Phát ngôn vạ miệng của Negav: Người trẻ thông minh sẽ khiêm tốn, khôn khéo hơn
Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 19:00, 29/09/2024
Trong đêm concert 1 của Anh trai say hi, sau tiết mục Tình đầu quá chén, rapper Negav nhắn gửi tới mẹ: "Mẹ ơi, mẹ thấy quyết định cho con nghỉ học đúng chưa?" trước 20.000 khán giả.
Phát ngôn gây tranh cãi vì bị cho là cổ xúy nghỉ học, có thể ảnh hưởng xấu tới khán giả trẻ. Trên mạng xã hội, nhiều KOLs, Facebooker nêu quan điểm về đề tài này.
Nhà báo Dương Trí Toàn đăng bài viết với tiêu đề Nghỉ học đại học đúng hay sai? như sau:
"Câu chuyện cháu Negav lỡ miệng trong đêm concert Anh trai say hi tối qua: 'Mẹ thấy đúng khi cho con nghỉ học chưa?', đã tạo ra cuộc tranh cãi ầm ĩ trên mạng.
Nó khiến công sức của 30 anh ca sĩ cao to đẹp trai nhất showbiz Việt trôi tuột hết, chỉ còn mỗi câu chuyện Negav bỏ học mà thôi.
Vậy Negav đúng hay sai? Tất nhiên cậu ta không sai, ở tuổi 21 có thể cậu ta nghĩ như vậy thật và con đường đại học không phải là duy nhất để chúng ta vào đời và thành công.
Nhưng tôi tin là Negav không có ý nói người ta không cần học mà trở thành idol giới trẻ được. Ít nhất cậu ta biết rõ tạo ra một bài hát Top 1 Trending tốn bao nhiêu tiền. Cậu ta chỉ đỡ mệt hơn các bạn cùng trang lứa là chưa phải kiếm để tiêu. Coi như cậu ta ứng trước tiền của bố mẹ để đầu tư cho sự nghiệp âm nhạc.
Nhưng tất nhiên cậu ta cũng không đúng. Vì cậu ta mới chỉ có chút ít thành công trong một mảng nhỏ xíu của âm nhạc là Rap. Mà trong âm nhạc không chỉ có Rap, trong nghệ thuật không chỉ có âm nhạc, trong cuộc đời không chỉ có nghệ thuật.
Học là việc của cả đời người và nếu tuổi trẻ rực rỡ nhất mà bạn còn trốn học thì sẽ phải chôn vùi tuổi già trong sự tự ti và lúng túng.
Rõ ràng chẳng ai học được hết và giỏi hết mọi thứ nhưng nếu là một đứa trẻ thông minh, nó sẽ biết cách khiêm tốn và khéo léo hơn để biểu đạt được ý mình. Nhưng, vì Negav vẫn còn là một đứa trẻ chưa thực sự trưởng thành nên phát ngôn đó có thể coi là 'vạ miệng' và chúng ta nên chờ cho cậu bé ấy từng ngày lớn khôn lên.
Tự dưng tối qua lại đọc được một câu này trên mạng của Miêu Công Tử và muốn dành tặng cho các bạn trẻ còn ít nhiều lầm lẫn đầu đời: “Rồi sẽ có một ngày bạn hiểu ra rằng, việc học quan trọng hơn tất cả mọi thứ khác.
Bạn phải mạnh mẽ vượt qua ham muốn cá nhân, học được cách sống chung với cô đơn và ép bản thân tạo ra tiềm lực mạnh mẽ nhất, bởi sẽ chẳng có ai chịu chi tiền cho tương lai của bạn đâu. Nếu bạn không nỗ lực để leo cao, vậy bạn sẽ chỉ là một kẻ tầm thường vô giá trị mà thôi" - trích Trở thành phiên bản điểm tĩnh hơn".
Rapper Negav. Ảnh: NSX "Anh trai say hi"
Nhà sản xuất phim Huỳnh Đắc Thọ nêu quan điểm: "Không phải ai cũng đủ khả năng học đại học. Đủ khả năng ở đây cũng không phải giỏi hay dở mà là chính bản thân người đó có phù hợp để học đại học hay không. Đặc biệt là ở môi trường giáo dục từ lúc nhỏ không mang tính hướng nghiệp, nhiều học sinh hoang mang đặt câu hỏi “Sao tôi phải đi học những ngành mà mình không thích?” hay “Học xong sau này ra làm gì?”.
Thế nên, thực sự việc có học đại học không quan trọng hơn việc học đại học. Lựa chọn đúng hay sai chỗ này sẽ dẫn bạn đến một tương lai hạnh phúc hay không và mất bao nhiêu thời gian để đạt được hạnh phúc. Không ít người cố gắng học “cho xong tấm bằng” như mong ước của cha mẹ sau đó mới học thêm ngành mình mong muốn hoặc đối diện với việc không xin được việc làm hậu đại học, phải đi du học, hoặc tệ hơn là trượt dài trong chuỗi ngày hối hận. Những hậu quả đó tất nhiên không phải từ việc đi học đại học mà là ở lựa chọn sai việc có đi học hay không.
Chắc ít người biết, tôi từng học ngành Khoa học môi trường của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Từ học kỳ đầu tiên, tôi đã nhận ra không nên đi học ngành đó. Nhưng tâm lý “Lỡ rồi, cố thôi 4 năm là xong” khiến tôi cố đấm ăn xôi. Đến lúc nào đó, tôi cảm thấy tại sao phải cố làm gì.
Khi có lời mời công việc vào năm thứ 3, tôi đã nói chuyện với gia đình để đi làm đến tận bây giờ. Tôi đã đi làm 11 năm mà không có bằng đại học. Ở những nơi tôi đã và đang làm đều là được mời về làm. Tôi nghĩ thành công đang có đủ khiến mình được tự hào về lựa chọn mà năm đó từng bị ngăn cản.
Và cảm giác đó nếu được nói ra sẽ giống như khi Negav hét lên với mẹ nó trên sân khấu hôm qua. Chắc chắn không phải cổ xuý mà chỉ đơn giản là một câu trả lời cho người lớn, rằng: Đó, lúc đó đối với mọi người có thể con sai nhưng thực ra con cũng đâu có sai đúng không?
Mục đích sau cùng của học không phải bằng cấp trong xã hội, cũng chưa hẳn để có công ăn việc làm trong cuộc sống mà để bản thân được hoàn thiện. Đã là "bản thân" thì không còn một câu trả lời chung nữa.
Nghệ sĩ luôn là những cá thể mang tính cá nhân rất cao dù họ đại diện cộng đồng. Thế nên cảm xúc vượt khỏi những hàng rào kiểu công thức đến cùng cũng chỉ là cảm xúc của họ. Người xưa hay nói “đọc sách thánh hiền”, càng ăn học nhiều càng nên thấu đáo và bao dung".
Theo VietNamNet