Tưng từng lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào Chăm
Du lịch online - Ngày đăng : 10:31, 03/10/2024
Hàng năm vào Mùng 1 tháng 7 (lịch Chăm), bà con lại nô nức trẩy hội Ka Tê.
Tháp Po Klong Garai thuộc P. Đô Vinh, cách TP. Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 7km về hướng Tây bắc.
Với đồng bào dân tộc Chăm ở Ninh Thuận, thần Po Klong Garai - vị vua có công lao to lớn giúp người dân trong việc dẫn thủy nhập điền.
Bà con đem lễ vật đến tháp Pô Klong Garai chuẩn bị cho nghi thức lễ chính.
Katê là lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn, là dịp để tưởng nhớ công lao của các vị thần, vị vua; nhớ về nguồn cội, tổ tiên...
Ngày 2/10/2024 (nhằm Mùng 1 tháng 7 theo Chăm lịch), bà con đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn - tỉnh Ninh Thuận nô nức trẩy hội Katê.
Lễ hội năm nay diễn ra tại tháp Pô Klong Garai thuộc P. Đô Vinh (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm); tháp Pô Rômê, đền Pô Inư Nưgar thuộc địa bàn xã Phước Hữu - H. Ninh Phước).
Chương trình gồm các hoạt động theo tín ngưỡng tâm linh của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn như cúng mở cửa đền tháp, khoác y trang cho thần linh, hát múa ngợi ca công lao các vị thần.
Đoàn rước lễ xuất phát từ xã Phước Hậu H. Ninh Phước đến tháp Pô Klong Garai thuộc địa bàn P. Đô Vinh - Tp. Phan Rang - Tháp Chàm.
Các thầy cả sư cùng các vị chức sắc và bà đồng bào Chăm tề chỉnh hàng lối, hộ tống đoàn kiệu rước y trang vị “thần vua” Po Klong Garai lên tháp.
Tiếp theo là các thiếu nữ Chăm uyển chuyển trong điệu múa lễ, duyên dáng diễu hành cùng đông đảo đồng bào, du khách thập phương.
Đây là một trong những lễ hội dân gian đặc sắc nhất của đồng bào Chăm, tổ chức hàng năm vào đầu tháng bảy Chăm lịch (khoảng tháng Mười dương lịch).
“Lễ hội Katê của người Chăm Ninh Thuận” đã được Bộ VHTT&DL công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2017.
Từ sáng sớm, hàng ngàn đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn và du khách tập trung về Di tích Quốc gia đặc biệt tháp Pô Klong Garai, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
Trong không gian tháp cổ, đại diện các vị chức sắc, đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn thực hiện nghi thức tôn giáo và tuyên bố khai mạc chương trình Lễ hội Katê.
Dưới chân tháp cổ, nghi thức lễ diễn ra trang trọng.
Trong không khí nô nức, hòa cùng tiếng trống Paranưng rộn ràng và tiếng kèn Saranai réo rắt, các chàng trai, cô gái dân tộc Chăm trong trang phục truyền thống cùng hòa lời ca, điệu múa uyển chuyển, nhịp nhàng chào mừng lễ hội.
Trên tháp Chăm từ rất sớm, đông đảo bà con và du khách đã tề tựu về chuẩn bị cho nghi lễ diễn ra.
Chia sẻ tại lễ hội, ông Chế Vân Sơn ngụ tại làng thổ cẩm Mỹ Nghiệp cho hay: "Với người Chăm chúng tôi, quan niệm rằng tất cả không gian trời đất của đền tháp đều linh thiêng, người dân có thể bày cỗ cúng khắp nơi quanh chân tháp".
Du khách về dự lễ, có thể thấy nơi đây tràn ngập từ trong ra tới ngoài cùng hàng trăm phẩm vật dâng cúng, từ mâm cơm đến các chiếu bày đồ lễ, tất cả hòa trộn trong sắc màu văn hóa dân gian Chăm.
Các gia đình đồng bào Chăm chuẩn bị lễ vật cúng thần linh, tổ tiên.
Bên dưới chân ngôi tháp cổ, mâm cúng lễ được bà con bày biện trang trọng.
Đồ cúng lễ tại tháp trong lễ Katê do người dân đem tới dâng lên thần linh bao gồm: dê, gà, các loại bánh trái, trầu cau và trà, rượu ...
Đặc biệt còn có các loại bánh theo phong tục truyền thống như: bánh tét đòn dài tượng trưng cho Linga (dương thực khí) và bánh Tét Nak tượng trưng cho Yoni (âm thực khí). Ngoài ra còn có bánh Sykara - tượng trưng cho thần tối cao Shiva.
Có mặt chuẩn bị dự lễ từ sáng sớm, cô Trà Thị Mỹ Quyên ngụ tại thị trấn Phước Dân, Ninh Phước chia sẻ, dịp này con cháu về thăm gia đình, cúng lễ tạ ơn, tưởng nhớ ông bà, những người đã khuất.
Các gia đình cầu mong tổ tiên phù hộ cho xóm làng bình yên, xua đuổi tai ương bệnh tật; cầu mong cho cây trồng, vật nuôi phát triển sung túc, mùa màng tốt tươi, học hành thành đạt; gia đình sum họp, trai gái nên duyên chồng vợ son sắt, vững bền.
Tầm quá trưa, sau khi kết thúc nghi lễ tại tháp, bà con đồng bào Chăm trở về nhà, tổ chức tiệc mừng và vui tết trong ba ngày.
Katê là lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn để tưởng nhớ các vị thần, vị vua, có nhiều công lao đóng góp, các vị tiền hiền đã phù hộ xóm làng bình an được người dân tôn kính.
Lễ hội còn là dịp để tưởng nhớ ông bà tổ tiên; cầu mong quốc thái dân an, gia đạo bình an, no ấm; cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu…
Hiện nay đồng bào Chăm Ninh Thuận gồm hơn 53.700 người, sinh sống tập trung tại Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam, Thuận Bắc và TP. Phan Rang-Tháp Chàm.
Chương trình lễ hội hàng năm diễn ra trong không gian rộng lớn, bắt đầu từ những hoạt động cúng lễ tại các đền – tháp; tiếp đến là tại các cộng đồng làng xã, thôn xóm và gia đình.
Lễ hội còn là dịp để đồng bào Chăm giới thiệu bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình đến với du khách trong và ngoài nước.
Sau khi nghi lễ chính diễn ra tại tháp Pô Klong Garai kết thúc, trong ba ngày tiếp theo, tại các vùng đồng bào Chăm diễn ra nhiều hoạt động vui đón lễ hội, thăm hỏi, chúc nhau mọi sự tốt lành.
Lễ hội diễn ra hàng năm không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, tình cảm của đồng bào Chăm mà còn góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh Ninh Thuận đến với du khách trong nước và quốc tế.