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng quốc gia đồng bộ , cải thiện môi trường kinh doanh minh bạch là yếu tố đặc biệt quan trọng giúp DNVVN phát triển bền vững và có cơ hội bứt phá.

Thái Lan đã đầu tư hơn 40 tỷ USD vào phát triển Hành lang Kinh tế Phía Đông (EEC) nhằm tạo ra một trung tâm công nghiệp và logistics hàng đầu khu vực. Singapore cũng đã chú trọng đầu tư hệ thống cảng biển hiện đại, nắm lợi thế trung chuyển khu vực và quốc tế từ nhiều năm nay. Các quốc gia lân cận cũng đang ưu tiên các "bài toán" hạ tầng.

Chúng ta có nhiều lợi thế về đường bờ biển, về địa hình kéo dài nối nhiều tuyến hạ tầng khu vực, về các điều kiện nắng, gió vô tận cho các nguồn năng lượng mới…

Việc đầu tư mạnh vào các cơ sở hạ tầng nền tảng quốc gia không chỉ bao gồm đường bộ mà cả đường sắt, đường thủy, cảng biển hiện đại, để đảm bảo mạng lưới logistics và giao thông liên vùng thuận lợi, cũng như các trung tâm năng lượng gắn với định hướng hình thành các trung tâm sản xuất chuyên đề (cộng sinh) sẽ mang tới sự thuận lợi đặc biệt cho các DNVVN.

Việc phát triển mạnh loại hạ tầng đặc biệt khác là hạ tầng số, được đồng chí Tổng Bí thư - Chủ tịch nước đề cập như là một trong các mục tiêu trung tâm giai đoạn tới, cũng được cộng đồng DNVVN đánh giá rất cao. Đây chính là tiền đề để cải thiện thực chất môi trường kinh doanh, cũng như gia tăng năng lực cạnh tranh và tối ưu hoạt động cho các doanh nghiệp. Số cũng là nền tảng cho xu hướng phát triển xanh mà hiện đã trở thành cuộc chơi ở cấp độ toàn cầu, không thể thay đổi hoặc đẩy lùi.

Hỗ trợ tài chính và tiếp cận nguồn vốn

Một trong những thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là DNVVN, là khả năng tiếp cận vốn. Malaysia đã thành công với mô hình SME Bank, cung cấp các khoản vay ưu đãi và hỗ trợ tài chính cho DNVVN.

Việt Nam có thể nghiên cứu để thiết lập một hệ thống ngân hàng chuyên biệt tương tự, đồng thời tạo ra các chính sách khuyến khích đầu tư vào DNVVN từ các quỹ tư nhân và tổ chức tài chính quốc tế.

Tập trung vào đổi mới sáng tạo và công nghệ

Đổi mới sáng tạo và công nghệ phải trở thành ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển doanh nghiệp và chiến lược đào tạo nguồn nhân lực. Chính phủ cần xây dựng các quỹ hỗ trợ R&D (nghiên cứu và phát triển), khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao, như cách mà Singapore và Malaysia đã thực hiện. Đây là yếu tố cốt lõi để doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn ra thế giới.

Chúng ta đã có những chính sách, quy định liên quan tới các quỹ khoa học công nghệ, cũng rất nhiều hướng dẫn về các hoạt động khuyến khích nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, nhưng cách làm còn hình thức, nhiều quy trình giấy tờ chưa hợp lý, doanh nghiệp rất khó thực thi.

Hai là nhóm chính sách phát huy các doanh nghiệp lớn, nâng cao vị thế của doanh nghiệp trên trường quốc tế, tạo dựng các thương hiệu quốc gia.Nhóm chính sách này cũng gồm 3 chính sách cụ thể.

Ưu đãi tài chính cho R&D

Đổi mới công nghệ và đầu tư vào R&D là chìa khóa để doanh nghiệp lớn duy trì lợi thế cạnh tranh. Chính phủ có thể cung cấp các ưu đãi tài chính thông qua ưu đãi thuế cho các dự án R&D trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới nổi.

Singapore là ví dụ điển hình khi triển khai chương trình “Productivity Solutions Grant” - cung cấp hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp lớn nhằm thúc đẩy việc R&D công nghệ tiên tiến.

Song song với đó, rất cần các cơ chế thuận lợi để cộng hợp nguồn lực công - tư trong lĩnh vực này vì nguồn ngân sách chi cho các nghiên cứu cơ bản thông qua các vụ, viện, cơ quan nhà nước đang không gắn kết với ngân sách doanh nghiệp đầu tư R&D. Cơ chế phối hợp, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu đang theo xu hướng “bảo vệ chi ngân sách nhà nước” thay vì “hỗ trợ doanh nghiệp” nên doanh nghiệp không mặn mà gắn kết.

