10 năm trồng ở Việt Nam, năng suất ngô biến đổi gen chỉ tăng nửa tạ/ha
Kinh doanh - Ngày đăng : 14:12, 05/10/2024
Ngày 5-10, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) và Báo Nông nghiệp Việt Nam đồng tổ chức Diễn đàn “Thành tựu và định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.
TS Đinh Công Chính, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) dẫn thống kê từ năm 2015-2023, diện tích ngô giảm từ gần 1,2 triệu ha xuống 884.000 ha, năng suất năm 2015 đạt 44,8 tạ/ha nhưng đến năm 2023 chỉ tăng lên 50,2 tạ/ha.
Như vậy, trong 10 năm qua, khi đưa ngô chuyển gen vào sản xuất, năng suất ngô của Việt Nam chỉ tăng được lên 540 kg/ha (trung bình tăng 54 kg/ha/năm). Trong khi đó, tỉ lệ nhập khẩu tăng từ 58,8% lên 68,6%.
“Nhìn lại mỗi năm, năng suất ngô trung bình chỉ cải thiện nửa tạ/ha là rất thấp! Đây là những con số cần phải thảo luận để có cách làm tối ưu hơn. Ngô chuyển đổi gen rất tốt nhưng làm thế nào để ứng dụng cải thiện năng suất lại là một câu chuyện” - đại diện Cục Trồng trọt đánh giá.
Tính đến hết ngày 30-9-2024, Bộ NN-PTNT (Cục Trồng trọt) đã công nhận tổng số 31 giống ngô biến đổi gen (GMO), bao gồm: 30 giống ngô GMO tạo ra từ giống nền được công nhận theo Thông tư 29 Quy định về các biện pháp lâm sinh và 1 giống ngô GMO được công nhận theo Luật Trồng trọt và Nghị định 94 hướng dẫn Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác.
Theo TS Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế - IRRI, thế giới có khoảng 200 triệu ha cây trồng biến đổi gen. Tỉ lệ chiếm nhiều nhất là đậu tương, lên tới gần 80% diện tích.
Ngoài ra, diện tích trồng ngô cũng tới hơn 25%. Bên cạnh nuôi cấy ngô, công nghệ sinh học giúp đẩy mạnh sử dụng các chế phẩm sinh học, giúp đảm bảo mùa vụ, nâng cao thu nhập cho người dân.
“Điều đáng tiếc là áp dụng công nghệ sinh học ở Việt Nam còn chậm, khoảng cách với thế giới có xu hướng ngày càng tăng và chưa đạt mục tiêu của Đảng, Nhà nước đặt ra. Trong đó, cản trở chính là nhận thức” - ông Phát nói.
Hiện công nghệ sinh học đã phát triển sang công nghệ vi sinh, công nghệ nano, công nghệ tế bào, công nghệ chỉnh sửa gen… giúp ngành nông nghiệp đạt được những đỉnh cao mới.
Giới hạn áp dụng công nghệ sinh học cũng không còn bó buộc trong trồng trọt, mà mở ra sang chăn nuôi, thủy sản.
Trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, công nghệ số, công nghệ AI… cũng là một bước đệm giúp công nghệ sinh học có thể phát triển mạnh hơn.
Do đó, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT kêu gọi cần phải có chiến lược đào tạo nhân lực, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để tận dụng xung lực từ công nghệ sinh học.
Theo thống kê của Tổ chức Quốc tế về Ứng dụng Công nghệ sinh học trong Nông nghiệp (ISAAA), đến nay đã có 73 nước trên toàn thế giới chấp nhận cây trồng chuyển gen, bởi loại cây trồng này thể hiện vai trò quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho người nông dân, tiết kiệm thời gian và công sức lao động trên đồng ruộng, tiết giảm đáng kể lượng thuốc trừ sâu mỗi vụ.