Quân sự thế giới hôm nay (1-10): Nga hạ thủy khu trục hạm Đô đốc Isakov, Hàn Quốc trình làng tên lửa đạn đạo Hyunmoo-5
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 06:38, 01/10/2024
* Thổ Nhĩ Kỳ thử nghiệm thành công UAV cảm tử mang đầu đạn xuyên giáp mới
Ngày 30-9, công ty STM của Thổ Nhĩ Kỳ công bố thử nghiệm thành công một mẫu máy bay không người lái (UAV) cảm tử mới được trang bị đầu đạn xuyên giáp có tên gọi KARGU.
UAV cảm tử KARGU với đầu đạn xuyên giáp. Ảnh: STM |
Cuộc thử nghiệm đầu tiên, KARGU đã tiêu diệt mục tiêu là xe bọc thép với độ chính xác tuyệt đối. Điều này thể hiện bước tiến đáng kể trong thiết kế đạn tuần kích (tên gọi khác của UAV cảm tử), đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của quân đội khi phải đối mặt với các mục tiêu cơ động và bọc thép.
Được phát triển hoàn toàn bằng nguồn lực quốc gia, KARGU là một trong những hệ thống UAV tấn công tiên tiến nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Có trong kho vũ khí của Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2018, UAV cảm tử này đã được triển khai rộng rãi cho các hoạt động chống khủng bố và các nhiệm vụ xuyên biên giới. Hiệu quả của nó trên thực địa đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của quốc tế. Tính đến nay, KARGU đang được sử dụng rộng rãi tại hơn 10 quốc gia trên ba châu lục.
Tính linh hoạt của KARGU cho phép nó có thể nhanh chóng chuyển từ đầu đạn chống bộ binh sang đầu đạn xuyên giáp, khiến UAV này trở thành một vũ khí chủ chốt của lực lượng vũ trang. Phiên bản mới với đầu đạn xuyên giáp được phát triển để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong việc tấn công các mục tiêu bọc thép trong khi vẫn giữ được khả năng tấn công các mục tiêu là con người.
Khi được trang bị đầu đạn xuyên giáp, KARGU trở thành một công cụ đáng gờm giúp chống lại các mục tiêu di động và cố định, bao gồm cả xe bọc thép và cơ sở hạ tầng kiên cố. Nhờ khả năng hoạt động cả ngày lẫn đêm và độ phản xạ radar thấp, KARGU khó bị phát hiện và có thể gây bất ngờ cho đối phương.
Ngoài đầu đạn xuyên giáp, STM thông báo rằng họ đang trong giai đoạn cuối cùng của quá trình phát triển đầu dò RF (tần số vô tuyến). Tính năng mới này cho phép KARGU phát hiện và phá hủy radar cũng như hệ thống tác chiến điện tử của đối phương, qua đó nâng cao hơn nữa khả năng hoạt động của UAV trên chiến trường.
*Hàn Quốc trình làng tên lửa đạn đạo Hyunmoo-5
Ngày 30-9, Hàn Quốc đã trình làng tên lửa đạn đạo mới nhất Hyunmoo-5 trước thềm lễ kỷ niệm 76 năm ngày thành lập lực lượng vũ trang quốc gia này.
Bệ phóng Hyunmoo-5 (phía sau). Ảnh: Militarnyl |
Tên lửa tầm xa này đại diện cho sự phát triển trong kho vũ khí quân sự của Hàn Quốc, đặc biệt là để ứng phó với các mối đe dọa an ninh ngày càng gia tăng.
Hyunmoo-5 tích hợp hệ thống phóng lạnh tiên tiến, một bước tiến đáng chú ý về mặt kỹ thuật trong công nghệ tên lửa của Hàn Quốc. Kỹ thuật phóng lạnh này sử dụng khí nén để đẩy tên lửa ra khỏi bệ phóng trước khi đánh lửa, giảm thiểu thiệt hại cho bệ phóng và tăng độ ổn định khi vận hành.
