Điểm tin Kinh doanh 28/9: Giá vàng: Vàng PNJ tăng mạnh

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 28/09/2024

Chinh phục bất thành, VN-Index đảo chiều sau khi chạm mốc 1.300 điểm; Vì sao Novaland lỗ đậm hơn 7.327 tỉ đồng
gia-usd-nam-khanh-12505.jpg

- Giá vàng: Vàng PNJ tăng mạnh

Giá vàng 27/9 ở thị trường trong nước, giá vàng PNJ tăng 400 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào, 100 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra; vàng Phú Quý tăng 200 nghìn đồng lượng ở chiều mua vào.

Vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng: 81,5 triệu đồng/lượng mua vào, 83,5 triệu đồng/lượng bán ra.

Vàng SJC Phú Quý: 81,7 triệu đồng/lượng mua vào (tăng 200 nghìn đồng/lượng), 83,5 triệu đồng/lượng bán ra (bằng giá hôm 26/9 ở cả 2 chiều).

Vàng DOJI tại Hà Nội và DOJI tại TP Hồ Chí Minh: 81,5 triệu đồng/lượng mua vào, 83,5 triệu đồng/lượng bán ra.

Vàng nhẫn PNJ tại TP Hồ Chí Minh và vàng PNJ tại Hà Nội: 82,5 triệu đồng/lượng mua vào (tăng 400 nghìn đồng/lượng so với hôm qua), 83,3 triệu đồng/lượng bán ra ( tăng 100 nghìn đồng/lượng so với hôm 26/9).

Vàng nhẫn tròn trơn tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu được doanh nghiệp giao dịch ở mức 82,54 triệu đồng/lượng mua vào, 83,44 triệu đồng/lượng bán ra.

Cùng thời điểm, giá vàng thế giới tiếp tục tăng lên mức 2.672 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá hiện hành, giá vàng thế giới gần 78 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế phí.

- Vì sao Novaland lỗ đậm hơn 7.327 tỉ đồng

Novaland đã trích lập dự phòng hơn 4.358 tỉ đồng theo thông báo thuế (8-1-2021) của cơ quan thuế tại dự án Lakeview City (TP Thủ Đức) nên tổng số ghi nhận lỗ 7.327 tỉ đồng.

Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland- NVL) vừa công bố Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 với con số lỗ ghi nhận 7.327 tỉ đồng.

Theo đó, Báo cáo tài chính bán niên 2024 sau soát xét của Novaland ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất 3.731 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu thuần từ bán hàng đạt gần 1.891 tỉđồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái, được ghi nhận từ việc bàn giao tại các dự án như: NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram, Aqua City, Palm City... Còn doanh thu thuần từ cung cấp dịch vụ đạt 393 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Novaland trong 6 tháng đầu năm 2024 ghi nhận lỗ 7.327 tỉ đồng, trong khi báo cáo tài chính tự lập với lợi nhuận 345 tỉ đồng.

Novaland cho rằng sự chênh lệch lợi nhuận chủ yếu từ việc yêu cầu trích lập dự phòng cho kỳ báo cáo hiện tại theo quan điểm riêng của đơn vị kiểm toán. Trong đó phần lớn đến từ khoản trích lập dự phòng tiền thuê đất, tiền sử dụng đất phải nộp tính theo phương án giá đất năm 2017 của dự án hơn 30,10 ha Nam Rạch Chiếc (TP Thủ Đức- TP HCM). Cụ thể là tại dự án Lakeview City, do chủ đầu tư là Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21, là công ty có liên quan đến Novaland. Thông báo này của cơ quan thuế từ 8-1-2021. Giá trị trích lập dự phòng với khoản phải nộp này là 4.358 tỉ đồng.

- Chinh phục bất thành, VN-Index đảo chiều sau khi chạm mốc 1.300 điểm

Điểm sáng của phiên giao dịch ngày 27/9 là khối ngoại tiếp tục mua ròng, nối dài chuỗi 3 phiên liên tiếp giải ngân vào thị trường.

Trước đó, VN-Index kết phiên 26/9 ở mức 1291,49 điểm, tăng 0,31% khối lượng giao dịch giảm nhẹ 1,57% và bằng 130% mức trung bình. Như vậy, chỉ số tiếp tục hướng đến mốc 1.300 điểm trong những ngày cuối quý III/2024 - thời điểm nhiều quỹ đầu tư sẽ chốt giá trị tài sản ròng.

Bước sang phiên giao dịch ngày 27/9, tâm lý nhà đầu tư vẫn tỏ ra tương đối hưng phấn đặc biệt ở nhóm ngân hàng và điều này giúp tiếp tục kéo các chỉ số đi lên.

Có thời điểm VN-Index chạm mốc 1.300 điểm nhưng ngày sau đó, áp lực bán được kích hoạt và điều này khiến các chỉ số thu hẹp đáng kể đà tăng. Diễn biến rung lắc trở nên mạnh hơn vào phiên chiều và chỉ số chính VN-Index đóng cửa trong sắc đỏ.

