4 chiêu trò lừa đảo mạo danh đang được kẻ xấu sử dụng tấn công người dùng
Cuộc sống số - Ngày đăng : 08:20, 30/09/2024
Liên tục trong chuỗi 'Điểm tin tuần' tình hình lừa đảo trực tuyến được Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) thực hiện định kỳ từ tháng 11/2023 đến nay, hầu như tháng nào cơ quan này cũng đều có cảnh báo về hình thức lừa đảo mạo danh của các đối nhóm lừa đảo cả trên không gian mạng Việt Nam và thế giới.
Clip truyền thông của Cục An toàn thông tin và Meta về phòng chống lừa đảo mạo danh, có sự tham gia của MC Khánh Vy. Nguồn: NCSC
Cùng với lừa đảo đầu tư, lừa đảo việc làm, lừa đảo tài chính, lừa đảo cho vay và lừa đảo xổ số, lừa đảo mạo danh cũng được Cục An toàn thông tin nhận định là một ‘điểm nóng’ lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng Việt Nam. Vì thế, việc giúp người dân có kỹ năng nhận diện và phòng tránh các chiêu trò lừa đảo mạo danh là một mục tiêu hướng tới của các giải pháp truyền thông đang được Cục An toàn thông tin cùng các đơn vị liên quan tập trung triển khai.
Dưới đây là thông tin nổi bật về các chiêu trò lừa đảo mạo danh được đối tượng xấu sử dụng để chiếm đoạt tài sản người dùng trong tuần từ ngày 23/9 đến 29/9, vừa được Cục An toàn thông tin cảnh báo.
Giả mạo văn bản Sở Y tế TPHCM để lừa cơ sở kinh doanh
Mới đây, một số đối tượng lừa đảo liên hệ với chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại TPHCM, yêu cầu kết bạn qua Zalo để thông báo về đợt kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm của Sở Y tế thành phố. Sau khi kết bạn Zalo, các đối tượng gửi cho nạn nhân các tài liệu mạo danh Sở Y tế TPHCM gồm quyết định, thông báo giả mạo về việc thành lập đoàn kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh thực phẩm. Ngoài ra, để tăng tính thuyết phục, đối tượng lừa đảo còn dùng các mẫu văn bản có hình thức tương tự tài liệu của cơ quan nhà nước.
Cục An toàn thông tin lưu ý, với hình thức lừa đảo kể trên, đối tượng thường giả danh cán bộ nhà nước để liên hệ thông báo rằng nạn nhân có liên quan đến vụ vi phạm pháp luật hoặc cần kiểm tra giấy tờ liên quan. Đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, giấy tờ và thậm chí là cả số tài khoản ngân hàng để phục vụ quá trình điều tra; từ đó lừa chiếm đoạt thông tin, tài sản.
Khuyên người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, Cục An toàn thông tin cũng khuyến nghị chủ cơ sở kinh doanh khi gặp trường hợp trên, cần liên hệ trực tiếp với cơ quan nhà nước, Sở Y tế để xác minh thông tin. Người dân cũng cần theo dõi thông báo chính thức của cơ quan chức năng qua các kênh uy tín để nắm rõ những chương trình, chính sách, yêu cầu từ Nhà nước. Đồng thời, không truy cập vào các website có đường dẫn lạ, không cung cấp thông tin cá nhân khi chưa xác thực tính chính thống của trang web.
Mạo danh các nhãn hàng tạo chương trình ‘Tặng quà tri ân’ giả
Lợi dụng khoảng thời gian gần kề Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, gần đây trên không gian mạng Việt Nam, một số đối tượng đã sử dụng thủ đoạn lừa đảo qua việc tạo chương trình ‘Tặng quà tri ân’ mạo danh nhãn hàng, thương hiệu lớn. Thực tế, do tin theo quảng cáo trên tài khoản Facebook giả mạo về chương trình tặng quà 20/10, 1 phụ nữ sống tại quận Tây Hồ (Hà Nội) đã bị lừa 50 triệu đồng.
Theo Cục An toàn thông tin, thủ đoạn chung của các đối tượng là thông báo người dùng trúng giải thưởng lớn, hoặc có cơ hội nhận quà tri ân của tổ chức, công ty lớn, hay những nhãn hàng nổi tiếng. Các đối tượng lừa đảo sau đó sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân và chuyển khoản phí vận chuyển, thuế để nhận quà tặng, giải thưởng.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân thận trọng khi nhận được những tin nhắn, cuộc gọi thông báo trúng thưởng hoặc mời tham gia chương trình tri ân khách hàng miễn phí. Người dân cần chủ động tìm hiểu và kiểm tra, xác minh danh tính đối tượng bằng cách liên hệ qua các trang thông tin chính thống; không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm dưới bất kỳ hình thức nào; không làm theo hướng dẫn, nhất là không giao dịch chuyển tiền cho đối tượng lạ; đồng thời không truy cập vào các đường dẫn lạ.
