Chuyện người lính Nhật trong hàng ngũ bộ đội Cụ Hồ và thanh kiếm đặc biệt

Nhịp sống - Ngày đăng : 06:23, 25/09/2024

Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Quảng Bình đã đặt cho viên trung úy Nhật Inoue Tanaka một cái tên mới: Lê Trung, có nghĩa là trung thành với Chủ nghĩa Mác - Lê nin.
Chuyện người lính Nhật trong hàng ngũ bộ đội Cụ Hồ và thanh kiếm đặc biệt - 1

Tại Bảo tàng Quân khu 4 (đóng trên địa bàn thành phố Vinh, Nghệ An) đang bảo quản một thanh kiếm đặc biệt.

Chuyện người lính Nhật trong hàng ngũ bộ đội Cụ Hồ và thanh kiếm đặc biệt - 3

Phần lưỡi kiếm đã rỉ sét, đôi chỗ bị mẻ. Hiện vật mang đặc trưng của Samurai, được quân đội Nhật hoàng trang bị cho sĩ quan từ cấp úy trở lên. Một thanh kiếm Nhật nhưng lại là hiện vật của một người lính Cụ Hồ! Chính điều này đã thôi thúc Trung tá Nguyễn Hữu Hoành, cán bộ Ban tuyên truyền Bảo tàng Quân khu 4 tìm hiểu.

Trung tá Hoành đã nghiền ngẫm cuốn lịch sử Trung đoàn 101 (1945-1995) do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản năm 1995, cuốn Địa chí xã Bảo Ninh (Nhà xuất bản Thuận Hóa, năm 1986) cùng các tài liệu khác, để từ đó, làm rõ thêm chân dung của một người lính Nhật đã chiến đấu, hi sinh cho cuộc chiến bảo vệ độc lập của đất nước Việt Nam.

Chuyện người lính Nhật trong hàng ngũ bộ đội Cụ Hồ và thanh kiếm đặc biệt - 5

"Trung úy quân y Inoue Tanaka, tức bác sĩ quân y Lê Trung là một trong số đó", Trung tá Nguyễn Hữu Hoành cho biết.

Inoue Tanaka (SN 1918), trong một gia đình thuộc tầng lớp võ sĩ đạo (Samurai) Nhật Bản. Ông tốt nghiệp trường y, năm 1944, được điều động phục vụ trong quân đội Nhật Bản tại Đông Dương với nhiệm vụ của một thầy thuốc. Đơn vị của ông đóng tại thị xã Đông Hà (nay là thành phố Đông Hà, Quảng Trị).

Trực tiếp chứng kiến cuộc sống và tinh thần đấu tranh của nhân dân Việt Nam, Trung úy quân y Inoue Tanaka dần có cảm tình và ủng hộ phong trào cách mạng. Tháng 8/1945, khi biết tin phát xít Nhật thất bại trong Chiến tranh thế giới thứ 2, Inoue Tanaka đã vận động 6 đồng đội cướp chiếc ca nô từ tàu thủy trên đường chuyển quân bỏ trốn, mong thoát khỏi nguy hiểm để có ngày tìm về quê hương.

Chiếc ca nô chở 7 người lính Nhật cập bờ biển xã Trường Sa (nay là phường Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình). Những người này đã giao nộp vũ khí, nhờ người dân giúp đỡ liên lạc với lực lượng Việt Minh. Ông Nguyễn Tú, Chủ tịch Việt Minh Đồng Hới chỉ đạo nhân dân nuôi giấu, bảo vệ số binh lính Nhật khỏi sự truy lùng của phát xít.

Chuyện người lính Nhật trong hàng ngũ bộ đội Cụ Hồ và thanh kiếm đặc biệt - 7

Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, Inoue Tanaka và 6 đồng đội vẫn được an toàn, dưới sự cưu mang, đùm bọc của nhân dân Việt Nam. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra, 6 người lính Nhật kia có mặt trong các đơn vị quân đội, sát cánh của bộ đội Việt Nam chiến đấu bảo vệ nền độc lập non trẻ. Riêng Nguyễn Mùi được ông Hoàng Văn Diệm, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Quảng Bình điều động làm Y sĩ trưởng phụ trách Bệnh viện quân chính của tỉnh Quảng Bình, đóng tại Ba Đồn, huyện Quảng Trạch.

"Chính ông Hoàng Văn Diệm đặt tên mới cho Inoue Tanaka là Lê Trung, có nghĩa là trung thành với chủ nghĩa Mác - Lê Nin. Từ đây, cái tên Lê Trung được lưu trong hồ sơ và lý lịch quân nhân, gắn với vị bác sĩ quân y người Nhật này cho đến lúc hi sinh", Trung tá Nguyễn Hữu Hoành thông tin.

Cuối năm 1947, bác sĩ Lê Trung được điều động, bổ nhiệm làm Bệnh xá trưởng Trung đoàn 101 bộ đội Bình - Trị - Thiên, đóng phía tây huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, có nhiệm vụ cứu chữa, chăm sóc thương, bệnh binh từ mặt trận Trung Lào chuyển về. Năm 1948, bác sĩ Lê Trung xung phong dẫn đầu tổ công tác quân y sang trực tiếp thành lập Bệnh xá tiền phương của Trung đoàn 101 tại Bualapha, Trung Lào để kịp thời cứu chữa thương, bệnh binh đang làm nhiệm vụ quốc tế trên nước bạn.