Tâm điểm của sự chú ý trong phiên hôm nay tập trung vào nhóm cổ phiếu ngân hàng khi dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào. TPB, SHB và VPB là ba cổ phiếu ngân hàng gây sự chú ý lớn nhất ở phiên sáng khi đồng loạt tăng giá mạnh. Có thời điểm, SHB tăng đến gần 4,7%, TPB sau phiên bứt phá hôm qua cũng có lúc tăng đến 3,3%. Còn đối với VPB, cổ phiếu này giao dịch sôi động và có thời điểm tăng đến 2,8%. Tuy nhiên, áp lực chốt lời quá mạnh đều khiến các cổ phiếu này thu hẹp đà tăng. Chốt phiên, VPB tăng 0,77%, TPB tăng 1,5% và SHB tăng 2,33%.

Trong khi đó, STB lại là cổ phiếu ngân hàng gây chú ý nhất ở phiên chiều khi nhận được lực cầu mạnh ở khoảng thời gian cuối phiên. Đóng cửa phiên giao dịch, STB tăng 2,6% và khớp lệnh hơn 22 triệu đơn vị.

CTG là cổ phiếu có tác động tích cực nhất đến VN-Index khi đóng góp 0,78 điểm. Chốt phiên, CTG tăng 1,65% và khớp lệnh 15,6 triệu đơn vị. 7 cổ phiếu tác động tích cực nhất đến VN-Index phiên hôm nay đều thuộc nhóm ngân hàng. Một số cổ phiếu thuộc nhóm chứng khoán và bất động sản cũng biến động tương đối tích cực, trong đó, MBS tăng 1,6%, DXG tăng 1,5%, AGR tăng 1%...

Ở chiều ngược lại, khá nhiều các cổ phiếu lớn giảm giá và gây áp lực mạnh lên thị trường chung. VHM giảm 2,25% và lấy đi của VN-Index đến 1,06 điểm. GVR giảm 1,1% và cũng lấy đi 0,39 điểm của chỉ số này. Các mã như GAS, MWG, PLX, BCM… cũng có biến động không tốt ở phiên hôm nay.

Tại nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, HDG bất ngờ giảm đến 2,25% dù có thời điểm tăng gần 2,3% trong phiên. Hàng loạt các mã như PVD, DBC, DCM… đều chìm trong sắc đỏ.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 0,57 điểm (-0,04%) xuống 290,92 điểm. Toàn sàn có 148 mã tăng, 228 mã giảm và 95 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,21 điểm (-0,09%) xuống 235,71 điểm. Toàn sàn có 63 mã tăng, 92 mã giảm và 65 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,4 điểm (0,43%) lên 93,9 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 951 triệu cổ phiếu, trị giá 21.562 tỷ đồng, tương đương với mức hôm qua, trong đó, giá trị giao dịch thỏa thuận chiếm 2.266 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM lần lượt là 1.736 tỷ đồng và 740 tỷ đồng.

VPB đứng đầu giá trị giao dịch toàn thị trường với 1.247 tỷ đồng. Tiếp sau đó, TPB giao dịch 1.017 tỷ đồng. Tương tự, về giá trị giao dịch, cổ phiếu của VPBank và TPBank tiếp tục dẫn đầu và cán mốc thanh khoản nghìn tỷ đồng.

Khối ngoại nối dài chuỗi mua ròng. Trong 8/10 phiên gần đây, lực mua thắng thế trong nhóm các nhà đầu tư nước ngoài. Giá trị mua ròng trong phiên đạt 228 tỷ đồng, thấp hơn phiên hôm qua.

FPT dẫn Trong đó, FPT là cổ phiếu được khối ngoại săn mua nhiều nhất với giá trị mua ròng trên trăm tỷ đồng. Nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn cũng được tập trung mua như TPB (95 tỷ đồng), VNM (79 tỷ đồng), SSI (61 tỷ đồng), CTG (43 tỷ đồng)... Ở chiều ngược lại, lực bán chủ yếu ở 3 cổ phiếu gồm VPB (161 tỷ đồng), HPG (73 tỷ đồng), MWG (67 tỷ đồng). VPB bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất nhưng vẫn giữ được sắc xanh.

gia-vang-21-9.jpg

- Igloo chia sẻ chiến lược để thu hút Gen Z và thúc đẩy sự thâm nhập bảo hiểm tại Việt Nam

Thế hệ Gen Z tại Việt Nam đang dần trở thành một nhóm khách hàng quan trọng trong lĩnh vực bảo hiểm. Chiếm khoảng 25% lực lượng lao động cả nước, nhóm này không chỉ là thị trường tiềm năng mà còn là những người quản lý tài chính chủ động và thông minh. Tuy nhiên, các sản phẩm bảo hiểm truyền thống hiện đang gặp khó khăn trong việc thu hút họ do sự phức tạp và thiếu tính cá nhân hóa.

Là một trong những công ty Insurtech, Igloo đang triển khai nhiều chiến lược sáng tạo nhằm thay đổi cách mà Gen Z tiếp cận bảo hiểm, bao gồm: đơn giản hóa bảo hiểm để đảm bảo tính chi trả, cũng như áp dụng yếu tố game hóa để làm cho bảo hiểm trở nên hấp dẫn và có giá trị hơn.