Hyunmoo là dòng tên lửa nội địa do quân đội Hàn Quốc tự phát triển. Trong đó, Hyunmoo-1 đã ngừng sử dụng, Hyunmoo-2 là tên lửa đạn đạo tầm ngắn, còn Hyunmoo-3 là tên lửa hành trình. Trong khi tên lửa Hyunmoo-4 có trọng lượng đầu đạn 2 tấn, thì Hyunmoo-5 nổi bật với đầu đạn nặng tới 8 tấn, có thể xuyên thủng các boongke ngầm được gia cố, một khả năng thiết yếu để tấn công các trung tâm chỉ huy được chôn sâu dưới lòng đất, căn cứ tên lửa hạt nhân và các cơ sở ngầm khác của đối phương.
Hyunmoo-5 có ống phóng hình trụ thẳng đứng, nặng khoảng 36 tấn và được cho là có tầm bắn hơn 3.000km với đầu đạn nhẹ. Tầm bắn của tên lửa có đầu đạn nặng chưa được tiết lộ chính thức, nhưng theo một số báo cáo, nó có thể đạt tới 300km. Nhìn bề ngoài, tên lửa có chiều dài khoảng 15-16 mét và có đường kính thân là 1,6 mét. Đầu đạn được làm bằng kim loại nặng và bền nhằm xuyên thủng đến độ sâu lớn nhất có thể bằng động năng. Kể từ khi phát triển tên lửa Hyunmoo-1 vào năm 1986, Hàn Quốc đã không ngừng nỗ lực nâng cấp dòng tên lửa này, bao gồm 5 biến thể. Chúng đã trở thành vũ khí chiến lược mạnh nhất trong kho vũ khí của Hàn Quốc và là phương tiện ngăn chặn các đối thủ tiềm tàng.
*Nga hạ thủy khu trục hạm Đô đốc Isakov
Mới đây, Hải quân Nga vừa hạ thủy khu trục hạm Đô đốc Isakov, tàu chiến thứ 3 của Dự án 22350.
Tàu khu trục Đô đốc Isakov lớp Đô đốc Gorshkov của Nga. Ảnh: Korabel |
Các khu trục hạm thuộc Dự án 22350 là đại diện hiện đại nhất của lớp tàu mặt nước đa năng trong Hải quân Nga. Những con tàu này là tàu chiến mặt nước lớn nhất do Nga chế tạo kể từ Chiến tranh Lạnh và đóng vai trò trung tâm trong chiến lược hải quân của nước này.
Dự án 22350 có khả năng giải quyết một loạt nhiệm vụ cả ở vùng ven biển và trên đại dương, bao gồm tác chiến chống tàu mặt nước, tác chiến chống tàu ngầm, tác chiến phòng không, tuần tra biên giới trên biển và hộ tống cho lực lượng đặc nhiệm đổ bộ. Vũ khí được trang bị trên tàu bao gồm tên lửa hành trình chống hạm Kalibr, Oniks và Zircon, cho phép tấn công chính xác tầm xa vào các mục tiêu trên mặt nước cũng như trên bộ; hải pháo 30mm; tên lửa đất đối không; hệ thống tác chiến tầm gần 30mm, ngư lôi và 2 súng máy 14,5mm. Các phiên bản trong tương lai, như Dự án 22350M, dự kiến sẽ tích hợp tên lửa siêu thanh Tsirkon, giúp tăng cường hơn nữa khả năng tấn công của tàu.
Tàu khu trục Đô đốc Isakov có lượng giãn nước tiêu chuẩn là 4.550 tấn và 5.400 tấn khi đầy tải. Tàu có chiều dài 135m, rộng 16m và độ mớn nước 4,5m.
Có khả năng đạt tốc độ tối đa 54,6km/giờ, khu trục hạm này có phạm vi hoạt động lên tới 8.980km ở tốc độ hành trình 26km/giờ. Tàu có thể hoạt động liên trục trên biển trong 30 ngày và có thể chở thủy thủ đoàn gồm 210 người.
QUỲNH OANH (tổng hợp)