Ngột ngạt trong "phông bạt" hạnh phúc
Gia đình - Ngày đăng : 08:17, 01/10/2024
Cha mẹ "phông bạt hạnh phúc" cỡ nào, những đứa trẻ teen tinh tế cũng sẽ hiểu thực tế (ảnh minh họa) |
Đọc bài viết "Phông bạt hạnh phúc": Phía sau những bức hình lung linh, tôi lại nhớ chuyện cô học trò lớp Mười. Các giáo viên ở vùng dân cư nghèo chúng tôi chú ý gia đình em vì: Sáng vợ chồng chở con đi học bằng xe hơi đời mới, chiều lại cùng nhau đến đón con về.
Nhìn cách ông chồng nhẹ nhàng mở cửa xe để vợ bước lên hay vội vàng che dù để vợ khỏi nắng, tôi và tất thảy những ai chứng kiến đều ngưỡng mộ. Nhưng ngày càng thấy cô học trò học hành càng chểnh mảng, tôi mới tìm hiểu và biết bố mẹ em đã ly thân, người “châm ngòi” màn kịch hôn nhân kia là ông bố - anh cặp bồ đã nhiều năm nay.
Cô học trò của tôi không hề vui vì ngày ngày được bố mẹ đưa đón, chăm sóc. Theo em, 2 người lớn đang cố gắng tạo ra một thứ mà em gọi là "phông bạt" để đánh lừa con. Họ đâu hiểu con đã 15 tuổi, bé đủ nhạy cảm để biết bố mẹ đang làm gì. Ra ngoài chồng thể hiện sự quan tâm chăm sóc vợ, nhưng về tới nhà thì vợ chồng ai ở phòng nấy, hiếm khi ăn cùng nhau, nói chuyện với nhau càng không.
Tôi thấy mình may mắn khi biết sớm chuyện của em, bởi ít ra đã kịp thời ngăn cản ý định nghỉ học đi bụi của cô bé. Trong ý nghĩ của cô bé học lớp Mười thì: “Em bỏ đi, chắc bố mẹ sẽ phải đau khổ. Bố sẽ ân hận, rồi quay về với mẹ”. Trước suy nghĩ giản đơn của cô học trò, tôi chợt nghĩ: Nếu bố mẹ em sống thật với chính mình, con bé dẫu có đau nhưng không đến nỗi mất phương hướng như thế này!
Với những người chọn lối sống “phông bạt”, họ có những lý do riêng. Nào là “không muốn mất hình tượng”, “không muốn người đời chê cười”, “không muốn con cái/ cha mẹ/ anh chị em phải buồn hay suy nghĩ bận tâm”, “không muốn mất cơ hội thăng tiến”… Vì vậy, hôn nhân với họ trở thành sàn diễn, đã hóa thân thì khó mà "xả vai".
Sống thật với cảm xúc, luôn yêu thương và bao dung mới là lớp sơn vững chắc bảo vệ gia đình (ảnh minh họa) |
Mải mê trong vai người phụ nữ thành đạt, có con ngoan chồng giỏi, chị Lam - hiệu trưởng một trường tư thục - luôn phô diễn cuộc sống hạnh phúc. Chị đón nhận mọi lời khen và còn kể thêm các tình tiết chị tự hào về gia đình mình. Nhưng ít ai biết rằng đêm nào chị cũng trằn trọc đợi cậu con lớn đi bar chưa về, còn ông chồng say xỉn nằm chèo queo như con mèo. Hạnh phúc của chị, sự hài lòng của chị hoàn toàn không có thật, nhưng chị vẫn cố tô vẽ vì nghĩ như thế sẽ giúp hình ảnh bà hiệu trưởng hoàn hảo.
Tâm tư bí bách, nhưng chị không dám cởi trói, hay chia sẻ ra cho nhẹ lòng. Có lần trò chuyện với tôi, chị buồn bã: "Bây giờ hầu hết các gia đình đã không còn là tổ ấm. Nhà chỉ còn là chỗ đi về, không còn là chốn bình yên. Chuyện của chị có gì là cá biệt đâu!".
Phông bạt để che đậy những tổn thương đổ vỡ, gồng mình để mặc chiếc áo hạnh phúc không chỉ hệ lụy đến lối sống của con cái và những người xung quanh. Đứa trẻ nào sinh ra cũng mong có một gia đình ấm êm. Nhưng khi có dấu hiệu rạn nứt, thay vì dạy cho con đối diện với thực tại, cùng nhau nhìn nhận và giải quyết vấn đề thì cha mẹ lại tìm cách che đậy. Vô tình, họ đã dạy con bài học giả dối, hèn nhát.
Ở vùng tôi sống có không ít những gia đình đạt chuẩn “gia đình văn hóa” nhưng mối quan hệ cha con, vợ chồng lỏng lẻo, thậm chí rỗng tuếch. Hàng xóm hay truyền nhau những bi hài về cặp vợ chồng mới chở nhau ra phường nhận giấy khen tháng trước thì tháng sau kiện tụng tại tòa vì tranh chấp tiền bạc, giành quyền nuôi con…
Suy cho cùng, hướng tới những điều đẹp đẽ là nhu cầu của mỗi người, mỗi gia đình. Nhưng sống thật với cảm xúc, với hoàn cảnh, lấy tình yêu và sự chân thật phủ kín góc bếp, sân vườn, phòng ngủ mới là lớp sơn tốt nhất bảo vệ hạnh phúc gia đình trước giông bão cuộc đời.
Lâm Hoàng