Nữ tiến sĩ đại học top 1 Trung Quốc từng không được đi học vì khiếm thính
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 18:54, 25/09/2024
Sinh ra tại ngôi làng hẻo lánh của huyện Nghi Chương, tỉnh Hồ Nam, Giang Mộng Nam kém may mắn khi bị mất thính lực khi mới 6 tháng tuổi. Từ đây cuộc sống của cô gái nhỏ đầy rẫy những éo le.
Vượt lên nghịch cảnh
Có cha mẹ là giáo viên nên Mộng Nam được dạy dỗ bài bản theo cách đặc biệt. Cô được dạy phán đoán lời nói của người khác thông qua khẩu hình miệng. Nhờ quá trình nỗ lực của bản thân và sự hỗ trợ tận tình từ cha mẹ, Mộng Nam dù khiếm thính nhưng có thể hiểu hết những gì mọi người nói, thậm chí có thể đáp lại. Nhờ đó Mộng Nam có thể hòa nhập và sống như người bình thường.
Đến tuổi đi học, Mộng Nam được đưa đến nhiều trường ở địa phương nhưng mọi nơi đều từ chối cô. Nhiều người khuyên cha mẹ Mộng Nam đưa cô đến trường dành cho học sinh khuyết tật.
Không từ bỏ, Mộng Nam theo cha mẹ tới thêm nhiều trường khác. Cuối cùng cô được một trường tiểu học đón nhận. Không thua kém bất cứ học sinh mạnh khoẻ nào, Mộng Nam thậm chí gây bất ngờ khi nằm trong top học sinh giỏi của lớp.
Lên 12 tuổi, cô được gửi đến trường nội trú để rèn luyện khả năng sống độc lập và thích nghi với cuộc sống bình thường mà không có sự trợ giúp của cha mẹ. Nhờ đó Mộng Nam tự lập từ rất sớm.
Biết bản thân khác biệt nên Mộng Nam luôn chăm chỉ học tập, thậm chí nỗ lực gấp nhiều lần người bình thường. Tuy nhiên không phải lúc nào nỗ lực cũng được đền đáp xứng đáng. Mộng Nam mong ước được trở thành bác sĩ nhưng vì hạn chế trong giao tiếp cô không thể theo đuổi ngành y.
Từ bỏ ước mơ, Mộng Nam thi đỗ khoa dược của trường Đại học Cát Lâm, ngôi trường có tiếng ở Trung Quốc. Dù vậy cô gái quê Hồ Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Trong học tập và nghiên cứu, cô không thể theo kịp tiến độ hướng dẫn của giáo viên do lớp quá đông khiến việc quan sát khẩu hình không được thuận lợi. Trong một số hội thảo, cô gặp vấn đề tương tự khi không thể ngồi gần sân khấu để đọc được nội dung người nói.
Còn trong cuộc sống, cô luôn cố gắng sinh hoạt như bạn bè đồng trang lứa. Mộng Nam luôn tìm cách khắc phục những khó khăn trước mắt. Điển hình là việc đặt điện thoại vào tay khi ngủ để mỗi sáng khi báo thức rung cô sẽ biết để dậy. Điều khiến bạn bè khâm phục Mộng Nam là trong suốt những năm tháng đi học, cô chưa bao giờ đi học muộn.
Sở hữu thành tích đáng nể
Tốt nghiệp đại học, Mộng Nam được tuyển thẳng lên hệ thạc sĩ tại Đại học Cát Lâm nhờ thành tích ấn tượng. Năm 2018, cô khiến nhiều người ngưỡng mộ khi tiếp tục học lên tiến sĩ tại Đại học Thanh Hoa danh giá.
Niềm vui đến với cô gái trẻ vì trước khi bước vào một chặng đường tri thức mới, cô được cấy ghép ốc tai điện tử thành công. Ca phẫu thuật khiến cuộc đời Mộng Nam thay đổi nhiều. Việc nghe được âm thanh như người bình thường giúp cô có thêm động lực để cố gắng.
Cô tiếp tục trau dồi tri thức và nghiên cứu chuyên sâu về miễn dịch ung thư và trí tuệ nhân tạo. Đây là một ngành mới nhưng bằng tất cả sự tự tin, quyết tâm, cô đã chinh phục thành công tấm bằng tiến sĩ.
Trở thành tiến sĩ khi mới 29 tuổi, Mộng Nam còn được Đài Truyền hình Trung ương vinh danh là 1 trong 10 nhân vật truyền cảm hứng của năm 2021.
Sau này, Mộng Nam gia nhập "Hiệp hội nghiên cứu khả năng tiếp cận sinh viên” với mong muốn giúp đỡ nhiều người khuyết tật hơn, đặc biệt là những sinh viên có hoàn cảnh giống cô ngày trước.
Hiện tại, Mộng Nam đang làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Tây Hồ. Không chỉ thành công trong sự nghiệp, cô gái trẻ còn có cuộc sống viên mãn bên bạn đời cũng chính là chàng trai yêu thầm cô ngày còn học chung tại Đại học Thanh Hoa.
Câu chuyện của Mộng Nam truyền động lực đến nhiều người về tấm gương nỗ lực phi thường vượt lên nghịch cảnh và tự tìm kiếm hạnh phúc cho chính mình.