Chuyện người lính Nhật trong hàng ngũ bộ đội Cụ Hồ và thanh kiếm đặc biệt - 9

Những ngày sát cánh cùng bộ đội Việt Nam chiến đấu chống thực dân Pháp tại bệnh xá Trung đoàn 101, tình cảm giữa bác sĩ Lê Trung và y tá Hoàng Thị Kim Huê (quê Nha Trang, Khánh Hòa) nảy nở. Tình cảm lớn dần trong những lần cứu chữa, sơ tán thương binh, họ quyết định gắn bó cuộc đời với nhau. Đầu năm 1948, dưới sự chủ trì của đơn vị, đám cưới đơn sơ của bác sĩ Lê Trung và y tá Kim Huê được tổ chức dưới tán rừng biên giới Việt - Lào.

Chuyện người lính Nhật trong hàng ngũ bộ đội Cụ Hồ và thanh kiếm đặc biệt - 11

Trong chiến tranh, nơi mặt trận ác liệt, bác sĩ quân y Lê Trung cùng đồng đội trực tiếp cứu chữa hàng trăm thương, bệnh binh nặng. Do điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, gian khổ trên chiến trường, cuối tháng 9/1948 bác sĩ Lê Trung bị một trận sốt quật ngã. Ngày 1/10/1948, anh bộ đội Cụ Hồ mang quốc tịch Nhật Bản trút hơi thở cuối cùng tại mặt trận Trung Lào, khi vợ vừa mang thai được 3 tháng.

Sau khi bác sĩ Lê Trung hi sinh, đơn vị tạo điều kiện, chuyển y tá Kim Huê về làm việc tại bệnh viện thuộc huyện Tuyên Hóa. Năm 1949, con gái Lê Hoàng Tuyên - kết tinh tình yêu của vị bác sĩ người Nhật và y tá Việt - chào đời.

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, bà Hoàng Thị Kim Huê được cử đi học Trường Nguyễn Ái Quốc rồi về giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình. Năm 1960 bà là Phó Ty Y tế Đặc khu Vĩnh Linh. Người con gái duy nhất của vợ chồng bác sĩ Lê Trung được cử đi học tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Hoàn thành việc học, chị Lê Hoàng Tuyên công tác tại Viện Quy hoạch Bộ Xây dựng. Giọt máu duy nhất của vị bác sĩ người Nhật qua đời sớm do mắc bệnh hiểm nghèo.

Sau ngày đất nước thống nhất, bà Kim Huê nhiều lần viết đơn đề nghị Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam hỗ trợ tìm kiếm quê hương, họ hàng thân thích của chồng nhưng do thông tin về nhân thân của ông rất hạn chế nên không có kết quả.

Chuyện người lính Nhật trong hàng ngũ bộ đội Cụ Hồ và thanh kiếm đặc biệt - 13

Điều khiến bà Kim Huê luôn trăn trở là bác sĩ Lê Trung sau gần 50 năm hy sinh vẫn chưa được công nhận là liệt sỹ. Bà tìm gặp các thủ trưởng, đồng đội cũ của chồng như Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, đồng chí Hoàng Văn Diệm, Thiếu tướng Phan Khắc Hy... để xác nhận thông tin và đề nghị giúp đỡ. Những đóng góp của bác sĩ người Nhật đối với cách mạng Việt Nam đã được ghi nhận. Ngày 22/8/1997, Chủ tịch nước ban hành quyết định công nhận liệt sỹ đối với bác sĩ quân y Lê Trung.

Ngày 15/12/1997, hài cốt liệt sỹ Lê Trung được quy tập, đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sỹ Ba Dốc, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình.

Trong quá trình khai quật phần mộ của ông, cán bộ, chiến sĩ đội quy tập đã tìm thấy thanh kiếm Nhật được bọc trong lớp vải dầu. Thanh kiếm được ông mang từ Nhật sang, và luôn ở bên mình như một cách nhớ về nguồn cội, về quê hương bản quán của ông. Thanh kiếm của liệt sỹ quân y Lê Trung được bàn giao về Bảo tàng Quân khu 4 để bảo quản, trưng bày phục vụ công tác tuyên truyền.

"Ai đã đến thăm Nghĩa trang Liệt sỹ Ba Dốc, đều tìm đến ngôi mộ kí hiệu số 1, hàng 70, lô số 4, trên bia mộ khắc dòng chữ: Liệt sỹ Lê Trung; nguyên quán: quốc tịch Nhật Bản; cấp bậc, chức vụ: bác sĩ quân y.

Năm 1999, bà Hoàng Thị Kim Huê ra đi khi nỗi mong mỏi tìm kiếm thông tin về thân nhân của liệt sỹ Lê Trung còn dang dở. Đến bây giờ, quê hương của ông đang là điều khiến chúng tôi trăn trở, mong sớm có thể xác định được cụ thể, để góp phần tri ân những đóng góp của vị bác sĩ người Nhật đối với công cuộc kháng chiến cứu quốc của nhân dân Việt Nam", Trung tá Nguyễn Hữu Hoành cho biết.

Nội dung: Hoàng Lam

Thiết kế: Patrick Nguyễn