Điểm tin Kinh doanh 27/9: Giá vàng: Vàng nhẫn mua vào tăng 100.000 đồng/lượng

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 27/09/2024

Hụt hơi cuối phiên, VN-Index vẫn tăng 4 điểm; Lần đầu tiên TP.HCM tổ chức chiến dịch "Siêu LIVE hàng Việt" trên TikToK
muc-tieu-chuong-trinh-dao-tao-nganh-thuong-mai-dien-tu.jpg

- Giá vàng: Vàng nhẫn mua vào tăng 100.000 đồng/lượng

Giá vàng hôm 26/9 ở trong nước đã có sự điều chỉnh ở mặt hàng vàng nhẫn. Theo đó, vàng nhẫn PNJ đã tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Tại thời điểm 13 giờ 45 phút ngày 26/9, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 81,5 – 83,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm 25/9.

Tương tự, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 81,5 – 83,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm 25/9. Phú Quý SJC giao dịch ổn định, với mức giá 81,5 – 83,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Giá vàng nhẫn thương hiệu PNJ giao dịch ở mức 82 - 83 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Trong khi giá vàng hôm 26/9 ở trong nước tương đối ổn định thì giá vàng thế giới đã có biến động mạnh trong bối cảnh tình hình căng thẳng ở Trung Đông leo thang. Giá vàng giao ngay tăng 0,2%, lên 2.662 USD/ounce vào 0 giờ 50 phút ngày 26/9 (theo giờ Hà Nội), sau khi chạm mức cao kỷ lục 2.670,43 USD/ounce trong cùng ngày. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ chốt phiên tăng 0,3%, lên 2.684,7 USD/ounce.

Theo các nhà phân tích, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong tuần trước và được cho là có thể tiếp tục hạ 0,5 điểm phần trăm vào tháng 11 tới đã làm tăng sức hấp dẫn của vàng.

- Miễn giảm lãi vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 3

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ra chỉ thị với một loạt giải pháp cho ngành ngân hàng nhằm miễn, giảm lãi vay, cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, tiếp tục cho vay với khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 3.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ký Chỉ thị số 04/CT-NHNN về các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Đây là các giải pháp từ phía ngành ngân hàng để triển khai Nghị quyết số 143/NQ-CP của Chính phủ ngày 17-9 về khắc phục hậu quả bão số 3.

Theo đó, về mặt quản lý nhà nước, các đơn vị chuyên môn của Ngân hàng Nhà nước cần chủ động nghiên cứu những tác động, ảnh hưởng của cơn bão số 3 đến việc điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là hạn mức tín dụng, nhu cầu vốn và thanh khoản cho nền kinh tế nói chung, ngân hàng thương mại nói riêng để có các giải pháp điều hành phù hợp.

Đối với các tổ chức tín dụng, khẩn trương chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch tại 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng của bão để triển khai kịp thời với trách nhiệm cao nhất, khẩn trương nhất các giải pháp hỗ trợ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 -

Về phía các tổ chức tín dụng, cần cần tham mưu cho Thống đốc để báo cáo cấp có thẩm quyền thực hiện khoanh nợ đối với khách hàng bị thiệt hại nặng nề về vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay do hậu quả bão lũ xảy ra trên phạm vi rộng.

Thống đốc NHNN cũng đề nghị các tổ chức hiệp hội trong ngành ngân hàng tiếp tục phát huy vai trò kết nối các tổ chức tín dụng. Tạo sự đồng thuận, thống nhất giữa các ngân hàng thành viên trong triển khai các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay mới nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Đối với các tổ chức tín dụng cần khẩn trương chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch tại 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng của bão để triển khai kịp thời với trách nhiệm cao nhất, khẩn trương nhất các giải pháp hỗ trợ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Các giải pháp trước mắt là miễn giảm lãi vay cho vay khách hàng theo pháp luật hiện hành, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, khoanh nợ, cho vay mới đối với khách hàng thuộc đối tượng theo quy định.

- Nam Long bị phạt hơn nửa tỷ đồng do loạt vi phạm công bố thông tin

Ngày 23/9, UBCKNN quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với CTCP Đầu tư Nam Long (HoSE: NLG) tổng số tiền 505 triệu đồng.

Thứ nhất, NLG bị phạt cảnh cáo đối với hành vi không ban hành quy chế về công bố thông tin.

Thứ hai, NLG cũng bị phạt 100 triệu đồng đối với hành vi không công bố thông tin theo quy định pháp luật.

Thứ ba, NLG bị phạt 65 triệu đồng đối với hành vi công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật.

Thứ tư, NLG bị phạt 137,5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về giao dịch với cổ đông, người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan của các đối tượng này.

Thứ năm, NLG bị phạt tiền 137,5 triệu đồng đối với hành vi không ký kết hợp đồng bằng văn bản khi tiến hành giao dịch với người có liên quan.