Hỗ trợ thâm nhập chuỗi cung ứng toàn cầu

Chúng ta có những chiến dịch thu hút "đại bàng", thu hút FDI, nhưng còn thiếu các chiến dịch đưa doanh nghiệp lớn của Việt Nam vươn mạnh ra quốc tế. Doanh nghiệp lớn cần được hỗ trợ đặc biệt để tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA). Các chính sách này cần tập trung vào việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam xây dựng mạng lưới kinh doanh quốc tế, tăng cường quảng bá thương hiệu, và mở rộng sự hiện diện tại các thị trường mới.

Ví dụ, chương trình MATRADE của Malaysia đã giúp doanh nghiệp lớn tiếp cận và thâm nhập thành công vào hơn 40 quốc gia. Hoặc các chương trình xúc tiến quốc gia của Hàn Quốc đã giúp các doanh nghiệp lớn Hàn Quốc vươn mạnh ra các nước bao gồm Việt Nam, dẫn theo hàng loạt DNVVN của họ, mở ra các “kỉ nguyên mới” cho sản xuất, tiêu dùng hàng và dịch vụ Hàn Quốc tại các nước.

Các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Vingroup, Viettel, hay Vinamilk... đã rất nỗ lực vươn tầm trong nước, nhưng để họ có thể vươn lên trở thành thương hiệu quốc tế thì không thể thiếu các chính sách, chương trình hỗ trợ tập trung có mục tiêu rõ ràng ở tầm quốc gia.

Đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn sâu, chất lượng cao

Một khảo sát nhanh của Ban IV thời điểm năm 2022 và nhiều nghiên cứu liên quan đã chỉ ra, các doanh nghiệp nhất là nhóm lớn và vừa đang rất thiếu hụt và cạnh tranh khốc liệt để tuyển dụng được nhân lực có trình độ chuyên môn sâu, chất lượng cao. Đây cũng là thách thức chung của nhiều doanh nghiệp và nền kinh tế trên thế giới.

Nguồn nhân lực chất lượng cao đã trở thành yếu tố hết sức quan trọng quyết định khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và nền kinh tế. Việt Nam được đánh giá là có cơ hội, lợi thế để phát triển nguồn nhân lực này.

Cần có chính sách tập trung vào đào tạo và phát triển nhân lực quản lý, kỹ thuật, công nghệ cao, kết hợp với các chương trình hợp tác quốc tế không chỉ thông qua hợp tác đào tạo mà còn qua việc cung ứng nhân lực cho doanh nghiệp quốc tế. Nâng cao trình độ nhân lực nội địa bằng chiến dịch “thâm nhập mạng lưới sản xuất, kinh doanh toàn cầu” là hướng đi được nhiều chuyên gia đề xuất.

Về giải pháp ngắn hạn, trước mắt, các chính sách thông thoáng để thu hút nhân lực chất lượng cao quốc tế vào Việt Nam cũng cần được ưu tiên xem xét. Thái Lan đã thành công với chương trình Thailand Elite nhằm thu hút nhân tài quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhiều chính sách visa đặc thù cũng được nhiều nước trong khu vực mở ra để cạnh tranh nguồn lực này.

THACO Trường Hải
Chính phủ có thể bắt đầu bằng cơ chế “đặt hàng” doanh nghiệp lớn một số “bài toán” quốc gia. Ảnh: Nguyễn Huế

Để kích hoạt các định hướng chính sách nhằm hình thành và phát huy các doanh nghiệp lớn như nêu trên không phải “bài toán” đơn giản. Chính phủ có thể bắt đầu bằng cơ chế “đặt hàng” doanh nghiệp lớn một số “bài toán” quốc gia, như gần đây thảo luận nhiều về Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, hoặc các dự án hạ tầng năng lượng, số hóa quan trọng khác, đi kèm với yêu cầu, điều kiện về việc phát huy tối đa chuỗi giá trị trong nước.

Điều này không chỉ giúp tạo cơ hội thử nghiệm công nghệ mới, nâng cao năng lực quản lý và đáp ứng yêu cầu quốc gia mà còn tạo ra động lực cho doanh nghiệp lớn đầu tư mạnh vào R&D, xây vị thế dẫn dắt một số chuỗi, từ đó xây dựng lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế.

Chính phủ cũng có thể nghiên cứu cơ chế ưu đãi đặc biệt, như giảm thuế hoặc hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp đảm nhận những dự án như vậy. Hàn Quốc đã thực hiện chiến lược này thành công, khi giao cho Samsung, Hyundai các dự án quốc gia về công nghệ cao và công nghiệp nặng, giúp doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, trở thành thương hiệu quốc tế.

- Cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn của Báo VietNamNet!