Chuyện ít biết về nhà cổ trăm tuổi gắn liền với "người đẹp Tây Đô" phiên bản đời thực
Du lịch online - Ngày đăng : 09:41, 30/09/2024
Giữa lòng thành phố Cần Thơ sầm uất, ẩn mình một ngôi nhà cổ kính, mang đậm dấu ấn thời gian. Đó là nơi từng là mái ấm của "Người đẹp Tây Đô" Lâm Thị Phấn, một biểu tượng sắc đẹp của miền Tây. Căn nhà đã tồn tại hơn một thế kỷ, giờ đây trở thành một ẩn số đầy bí ẩn, thu hút sự chú ý, tìm hiểu của nhiều người.
Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, ông Nguyễn Ngọc Ánh, chia sẻ rằng ngôi nhà vẫn thuộc quyền sở hữu của gia đình bà Phấn và không phải là di tích lịch sử.
Bên trái là ảnh bà Phấn thời trẻ, còn bên phải là ảnh bà mặc quân phục chụp cùng đoàn làm phim "Người đẹp Tây Đô".
Bà Phấn nổi tiếng là tài sắc vẹn toàn, được người dân Nam kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ gọi thân thương là Người đẹp Tây Đô. Cuộc đời gian truân và rực rỡ của bà được nhà văn Trầm Hương viết thành tiểu thuyết mang tên "Người đẹp Tây Đô" và chuyển thể thành bộ phim cùng tên do cố đạo diễn Lê Cung Bắc thực hiện.
Theo ghi nhận, căn nhà có kiến trúc Nam Bộ xưa. Đây là mẫu nhà cổ hiếm hoi còn giữ được nguyên vẹn ở Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung, thể hiện khá đầy đủ những đặc trưng nhà điền chủ khu vực này vào thế kỷ trước.
Căn nhà có nền cao khoảng nửa mét, được xây dựng trên khuôn viên rộng hơn 200m2, xung quanh cây cối um tùm, hoang hóa, được rào lại bằng một lớp hàng rào kẽm, các lối vào đều bị chặn.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng đánh giá, nhà cổ của gia tộc "Người đẹp Tây Đô" Lâm Thị Phấn đã tồn tại trên 100 năm, căn nhà bị bỏ hoang thu hút sự chú ý của người dân nhờ câu chuyện về gia chủ.
"Về mặt kiến trúc căn nhà không không quá đặc biệt. Tuy nhiên vị trí địa lý của căn nhà này rất hữu tình, ở gần trung tâm thành phố, phía trước có dòng kênh, xung quanh nhiều cây cối, nằm trong khu dân cư", nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng nói.
Người dân sử dụng những phần diện tích chưa được rào để làm mặt bằng buôn bán cà phê, đồ ăn sáng.
"Sự nổi tiếng của những chủ nhân căn nhà khiến nhiều người tò mò, tìm đến quay chụp trong thời gian vừa qua. Sáng nào cũng có một người phụ nữ là khách vãng lai đến thắp hương cho bức tượng Phật ở phía trước căn nhà", một người dân buôn bán quanh căn nhà kể.
Bà Nguyễn Thị Thắm (64 tuổi), một người sinh sống nhiều năm tại khu vực cho biết, căn nhà này khóa trái cửa nhiều năm liền, không có người trông coi, dọn dẹp. Hiện tại con cháu họ đều đang sinh sống và làm việc ở TPHCM.
Căn nhà được treo biển "Phủ thờ nhà họ Lâm", bên trong còn có một số biển hiệu khác như: "Nơi thờ tự tôn nghiêm, Nhà hương hỏa". Khuôn viên nhà gắn liền với vườn, có hai cửa hậu thông ra phía sau, sân trước rộng có lát gạch tàu, phối cảnh đầy đủ chậu kiểng, cổng tam quan, bàn thờ Thiên...
Bên trong các mặt tường đều bị rêu phủ kín.
Lãnh đạo quận Ninh Kiều (Cần Thơ) cho biết, căn nhà trên thuộc sở hữu cá nhân, không phải di tích. Do hộ gia đình này không sống ở đây nhiều năm liền nên cây cối mọc hoang, vắng người dọn dẹp.
Mỗi buổi sáng, xung quanh căn nhà có rất nhiều người dân đến ăn sáng, uống cà phê.
Câu chuyện về Thiếu tá tình báo, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lâm Thị Phấn
Bà Lâm Thị Phấn sinh năm 1918, trong một gia đình học thức thuộc dòng họ Lâm tại Cần Thơ. Cha bà là ông Lâm Văn Phận - Hiệu trưởng một trường Trung học nổi tiếng thời Pháp thuộc.
Dù lớn lên trong gia đình học thức, vừa có tài, vừa có sắc nhưng bà Phấn cũng không thoát khỏi cảnh "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy", bà được gia đình sắp xếp cho kết hôn với anh họ của Công tử Bạc Liêu. Vì tính cách ăn chơi của chồng, bà Phấn thoát ly khỏi cuộc hôn nhân này không lâu sau đó.
Sau khi được tự do, "Người đẹp Tây Đô" đấu tranh mạnh mẽ cho phong trào giải phóng phụ nữ, rồi tham gia hoạt động cách mạng. Nhờ ngoại hình xinh đẹp, ưu tú, thông minh, bà được quân đội Pháp tin tưởng giao nhiệm vụ, ưu ái gọi là Thần Vệ Nữ phương Đông.
Hoạt động tình báo một thời gian, bà Phấn bén duyên với ông Trần Hiến - một phiên dịch viên của quân Pháp. Ông Hiến sau này cũng cùng vợ hoạt động cách mạng. Năm 1954, vợ chồng bà tập kết ra Bắc. Tại đây, bà lấy bằng Đại học Kinh tế rồi sang Liên Xô học ngành Tình báo.
Năm 1962, "Người đẹp Tây Đô" trở về miền Nam và được giao nhiều nhiệm vụ tình báo quan trọng.
Sau ngày miền Nam giải phóng, bà Lâm Thị Phấn được điều về Quân Khu 9. Bà Phấn nghỉ hưu năm 1984. Bà mất tại Cần Thơ năm 2010.