Theo dấu 16 bảo vật quốc gia được bảo vệ cẩn mật tại TPHCM
Dòng chảy - Ngày đăng : 06:52, 25/09/2024
Hiện tại, TPHCM có 16 bảo vật quốc gia được lưu giữ tại 3 bảo tàng nằm trên địa bàn. Dữ liệu trên vừa được Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) thành phố báo cáo với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Cục Di sản Văn hóa.
Những nơi đang lưu giữ bảo vật quốc gia tại TPHCM là Bảo tàng Lịch sử TPHCM, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM và Bảo tàng TPHCM. Các bảo vật được bảo quản, chăm sóc cẩn thận theo quy trình riêng để đảm bảo giữ được hiện trạng, kiểm tra tình trạng định kỳ.
Việc bảo vệ các bảo vật quốc gia cũng được thực hiện cẩn mật với mức độ an ninh cao. Thậm chí, có bảo vật được lắp đặt rào chắn bằng tia hồng ngoại cảnh báo và có camera giám sát 24/24h cùng hệ thống chống trộm.
Nơi giữ nhiều bảo vật quốc gia
Bảo tàng Lịch sử TPHCM là nơi lưu giữ 12 bảo vật quốc gia, nhiều nhất trên địa bàn thành phố. Các bảo vật quốc gia tại đây được Thủ tướng công nhận vào các năm 2012, 2013, 2018.
Trong đó, 4 bảo vật quốc gia thuộc văn hóa Champa, 8 bảo vật quốc gia thuộc văn hóa Phù Nam - Óc Eo. Về chất liệu, 5 bảo vật quốc gia được chế tác hoàn toàn bằng đá, 3 bảo vật chế tác từ gỗ, 4 bảo vật được đúc từ đồng.
Đại diện Bảo tàng Lịch sử TPHCM cho biết, đây là những tác phẩm nghệ thuật vừa thể hiện giá trị lịch sử văn hóa - tín ngưỡng tộc người, vừa thể hiện giá trị thẩm mỹ của kỹ thuật đương thời mang tính bản địa của các thành phần dân tộc Việt Nam trong quá khứ. Các bảo vật này góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.
Các bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM gồm: 5 bức tượng Phật được chế tác bằng chất liệu đồng, đá sa thạch, gỗ mù u, gỗ sao, gỗ bằng lăng; 3 tượng Quan Thế Âm Bồ Tát được chế tác từ đồng, đá sa thạch; tượng nữ thần Devi được chế tác từ đá sa thạch; tượng thần Vishnu được chế tác từ đồng; tượng thần Surya được chế tác từ đá sa thạch; tượng nữ thần Durga từ đá sa thạch.
Sở VH&TT TPHCM cho biết, các bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Lịch sử thành phố đã được tăng cường các biện pháp bảo vệ như đặt trên bệ phù hợp, chắc chắn, rào chắn bằng kính cường lực và kim loại, có camera quan sát cùng biển báo an ninh. Bảo tàng cũng tăng cường nhân sự bảo vệ chuyên trách tại các phòng trưng bày, thông báo tới cơ quan chức năng, công an địa phương về các bảo vật đang lưu giữ.
Hiện tại, các bảo vật tại đây vẫn đảm bảo yếu tố nguyên gốc, không phát sinh tình trạng hư hỏng. Các bức tượng bằng đá được vệ sinh tách các lớp xi măng, keo cũ, chất bẩn, làm sạch bụi và gia cố thêm; tượng gỗ cũng được gia cố, gắn chắp các vết nứt, chỗ có khả năng hủy hoại cao, quét keo phủ bảo vệ; tượng bằng đồng được phủ keo bảo vệ nhằm cách ly sự tiếp xúc bề mặt kim loại với môi trường.
Công tác bảo quản được Bảo tàng Lịch sử TPHCM chú trọng để đảm bảo duy trì tuổi thọ hiện vật tốt nhất, thông qua khâu kiểm soát môi trường, nhiệt độ, độ ẩm. Nhóm hiện vật có chất liệu đá sa thạch ít bị tác động từ môi trường, các bảo vật có chất liệu gỗ, kim loại có niên đại sớm nên không tránh khỏi việc bị oxy hóa, phân hủy, tác động từ môi trường và sự xâm thực của côn trùng.
Bức tranh được bảo vệ bằng tia hồng ngoại
Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM đang lưu giữ 2 tác phẩm tranh sơn mài đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Đó là bức "Vườn xuân Trung Nam Bắc" của họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908-1993) và bức "Thanh Niên Thành Đồng" của họa sĩ Nguyễn Sáng (1923-1988).
Theo Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, tác phẩm "Vườn xuân Trung Nam Bắc" được thực hiện với kỹ thuật sơn mài điêu luyện, tư duy tạo hình cao, cảm xúc thẩm mỹ mạnh. Tác phẩm là sự đúc kết, tổng hợp mọi thành tựu nghệ thuật trong nửa thế kỷ tìm tòi, sáng tạo và cống hiến cả cuộc đời của họa sĩ Nguyễn Gia Trí dành cho sơn mài.
Tác phẩm được thực hiện trong 20 năm, từ năm 1969 đến 1989, là tác phẩm cuối cùng của danh họa Nguyễn Gia Trí. Tác phẩm được Nhà nước công nhận là Bảo vật Quốc gia ngày 30/12/2013.
Tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, bức tranh "Vườn xuân Trung Nam Bắc" được trưng bày tại phòng riêng có đủ thiết bị hỗ trợ bảo vệ hiện vật cùng một số bản thảo tác phẩm, kỷ vật, hình ảnh, tư liệu về sự nghiệp sáng tác của danh họa Nguyễn Gia Trí. Bức tranh được bảo vệ bằng rào chắn tia hồng ngoại, hệ thống camera giám sát 24/24h và được bảo vệ giám sát thường xuyên, trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy bằng khí.
Bức tranh "Thanh Niên Thành Đồng" được sáng tác từ năm 1967 đến năm 1978, là một tác phẩm đặc biệt mà nội dung xuất phát từ bối cảnh lịch sử của đất nước những năm kháng chiến chống Mỹ.
Bức tranh mô tả cuộc đấu tranh, biểu tình của học sinh, sinh viên Sài Gòn vào những năm 1960. Tác phẩm đã thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của tầng lớp tri thức trong việc phản đối sự có mặt của lính Mỹ tại Việt Nam.
Bức tranh "Thanh Niên Thành Đồng" được trưng bày theo chuyên đề phòng tranh bảo vật quốc gia. Phòng tranh có trưng bày thêm một tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Sáng cùng một số tranh phiên bản khác của tác giả này. Tác phẩm "Thanh Niên Thành Đồng" được đảm bảo an toàn bằng hệ thống giá treo cố định, tạo độ hở để tránh ẩm mốc từ mặt sau.
Sở VH&TT TPHCM cho biết, cả 2 bức tranh trên được kiểm tra thường xuyên, bảo quản đúng quy định và đảm bảo giữ nguyên trạng tác phẩm. Hai bảo vật quốc gia được theo dõi nhiệt độ, độ ẩm hàng ngày với nhiệt độ 28-29 độ C, độ ẩm 55-65%.
Chiếc ấn của vị công thần
Những bảo vật quốc gia được lưu giữ tại Bảo tàng TPHCM là ấn đồng Lương Tài Hầu chi ấn và khuôn in tín phiếu mệnh giá 5 đồng. Trong đó, ấn đồng Lương Tài Hầu chi ấn được trưng bày tại phòng chuyên đề "Du xuân - Cổ ngoạn"; khuôn in tín phiếu mệnh giá 5 đồng được trưng bày tại phòng chuyên đề "Tiền Việt Nam".
Theo Hồ sơ di sản của Cục Di sản Văn hóa, ấn đồng Lương Tài Hầu chi ấn được Thủ tướng công nhận là bảo vật quốc gia năm 2020. Đây là hiện vật độc bản, có chất liệu bằng đồng, được đúc vào năm Minh Mạng thứ 14 (1833).
Lương Tài Hầu chi ấn là ấn của một trong 3 vị công thần - võ tướng đứng đầu 3 đạo quân lớn lúc đó là Tiền quân, Trung quân, Hậu quân được phong Hầu tước. Trong đó, tướng Trần Văn Năng được phong Lương Tài Hầu.
Lương Tài Hầu chi ấn gắn liền với nhân vật lịch sử Trần Văn Năng, người từng giữ chức Phó Tổng trấn thành Gia Định. Ông cũng là công thần, tướng lĩnh cao cấp đầu tiên được phong Hầu tước mà không thuộc dòng dõi hoàng tộc.
Khuôn in tín phiếu mệnh giá 5 đồng có niên đại từ năm 1947, được chế tác từ hợp kim đồng. Khuôn in có hình chữ nhật, chính giữa khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, cạnh trên có hàng chữ (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được khắc hoa), mệnh giá tín phiếu được ghi bằng số 5.
Bên dưới mệnh giá có hai khung hình chữ nhật khắc chìm, một khung bên trong có hàng chữ "Đại diện Chính phủ Trung ương" và chữ ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng; khung còn lại có hàng chữ "Đại diện Ủy ban Hành chính Trung Bộ" cùng chữ ký của ông Nguyễn Duy Trinh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư.
Sở VH&TT TPHCM cho biết, công tác bảo vệ đối với 2 bảo vật quốc gia nói trên được phía bảo tàng đặc biệt quan tâm. Các hiện vật được bố trí camera giám sát, hệ thống báo động, chống trộm và tăng cường lực lượng tuần tra an ninh.
Bảo tàng TPHCM cũng phối hợp với Công an phường Bến Nghé (quận 1) trong việc bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các bảo vật quốc gia, nghiên cứu xây dựng phương án xử lý khi xảy ra rủi ro thiên tai, cháy nổ, mất trộm…
Hiện tại, ấn đồng Lương Tài Hầu chi ấn và khuôn in tín phiếu mệnh giá 5 đồng chưa có sự thay đổi về tình trạng hiện vật, tính chất tương đối ổn định, không ghi nhận tác động của yếu tố côn trùng, nấm mốc. Tuy nhiên, tình trạng oxy hóa đã xuất hiện do tác động của nhiệt độ, độ ẩm.
Do đó, công tác bảo quản đối với 2 bảo vật quốc gia tại Bảo tàng TPHCM được thực hiện ở mức độ phòng ngừa, vệ sinh làm sạch bề mặt. Công tác kiểm tra về nhiệt độ, độ ẩm và đưa hiện vật về kho bảo quản được thực hiện định kỳ 3 tháng một lần.