Khám phá hầm, nhà ga tuyến đường sắt răng cưa người Pháp xây dựng ở Đà Lạt
Dòng chảy - Ngày đăng : 13:31, 05/10/2024
Đường sắt Tháp Chàm (Ninh Thuận) - Đà Lạt (Lâm Đồng) được người Pháp xây dựng trong giai đoạn 1908-1932.
Tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt có chiều dài 84km, trong đó 16km đường sắt răng cưa để tàu leo dốc núi. Trong ảnh, đoạn đường răng cưa được bảo tồn tại nhà ga Đà Lạt, phục vụ du khách tham quan.
Hiện nay, tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt chỉ còn hoạt động phục vụ du lịch chặng ga Đà Lạt - Trại Mát với tổng chiều dài 7km. Phần còn lại ngưng hoàn toàn, các công trình rơi vào hoang phế.
Trong ảnh, nhà chờ xe lửa được xây dựng tại xã Xuân Thọ xuống cấp, một phần mái ngói bị đổ sập, nền nhà bên trong bị ngập nước, rác bẩn.
Nhà ga Eo Gió tại thị trấn D'ran, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Một người dân địa phương cho biết, nhiều năm trước, một số hộ gia đình đã cải tạo, xây dựng thêm nhiều hạng mục để làm chỗ ở nên kiến trúc một số vị trí nhà ga bị thay đổi.
Phần gỗ trên một ô cửa còn sót lại của nhà ga Eo Gió và ô cửa bán vé tàu đã bị người dân bịt kín để ngăn phòng, làm chỗ ở.
Ông Huỳnh Ngọc Cường, 71 tuổi, người dân thị trấn D'ran chia sẻ: "Tôi gắn bó với ga Eo Gió từ ngày còn nhỏ. Ngày xưa, mỗi khi tàu dừng, ga rất nhộn nhịp. Người dân trong làng thường mang trái cây, nông sản làm được ra ga bán cho khách".
Bên trong khu nhà kho chứa đầu máy xe lửa cạnh ga Eo Gió.
Theo ông Huỳnh Ngọc Cường, khu vực này từng được chia thành 2 đường sắt song song, trong đó có đường nằm âm dưới mặt đất. Khu vực này dùng để bảo trì, sửa chữa đầu máy.
Nhiều năm trước, một số hộ dân đã san lấp nền, tận dụng kho làm nơi chăn nuôi. Toàn bộ khung cửa bằng sắt đã bị tháo dỡ.
Tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đạt Lạt được người pháp xây dựng 5 hầm chui với kết cấu đá chẻ, bê tông cốt thép. Hiện nay, hầm số 1, 2 nằm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, hầm số 3, 4, 5 nằm trên địa bàn Lâm Đồng.
Theo ghi nhận, các hầm chui tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt có độ cao 6,6m, rộng 4,6m. Các công trình này vẫn còn nguyên vẹn, ít bị rạn nứt, thấm dột.
Ông Cao Văn Minh, 62 tuổi, trú xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt, cho biết cạnh vườn cây của gia đình là hầm số 4 với tổng chiều dài 126m. "Hầm vững chắc, phần tường bên dưới được xây dựng bằng đá chẻ rất đẹp. Hầm này được nhiều du khách quan tâm, tham quan".
Phần chân cầu cao hàng chục mét được xây dựng từ đá chẻ còn sót lại ở thung lũng của đèo Ngoạn Mục, khu vực thuộc huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận.
Đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt bị dừng khai thác vào năm 1968 và đến năm 1975 được khởi động lại; nhưng chỉ chạy được 7 chuyến thì dừng hoàn toàn. Đến năm 1986, toàn bộ đường ray, tà vẹt trên tuyến đường này được tháo gỡ.
Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có chủ trương khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt.