Điểm tin Kinh doanh 2/10: Giá vàng: Vàng miếng tăng vọt

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 02/10/2024

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam; PNJ chính thức tăng vốn điều lệ lên 3.381 tỷ đồng
pnj-nguoiduatin-17277788652701069542891.jpeg

- Giá vàng: Vàng miếng tăng vọt

Giá vàng hôm 1/10 ở thị trường trong nước tăng vọt đối với vàng miếng, giảm mạnh đối với vàng nhẫn. Cả vàng miếng và vàng nhẫn đều neo ở mức cao.

Vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng: 82 triệu đồng/lượng mua vào, 84 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 500.000 đồng/lượng so với hôm 31/9 ở cả 2 chiều).

Vàng SJC Phú Quý: 82 triệu đồng/lượng mua vào (tăng 300.000 đồng/lượng so với hôm qua), 84 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 500.000 đồng/lượng so với hôm 31/9).

Vàng DOJI tại Hà Nội và DOJI tại TP Hồ Chí Minh: 82 triệu đồng/lượng mua vào, 84 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 500.000 đồng/lượng so với hôm qua ở cả 2 chiều).

Giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu được doanh nghiệp giao dịch ở mức 82 triệu đồng/lượng mua vào, 84 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 500.000 đồng/lượng so với hôm 31/9 ở cả 2 chiều). Vàng nhẫn tròn trơn được doanh nghiệp giao dịch ở mức 81,88 triệu đồng/lượng mua vào (giảm 660.000 đồng/lượng so với hôm 31/9), 82,88 triệu đồng/lượng bán ra (giảm 560.000 đồng/lượng so với hôm 31/9).

Vàng nhẫn PNJ tại TP Hồ Chí Minh và vàng PNJ tại Hà Nội: 82 triệu đồng/lượng mua vào (giảm 500.000 đồng/lượng so với hôm 31/9), 82,9 triệu đồng/lượng bán ra (giảm 400.000 đồng/lượng so với hôm 31/9).

Như vậy, giá vàng miếng và vàng nhẫn trong nước hôm 1/10 tăng, giảm trái chiều. Giá vàng miếng tăng cao nhất 500.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều; trong khi đó, giá vàng nhẫn giảm 660.000 đồng/lượng so với hôm 31/9.

Giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới chiều 1/10 đứng ở mức 2.639,1 USD/ounce (tăng 3,7 USD/ounce so với sáng nay). Giá vàng tương lai đứng ở mức 2.660,6 USD/ounce (tăng 5,9 USD/ounce so với sáng cùng ngày).

Nhận định về giá vàng, các chuyên gia tỏ ra thận trọng, lực cầu cạn kiệt sẽ đẩy giá vàng đi xuống khi các nhà đầu tư đang hành động chậm lại để nghe ngóng thêm các diễn biến tiếp theo của thị trường trong bối cảnh giá neo ở mức kỷ lục.

Hiện các nhà đầu tư đang tập trung chú ý vào dữ liệu Báo cáo việc làm trong tuần này của Mỹ. Nếu thị trường đón nhận con số việc làm không mấy khả quan, giá kim loại quý có khả năng sẽ tiếp tục bứt phá; ngược lại, số liệu việc làm khả quan sẽ là áp lực đẩy giá vàng đi xuống.

- BVBank (BVB) triển khai việc phát hành thêm gần 69 triệu cổ phiếu, giá bán 10.000 đồng/CP

HĐQT Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank, mã BVB) vừa thông qua việc triển khai thực hiện phương án phát hành chào bán cổ phiếu ra công chúng.

Theo đó, BVBank dự kiến phát hành 68,98 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 8:1, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được hưởng 1 quyền, cứ 8 quyền sẽ được mua 1 cổ phiếu phát hành thêm với giá 10.000 đồng/CP. Trong khi đó, trên thị trường hiện cổ phiếu BVB đang đứng tại mức giá 11.800 đồng/CP.

Thời gian thực hiện chào bán dự kiến trong năm 2024 và quý I-II/2025, sau khi được UBCK cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán và công bố thông tin theo quy định.

Nguồn vốn tăng thêm từ đợt chào bán dự kiến hơn 689,8 tỷ đồng, BVBank sẽ dùng để bổ sung vốn cho vay của Ngân hàng. Thời gian giải ngân dự kiến trong năm 2024 và 2025.

Trước đó, ngày 16/8, BVBank đã thực hiện chốt danh sách cổ đông để phát hành thêm gần 50,2 triệu cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 10%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 10 cổ phiếu phát hành mới. Sau đợt phát hành, Ngân hàng đã tăng vốn điều lệ lên 5.518 tỷ đồng.

Mới đây, vào giữa tháng 9, Ngân hàng đã có thông báo toàn bộ hơn 50 triệu cổ phiếu trên được giao dịch chính thức vào ngày 27/9.

- IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 6,1%, nhưng trong báo cáo mới nhất không đề cập gì tới diễn biến mới là bão số 3 và hậu quả nặng nề mà thiên tai gây ra cho các tỉnh phía Bắc.

Ban Giám đốc Điều hành của Quỹ Tiền tệ quốc tế vừa công bố kết luận về đợt tham vấn về kinh tế Việt Nam. Theo đó, GDP cả năm được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 6,1%, cao hơn mức dự báo gần 6% của chính IMF hồi cuối tháng 6.

IMF lưu ý rằng rủi ro vẫn ở mức cao và cần phải nỗ lực hơn nữa để đảm bảo sự ổn định tài chính vĩ mô và có các cải cách sâu rộng nhằm khắc phục các điểm yếu và đảm bảo tăng trưởng xanh, mạnh mẽ và toàn diện trong trung hạn - Ảnh: Bộ Công thương

Theo đó, IMF đánh giá cao các cơ quan chức năng Việt Nam đã hành động nhanh chóng để duy trì sự ổn định tài chính vĩ mô khi quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch phải đối mặt với những cơn gió ngược cả trong và ngoài nước.

Dù vậy, rủi ro vẫn còn nhiều và Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để đảm bảo sự ổn định tài chính vĩ mô và có các cải cách sâu rộng nhằm khắc phục các điểm yếu và đảm bảo tăng trưởng xanh, mạnh mẽ và toàn diện trong trung hạn.

Đánh giá dư địa tài khóa vẫn còn nhiều trong khi việc nới lỏng chính sách tiền tệ chưa bao nhiêu, IMF khuyến nghị Việt Nam nên đưa chính sách tài khóa đi đầu trong việc hỗ trợ hoạt động sản xuất, phục hồi kinh tế.

Theo phân tích của IMF, quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam bắt đầu từ cuối năm 2023 nhờ xuất khẩu và du lịch phục hồi, cũng như sự hỗ trợ của chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng phù hợp. Giá lương thực thực phẩm năm 2024 tăng, dù vậy lạm phát cơ bản vẫn duy trì tương đối thấp và ổn định. Cán cân vãng lai đối ngoại đã thặng dư lớn trong năm 2023 ở mức 5,8% GDP, phần nhiều là do nhập khẩu sụt giảm đáng kể.

Về động lực phục hồi tăng trưởng năm nay, IMF cho biết kinh tế Việt Nam được hỗ trợ bởi cầu bên ngoài tiếp tục mạnh mẽ, đầu tư trực tiếp nước ngoài ổn định và các chính sách nới lỏng.

Tăng trưởng cầu trong nước sẽ hồi phục dần bởi doanh nghiệp phải chèo chống với mức nợ cao trong khi thị trường bất động sản sẽ chỉ phục hồi hoàn toàn trong trung hạn. Lạm phát năm nay dự kiến sẽ dao động quanh mức mục tiêu 4%-4,5% của Ngân hàng Nhà nước.

usd-1711157853872508621257.jpg

- Đại nhạc hội Sound Freedom by VinaPhone mùa 2 chính thức khởi động tại nhiều tỉnh thành

Xuyên suốt tháng 10 và tháng 11 năm 2024, Sound Freedom by VinaPhone mùa 2 quay trở lại, sẵn sàng khuấy động mùa tựu trường cùng những trải nghiệm âm nhạc hấp dẫn, nhiều xu hướng sáng tạo nghệ thuật mới mẻ và dàn line-up hot hit như Noo Phước Thịnh, Hiếu Thứ Hai, Tăng Duy Tân, Trúc Nhân, Isaac, Erik, Amee, Orange… Chuỗi đại nhạc hội này sẽ diễn ra tại sáu tỉnh bao gồm: Thanh Hoá, Bình Dương, Gia Lai, Cần Thơ, Kiên Giang và Cà Mau.

Không chỉ khiến khán giả thích thú với những phần trình diễn sống động, Sound Freedom by VinaPhone mùa 2 còn là chuỗi sự kiện chào đón VinaPhone 5G siêu tốc độ với các hoạt động trải nghiệm công nghệ 5G hấp dẫn như tương tác thực tế ảo, Game VR, Video Streaming kèm nhiều phần quà giá trị dành cho tất cả các khách tham dự.