Thứ sau, NLG bị phạt 65 triệu đồng đối với hành vi không công bố báo cáo sử dụng vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán hoặc phát hành để thực hiện dự án đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên hoặc không thuyết minh chi tiết việc sử dụng vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán hoặc phát hành để thực hiện dự án trong báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán xác nhận.

yuanta-7180.jpg

- Hụt hơi cuối phiên, VN-Index vẫn tăng 4 điểm

Thị trường ngày 26/9 vẫn duy trì được sự hưng phấn từ phiên hôm qua (25/9) và mở cửa trong sắc xanh. Tuy nhiên, diễn biến giằng co sớm xuất hiện khi mà nhóm blue-chips ghi nhận sự phân hóa với một số cổ phiếu vốn hóa lớn giảm nhẹ, theo đó phần nào kiềm chế điểm số của VN Index.

Điểm nhấn phiên sáng thuộc về khối ngoại với giá trị mua ròng theo thống kê là cao ấn tượng sau chuỗi bán ròng kéo dài từ tháng 2 năm nay. Biên độ tăng điểm của VN-Index bất ngờ được nới rộng nhờ lực cầu mạnh mẽ hướng về nhóm ngân hàng với một số cổ phiếu ghi nhận đà tăng ấn tượng như TPB, HDB, TCB. Gần cuối phiên, áp lực chốt lời dâng cao khiến thị trường rung lắc và trượt điểm, tuy nhiên vẫn giữ được sắc xanh khi kết phiên. Khối ngoại mua ròng với tổng giá trị ròng đạt 969,09 tỷ, tập trung mua TPB, DXG, HDB. Kết phiên, VN-Index đóng cửa tại 1.291,49 điểm, tăng 4,01 điểm, tương đương 0,31%.

Phân tích kĩ thuật, Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, VN-Index kết phiên với nến Inverted hammer do áp lực bán tăng mạnh cuối phiên thể hiện sự thận trọng của nhà đầu tư khi thị trường tiệm cận vùng 1.300 điểm. Ở khung đồ thị ngày, chỉ số chung đang ở ngưỡng đỉnh cũ 1.290 điểm nên diễn biến rung lắc giằng co là điều bình thường. Hai chỉ báo RSI và MACD vẫn đang hướng lên nhưng chưa cho tín hiệu hình thành đỉnh thứ hai, tuy nhiên thị trường đang tiệm cận mốc 1303, tương đương với Fibonacci mở rộng 0.618 nên việc những biến động với biên độ lớn hơn cần được tính đến.

Ở khung đồ thị giờ, hai đường -DI và +DI đều đang ở vùng cao cho thấy nhịp tăng điểm có xác suất suy yếu, đồng thời chỉ báo RSI đang hướng xuống từ vùng cao sau khi tạo nhiều đỉnh nhỏ cho thấy áp lực bán gia tăng ở vùng quá mua. Tuy nhiên hai chỉ báo RSI và MACD hiện tại không có tín hiệu tạo phân kỳ âm nên tình hình thị trường chưa quá đáng lo ngại.

Về chiến lược giao dịch, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư không nên mua đuổi ở vùng giá cao, đặc biệt đối với những cổ phiếu đang ở đỉnh và dấu hiệu bán mạnh, hoặc chưa vượt kháng cự thành công. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì các cổ phiếu ghi nhận đà tăng tốt với dòng tiền vào mạnh và giữ được xu hướng thuộc các nhóm ngân hàng, bất động sản. Ngoài ra, các nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp rung lắc trong phiên để giải ngân từng phần ở một số nhóm ngành như dầu khí, đầu tư công.

- Lần đầu tiên TP.HCM tổ chức chiến dịch "Siêu LIVE hàng Việt" trên TikToK

TP.HCM tổ chức chiến dịch "Siêu LIVE hàng Việt" trên TikTok với sự dẫn dắt của 19 nhà sáng tạo nội dung. Đây là thông tin đưa ra tại lễ khai mạc Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành năm 2024 với chủ đề “Kết nối trách nhiệm – Hướng đến Chuỗi cung ứng xanh” tổ chức sáng ngày 26/9.

Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, để xây dựng chuỗi cung an toàn và bền vững từ nuôi trồng, thu hoạch, sơ chế, lưu trữ và chế biến… chương trình không chỉ dừng lại kết nối giữa người mua với người bán mà còn kết nối tính trách nhiệm.

Theo Sở Công Thương TP.HCM, hội nghị năm nay có nhiều hoạt động kết nối thiết thực, như: Hội nghị Sơ kết Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa; hoạt động kết nối B2B trực tiếp giữa 13 tập đoàn bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam, 4 sàn thương mại điện tử, các chợ đầu mối với các doanh nghiệp.

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên trong khuôn khổ hội nghị kết nối cung cầu, Melive Network tổ chức chiến dịch "Siêu LIVE hàng Việt" trên nền tảng TikTok, với tổng cộng 19 phiên livestream được dẫn dắt bởi 19 nhà sáng tạo nội dung.

Việt Báo (Tổng hợp)