Các sản phẩm bảo hiểm vi mô, được thiết kế với mức phí bảo hiểm phải chăng và phạm vi bảo hiểm cụ thể, đã chứng minh được sức hấp dẫn đặc biệt với Gen Z - những cá nhân mới bắt đầu sự nghiệp và tìm kiếm sự bảo vệ tài chính mà không muốn phải chịu gánh nặng chi phí cao.

Bảo hiểm vi mô cung cấp phạm vi bảo hiểm cho các rủi ro cụ thể, quy mô nhỏ hơn với mức giá phải chăng, đặc biệt hấp dẫn đối với Gen Z, những người có thể không có nguồn tài chính đáng kể nhưng vẫn mong muốn được bảo vệ. Tại Việt Nam, Igloo cung cấp các sản phẩm bảo hiểm tích hợp bên cạnh bảo hiểm truyền thống đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng như bảo hiểm du lịch, bảo hiểm mua hàng trực tuyến, bảo hiểm điện thoại di động và màn hình điện thoại.

Việc kết hợp bảo hiểm vào các sản phẩm có liên quan sẽ nâng cao nhận thức về giá trị của bảo hiểm cũng như sự phù hợp đối với Gen Z. Các công ty bảo hiểm có thể tích hợp các tùy chọn bảo hiểm vào ví kỹ thuật số hoặc ứng dụng thanh toán, giúp Gen Z có thể mua bảo hiểm dễ dàng hơn.

Ví dụ, Igloo đã hợp tác với các công ty công nghệ tài chính lớn của Việt Nam như ZaloPay, ShopeePay, LOTTE Finance,… và chuỗi cửa hàng tiện lợi Circle K, giúp đưa bảo hiểm đến gần hơn với người tiêu dùng trẻ tuổi, biến nó thành một phần tự nhiên trong các giao dịch hàng ngày của họ.

- Giá USD thị trường tự do tăng vượt mốc 25.000 đồng

Hôm nay, tỷ giá tại các ngân hàng đã quay đầu giảm, tuy nhiên thị trường tự do tăng vọt thêm 110 đồng mỗi USD.

Theo công bố của NHNN, tỷ giá trung tâm cặp đồng tiền VND/USD được áp dụng trong ngày 27-9 ở mức 24.118 đồng/USD, tăng 13 đồng so với phiên trước. Với biên độ +/-5% theo quy định, tỷ giá sàn là 22.912 đồng/USD, tỷ giá trần là 25.445 đồng/USD.

Tuy nhiên, tỷ giá tại nhiều ngân hàng lại quay đầu giảm trong phiên hôm nay sau khi tăng mạnh trong phiên trước, mất mốc 24.800 đồng/USD.

Cụ thể cuối phiên hôm nay, giá USD tại Vietcombank ở mức 24.390 - 24.760 đồng/USD (mua vào - bán ra), tương ứng giảm 40 đồng chiều mua và bán so với chốt phiên liền trước.

BIDV cũng giảm 20 đồng cả hai chiều, xuống mức 24.430 - 24.770 đồng/USD. Giá USD của Vietinbank chiều nay ở mức 24.280 - 24.780, giảm 20 đồng cả hai chiều so với chốt phiên trước. Tương tự, giá mua bán USD tại ACB xuống mức 24.420 - 24.780 đồng/USD, giảm 10 đồng.

Đáng chú ý thị trường tự do hôm nay chứng kiến đà tăng mạnh của giá USD. Cụ thể, chiều mua và chiều bán cùng tăng 110 đồng. Mỗi USD trên thị trường tự do được mua bán ở mức 25.110 - 25.210 đồng. Trước đó, giá USD trên thị trường tự do từng giảm về mức 24.900 - 25.000 đồng/USD vào ngày 16-9.

- Bảo hiểm bồi thường hơn 9.000 tỷ đồng thiệt hại do bão số 3

Doanh nghiệp bảo hiểm ước tính số tiền bồi thường cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại cơn bão số 3 khoảng 9.013 tỷ đồng. Trong đó, bảo hiểm PVI bồi thường hơn 3.000 tỷ đồng, nhiều nhất trong các doanh nghiệp bảo hiểm.

Báo cáo cập nhật từ doanh nghiệp bảo hiểm gửi tới Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tính đến ngày 20/9, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ghi nhận 23 trường hợp tử vong, 6 trường hợp thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe. Tổng số tiền ước tính chi trả quyền lợi bảo hiểm khoảng 13 tỷ đồng.

Đối với bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm đã tiếp nhận khoảng 12.000 thông tin thiệt hại về bảo hiểm tài sản, xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe. Ước tính số tiền chi trả bồi thường cho người dân, doanh nghiệp khoảng 9.000 tỷ đồng.

Trong số doanh nghiệp bảo hiểm chi trả bồi thường cho người dân, doanh nghiệp thiệt hại do cơn bão số 3, bảo hiểm PVI bồi thường số tiền lớn nhất với hơn 3.000 tỷ đồng.

Việt Báo (Tổng hợp)