Tại sao "bộ 3 hạt nhân" là trụ cột an ninh quốc gia của Nga?

Quân sự thế giới - Ngày đăng : 18:21, 28/09/2024

Tuần qua, Nga đã chính thức thay đổi học thuyết hạt nhân với việc mở rộng quy định sử dụng vũ khí nguyên tử lên các đối thủ tiềm năng.

Bước đi của Moscow đã nhận được sự quan tâm lớn khi Liên Xô trước đây và nước Nga hiện tại luôn là một siêu cường hạt nhân có đủ năng lực hủy diệt bề mặt trái đất nhiều lần dù đã bị ràng buộc bởi những hiệp ước quốc tế.

Trong chiến tranh hạt nhân sẽ không có người thắng cuộc. Ảnh: Topwar

Cốt lõi sức mạnh hạt nhân của Nga chính là “bộ ba hạt nhân”, bao gồm các lực lượng vận chuyển chiến lược trên bộ, trên không, trên biển và hàng nghìn đầu đạn hạt nhân chúng mang theo. Vậy sức mạnh thực sự “bộ ba hạt nhân” của Nga hiện tại là gì?

ICBM thế hệ mới và thiết bị lượn siêu vượt âm tương lai

Một trong những trụ cột chính trong “bộ ba hạt nhân” chính là Lực lượng tên lửa chiến lược với hạt nhân là các dòng tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-20M Voevoda, RS-18A, RS-12M2 Topol-M, RS-24 Yars và RS-28 Sarmat.

Theo thông báo từ Bộ Quốc phòng Nga, khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) chiến lược hiện là 99%, trong đó hơn 90% có thể thực hiện đòn tấn công chiến lược gần như ngay lập tức.

Thiết bị lượn siêu vượt âm Avangard được nạp vào giếng phóng cùng với tên lửa đẩy. Ảnh: Topwar

Trong khi các tổ hợp ICBM RS-12M2 Topol-M, RS-24 Yars đóng vai trò như lực lượng tấn công phủ đầu với khả năng cơ động cao trên khung gầm xe siêu trọng, thì các ICBM hạng nặng đặt trong giếng phóng như RS-28 Sarmat hay RS-20M là nắm đấm chủ lực hủy diệt đối phương kể cả các căn cứ nằm sâu dưới lòng đất.

Trong trường hợp chiến tranh hạt nhân xảy ra, các đơn vị Topol-M và Yars sẽ cơ động liên tục và ngụy trang để tránh các phương tiện trinh sát của đối phương. Việc xác định vị trí của các bệ phóng ICBM cơ động trên lãnh thổ rộng lớn của Nga là việc làm gần như bất khả thi. Ngoài ra, công nghệ đầu đạn có khả năng tự thay đổi quỹ đạo bay của tổ hợp ICBM Yars khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa trở thành đồ vô dụng.

Đặc biệt, ICBM Sarmat với khả năng trang bị các thiết bị lượn siêu vượt âm Avangard mang đầu đạn hạch tâm có sức công phá nhiều Megaton, có thể né tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa đối phương để giáng đòn tấn công chiến lược không thể ngăn cản. Hiện tại, trên thế giới không có hệ thống phòng thủ tên lửa nào có đủ khả năng ngăn chặn cặp đôi vũ khí chiến lược này của Nga.

Sức mạnh hủy diệt đến từ bầu trời

Nếu ICBM là những đòn tấn công chủ lực, thì máy bay ném bom tầm xa với tên lửa hành trình và tên lửa siêu vượt âm chính là đòn tấn công hạt nhân nhanh của quân đội Nga.

Các phi đội máy bay ném bom Tu-160M, Tu-95MS từ các căn cứ không quân chiến lược như Ukrainka, Engels và Shaykovka có thể tung đòn tấn công hủy diệt. Sức mạnh tấn công của chúng là các dòng tên lửa Kh-102 (phiên bản trang bị đầu đạn hạt nhân của tên lửa Kh-101) với tầm bắn lên tới 4.000km. Khi được kết hợp với các máy bay ném bom có tầm hoạt động tới 10.000km thì bất kỳ địa điểm nào trên trái đất đều nằm trong tầm bắn.

Máy bay ném bom tầm xa Tu-160M với khả năng tấn công hạt nhân mạnh mẽ bằng tên lửa hành trình. Ảnh: Lenta

Năng lực này còn được nâng lên đáng kể với dòng máy bay ném bom tương lai PAK DA và tên lửa siêu vượt âm Kinzhal. Thực tế chiến trường đã chứng minh, không hệ thống vũ khí phòng thủ tên lửa nào có thể đối phó hiệu quả với tên lửa siêu vượt âm của Nga. Những đòn tấn công chính xác bằng tên lửa Kinzhal mang đầu đạn hạt nhân sẽ là cơn ác mộng với đối phương.

Cùng với đó, các đơn vị máy bay ném bom siêu âm Tu-22M4 với 24 tấn vũ khí mang theo, tốc độ bay tới 2.300km/giờ, có khả năng tung các đòn tấn công chết chóc ở khoảng cách hàng nghìn km. Tu-22M4 trong tương lai có thể là những bệ phóng tên lửa Kinzhal để “nối tầm” loại vũ khí không đối đất không có đối thủ này.

Có thể hủy diệt một đất nước với một nút bấm

Thành phần cuối cùng của “bộ ba hạt nhân” Nga là các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa chiến lược. Hải quân Nga hiện có hàng chục tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa chiến lược đang hoạt động trên các đại dương.

Xương sống của hệ thống răn đe hạt nhân hải quân Nga chính là các tàu ngầm đồ án 955 Borey/Borey-A mang tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Bulava có trong biên chế Hạm đội Biển Bắc và Thái Bình Dương. Với 16 tàu ngầm lớp Borey/Borey-A, Hải quân Nga thực tế có khả năng hủy diệt cả một lục địa khi tất cả SLBM được phóng đi.

Trang bị chính của mỗi tàu ngầm lớp Borey là 16 SLBM R-56 Bulava. Có trọng lượng gần 40 tấn, tầm bắn 8.000km và chở theo 10 đầu đạn hạt nhân có khả năng tự dẫn, mỗi tên lửa Bulava có khả năng hủy diệt kinh hoàng. Giới chuyên gia quân sự tính toán, một tàu ngầm lớp Borey/Borey-A có đủ khả năng hủy diệt diện tích tương đương lãnh thổ nước Pháp.

SLBM R-56 Bulava phóng từ tàu ngầm lớp Borey. Ảnh: Topwar

Điểm đặc biệt của tàu ngầm lớp Borey là khả năng tấn công bất ngờ từ biển sâu. Tàu ngầm được thiết kế để phóng tên lửa Bulava dưới mặt nước khiến đối phương bất ngờ.

Có thể nói chính “bộ ba hạt nhân” đã đảm bảo an ninh chiến lược của nước Nga trong nhiều thập kỷ qua. Bất kỳ đối thủ nào trước khi muốn gây chiến đều phải cân nhắc tới “làn ranh đỏ” trong học thuyết hạt nhân của Moscow.

TUẤN SƠN (tổng hợp theo TASS, Lenta)