3 ‘bảo vật’ tại Thư viện cổ trường Đại học Trinity nơi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ghé thăm
Dòng chảy - Ngày đăng : 09:02, 03/10/2024
Thư viện cổ của của Đại học Trinity lại là nơi có thể hấp dẫn tất cả mọi người, từ những mọt sách lâu năm cho tới những ai ít khi đụng đến trang giấy.
Thư viện Trinity (Trinity College Library) được thành lập vào năm 1592, cùng thời điểm với việc thành lập trường Trinity College, và hiện là thư viện chung cho cả Đại học Dublin. Đây cũng là thư viện lớn nhất ở Ireland, và là “thư viện bản quyền” duy nhất ở đây, cho phép sở hữu tất cả những đầu sách có bản quyền xuất bản ở Ireland và Vương quốc Anh.
Ngày nay, ngoài chức năng làm thư viện cho hai trường đại học lớn và danh tiếng ở xứ sở sương mù, Trinity College Library cũng mở cửa đón du khách tham quan. Công trình này đang sở hữu 3 ‘báu vật’ tượng trưng cho tinh hoa văn hóa, học thuật của người Ireland vàhấp dẫn bất cứ du khách nào.
Những buổi triển lãm tại Thư viện Cổ sẽ thay đổi theo từng năm, nhấn mạnh vào truyền thống văn học của Ireland. Gần đây thư viện cũng trưng bày cả sách dành cho thiếu nhi và sách của các tác giả nữ Ireland. Ngoài ra còn có các buổi triển lãm online cho phép du khách có thể chiêm ngưỡng những bộ sưu tập sách từ xa thông qua phương tiện kỹ thuật số.
Phòng Dài (Long Room)
Phòng chính của Thư viện cổ tại Trinity College Dublin có tên gọi là Long Room, được xây dựng từ năm 1712 đến năm 1732. Với chiều dài gần 65 mét, nơi đây chứa 200.000 cuốn sách cổ nhất của thư viện và là một trong những thư viện ấn tượng nhất trên thế giới.
Với hai tầng nhà xếp đầy những kệ sách cao từ trần tới nóc, trong đó nhiều cuốn phải dùng thang mới lấy xuống được, thư viện khổng lồ này là thiên đường của những người yêu sách. Tất cả những kho báu văn chương này được lưu giữ và tô điểm thêm bởi không gian trang trí bằng gỗ cũ xưa tối màu nhưng tràn đầy ánh sáng được dựng nên từ thế kỷ 18. Tại đây khách còn có thể tìm thấy một trong số rất ít bản sao còn sót lại của Tuyên ngôn Cộng hòa Ireland năm 1916.
Hai bên lối có tượng bán thân của 14 nam danh nhân là các văn sĩ, triết gia lỗi cùng những ấn bản và bản thảo viết tay quý hiếm.
Ban ngày, ánh sáng từ bên ngoài cửa sổ chiếu lên những tác phẩm xưa cũ ở đây càng làm tăng thêm vẻ cổ kính và huyền hoặc.
Đây là nơi bản gốc cuốn sáchKells được lưu giữ. Thư viện cũng có một bản sao của tất cả các tác phẩm xuất bản ở Ai-Len,do vậy mà bộ sưu tập tại thư viện ngày càng phát triển đa dạng. Long Room là một trong những phòng thư viện ấn tượng nhất cũng như nhất định phải thấy trên thế giới.
Sách Kells
Trong Thư viện Cổ (The Old Library) của Trường Trinity College Dublin có một cuốn sách rất đặc biệt, đó chính là Sách Kells (Book of Kells). Cuốn sách được mệnh danh “Biến bóng tối thành ánh sáng”.
Đây là một bản thảo phúc âm bao gồm bốn bản Tân ước kinh điển được viết tay bằng tiếng Latin có niên đại từ thế kỷ thứ 9. Không đơn thuần chỉ là một cuốn sách cổ, đó thực sự là một kiệt tác nghệ thuật chứa đựng nhiều bức vẽ phức tạp và đẹp mắt, mô tả những biểu tượng của Thiên chúa được thể hiện sống động bằng nhiều màu sắc tươi sáng như vàng và bạc.
Sách Kells là công trình nghệ thuật của những đan sĩ dòng thánh Columba ở đảo Iona gần Scotland đi lánh nạn ở thành Kells (Ireland).
Với khoảng 2 nghìn chữ và 33 trang vẽ sống động, cùng rất nhiều những hình minh họa chứa đựng những điển tích văn hóa và tôn giáo đan xen, những đường nét trang trí nhỏ li ti, mắt thường khó thấy.
Các đan sĩ đã kỳ công thực hiện sách Kells, thể hiện trình độ thư họa thượng thừa, bởi có những nét vẽ nhỏ tới mức chỉ có thể nhìn thấy nếu dùng kính lúp phóng đại lên 10 lần. Loại mực được dùng cũng làm từ một loại đá có nguồn gốc từ vùng Trung Á, Địa Trung Hải.
Vào thế kỷ thứ 10, Sách Kells từng bị cướp và sau đó được tìm thấy trong bùn lầy với trang bìa nạm vàng đã bị xé mất. Như một phép lạ, ngoài vài trang hư hại, toàn bộ cuốn sách chép tay vẫn còn nguyên. Sách Kells trở thành biểu tượng cho sức mạnh của tri thức và khả năng sáng tạo nghệ thuật của người Ireland.
Để gìn giữ được cuốn sách cổ này, Đại học Trinity có những quy định hết sức ngặt nghèo, không cho phép ai chạm vào sách. Hơn hai mươi năm trước, để có được những bản sao chính xác, một công ty in ở Thụy Sĩ đã phải nhờ đến kỹ thuật sao chụp tinh vi bậc nhất thời đó.
Họ dùng một hệ thống thổi gió để lật trang thay vì dùng tay một cách cơ học. Những bản sao chụp năm 1990 đó là những bản sao chính xác đầu tiên hiện đang được lưu giữ tại các thư viện lớn trên thế giới.
Ngoài ra, phiên bản điện tử của toàn bộ các trang sách quý dành cho IPad đã xuất hiện trên mạng. Phiên bản này được hoàn thành trong 6 tháng, dựa trên những bản sao chính xác năm 1990. Người xem có thể lật giở từng trang, phóng to, thu nhỏ, xem kỹ từng họa tiết trang trí cũng như tìm hiểu ý nghĩa của từng biểu tượng trang trí trong sách và lịch sử ra đời.
Đàn hạc Brian Boru
Nếu để ý trên logo của hãng bia Guinness nổi tiếng thế giới, bạn sẽ thấy hình một cây đàn hạc. Đó chính là Brian Boru, hiện đang được lưu giữ tại Thư viện Trinity.
Được lưu giữ tại Phòng Dài và còn có tên gọi “đàn hạc của Đại học Trinity”, đây là một nhạc cụ của Ireland từ thời Trung cổ có niên đại từ khoảng thế kỷ 14. Brian Boru là chiếc đàn hạc “cao tuổi” nhất trong tổng số ba chiếc của thời Trung cổ còn tồn tại đến nay, tại khu vực này.
Đàn Brian Boru vốn đã là một biểu tượng quốc gia của Ireland.