Mạo danh hàng loạt khách sạn tại Nha Trang để lừa chiếm đoạt tài sản
Nhiều khách sạn tại Nha Trang (Khánh Hòa) mới đây đã phản ánh việc họ bị các đối tượng lừa đảo mạo danh trên mạng xã hội Facebook để chiếm đoạt tiền đặt cọc của du khách. Đơn cử, trong tháng 8/2024, Sở Du lịch Khánh Hòa đã nhận được phản ánh tài khoản Facebook tên “Thảo Cherry” thường xuyên đăng bài viết liên quan đến khách sạn, nghỉ dưỡng, nhận tiền đặt cọc của du khách và sau đó chặn liên lạc với khách. Nhiều trường hợp phản ánh đã bị đối tượng này lừa đến hàng chục triệu đồng.
Thông tin thêm về chiêu trò lừa đảo trên, Cục An toàn thông tin cho hay, các đối tượng thường tạo lập các tài khoản mạng xã hội giả mạo, tự xưng là nhân viên của khách sạn uy tín và liên hệ với nạn nhân qua điện thoại, email. Chúng thường yêu cầu xác nhận thông tin đặt phòng hoặc thông báo về các gói khuyến mãi hấp dẫn như giảm giá lớn, phòng miễn phí, hay nâng cấp hạng phòng. Tiếp đó, đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, số thẻ tín dụng hoặc chuyển khoản đặt cọc để giữ chỗ.
Ngoài ra, các đối tượng còn tạo những website, trang mạng xã hội giả mạo có giao diện giống hệt các khách sạn nổi tiếng. Những trang này thường cung cấp các ưu đãi quá hấp dẫn như phòng nghỉ giá rẻ, voucher giảm giá cao. Khi nạn nhân đặt phòng hoặc mua voucher, đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân chuyển tiền.
Cục An toàn thông tin đề nghị, không chỉ người dân mà cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng cần nâng cao cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn lừa đảo. Các du khách cũng cần lưu ý: Kiểm tra kỹ đường dẫn của website để đảm bảo đó là trang web chính thức; chỉ đặt phòng qua các kênh uy tín hoặc từ website chính thức của khách sạn; xác minh thông tin từ các nguồn chính thức, không tin tưởng những thông báo hoặc kênh thông tin không rõ ràng; không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng cho bất kỳ ai; thiết lập xác thực 2 yếu tố cho tài khoản trực tuyến và cập nhật mật khẩu thường xuyên.
Cảnh giác thủ đoạn mạo danh để lừa đảo tình cảm, chiếm đoạt tài sản
Hình thức lừa đảo tình cảm, dẫn dụ nạn nhân chuyển tiền nhằm chiếm đoạt tài sản không còn xa lạ. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nạn nhân bị ‘sập bẫy’ do thủ đoạn lừa đảo luôn được các đối tượng làm mới. Gần đây, tại Ấn Độ đã xuất hiện vụ việc người dân bị đối tượng giả mạo bác sĩ phẫu thuật ung thư để chủ động làm quen, từ đó lừa chiếm đoạt tài sản.
Với các vụ việc mới xuất hiện, kẻ lừa đảo chủ yếu nhắm tới đối tượng là mẹ đơn thân, hay những phụ nữ thiếu thốn tình cảm, thường xuyên tương tác trong các diễn đàn, hội nhóm được lập ra với mục đích để kết bạn trên các mạng xã hội.
Đối tượng lừa đảo chủ động tiếp cận nạn nhân qua các bình luận, bài đăng trên mạng xã hội, sau đó trao đổi thông tin tài khoản WhatsApp để tiện làm quen, tìm hiểu. Quá trình trò chuyện, đối tượng giới thiệu mình là “cha đơn thân”, một mình nuôi con nhỏ để khơi gợi lòng trắc ẩn và sự đồng cảm của nạn nhân, khiến họ tin tưởng và chia sẻ nhiều chuyện riêng tư hơn.
Sau một thời gian tìm hiểu, đối tượng dẫn dụ nạn nhân chuyển tiền cho mình với lý do đang bị giam giữ tại sân bay vì sở hữu ngoại tệ không khai báo, phải thanh toán các khoản phí để làm thủ tục nộp phạt. Để tăng sự tin tưởng, một đồng phạm đóng giả nhân viên hải quan và liên lạc với nạn nhân, xác nhận sự việc. Các đối tượng sau đó còn liên tục thúc giục khiến nạn nhân thực hiện chuyển tiền khi chưa kịp suy nghĩ kỹ.
Cục An toàn thông tin khuyến nghị người dân nên cẩn trọng khi trò chuyện với người lạ, cần xác minh kỹ thông tin và danh tính của đối tượng; không chia sẻ những thông tin riêng tư và không chuyển tiền cho các đối tượng lạ.