Thanh Hoá sẽ là điểm dừng chân đầu tiên vào ngày 12/10 tới tại Quảng trường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, mở màn cho hành trình âm nhạc đầy hứng khởi của Sound Freedom by VinaPhone mùa 2, cùng dàn nghệ sĩ Tăng Duy Tân, Anh Tú, Thiều Bảo Trâm, Đạt Kaa, Muội & DJ Emma.

Ra mắt vào năm 2023, chuỗi sự kiện Sound Freedom by VinaPhone đã “bùng nổ” tại nhiều tỉnh/thành phố khắp cả nước như Hải Phòng, Nghệ An, Buôn Ma Thuột, Cà Mau, trở thành tâm điểm chú ý của giới trẻ với dàn line-up hàng đầu như Tóc Tiên, Mono, và Bích Phương, thu hút hàng chục nghìn khán giả địa phương mỗi đêm diễn với hàng chục triệu lượt xem trên các nền tảng mạng xã hội.

- Nhập khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh trong 9 tháng

9 tháng, Việt Nam đã chi tổng cộng 996 triệu USD để nhập khẩu gạo về phục vụ nhu cầu, tiêu dùng nội địa sản xuất tăng tới 57,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo với trị giá 4,37 tỷ USD. Nếu tính về kim ngạch, gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 23,5%. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu gạo của nước ta cũng tăng rất mạnh. Trong tháng 9 vừa qua, kim ngạch nhập khẩu gạo của nước ta tăng vọt 154,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 117 triệu USD.

Lũy kế 9 tháng, Việt Nam đã chi tổng cộng 996 triệu USD để nhập khẩu các mặt hàng gạo về phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng nội địa, tăng tới 57,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số cao kỷ lục của ngành gạo từ trước đến nay, đồng thời vượt xa kim ngạch nhập khẩu 860 triệu USD của cả năm 2023.

Nếu duy trì tốc độ nhập khẩu như trong 2 tháng vừa qua, kim ngạch nhập khẩu gạo của nước ta trong năm 2024 có thể lên tới 1,3 tỷ đô la.

- PNJ chính thức tăng vốn điều lệ lên 3.381 tỷ đồng

PNJ đã tăng vốn điều lệ từ 3.347 tỷ đồng lên gần 3.381 tỷ đồng thông qua việc phát hành gần 3,35 triệu cổ phiếu ESOP cho 176 người lao động tại công ty.

CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) vừa có văn bản công bố thông tin bất thường gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh.

Theo đó, công ty đã chính thức tăng vốn điều lệ từ 3.347 tỷ đồng lên gần 3.381 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Số vốn này được chia thành 338 triệu cổ phần phổ thông với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần.

Trước đó, thời điểm cuối tháng 9, PNJ đã có báo cáo về kết quả phát hành cổ phiếu ESOP của công ty. Theo đó, công ty đã phân phối xong gần 3,35 triệu cổ phiếu cho tổng cộng 176 người.

Sau đợt phát hành, số lượng cổ phiếu đang lưu hành của PNJ là hơn 337,9 triệu cổ phiếu, số lượng cổ phiếu quỹ là 169.559 cổ phiếu.

Giá phát hành cổ phiếu ESOP là 20.000 đồng/cổ phiếu. Đối tượng mua cổ phiếu ESOP bao gồm Thành viên HĐQT, Thành viên Ban điều hành, lãnh đạo chủ chốt, cán bộ cấp trung, nhân viên chủ chốt thuộc PNJ và các công ty con có đóng góp tích cực trong việc hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh doanh năm 2023.

Về quy định chuyển nhượng, 100% số lượng cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 12 tháng, 70% số lượng cổ phiếu hạn chế chuyển nhượng trong vòng 24 tháng và 40% số lượng cổ phiếu hạn chế trong vòng 36 tháng kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành.

Toàn bộ số lượng cổ phiếu phát hành thêm do công ty thực hiện chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và/hoặc thưởng cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu/cổ phiếu quỹ mà cán bộ nhân viên được nhận phát sinh từ số lượng cổ phiếu ESOP đang trong thời gian hạn chế chuyển nhượng cũng sẽ bị hạn chế chuyển nhượng theo tỉ lệ và thời gian tương ứng với số lượng cổ phiếu ESOP đang bị hạn chế chuyển nhượng.

Việt Báo (Tổng hợp)