Cứ 5 người trẻ Trung Quốc có 1 thất nghiệp, chuyện kỳ lạ về 'món quà sa thải'

Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 14:04, 24/09/2024

Trung Quốc đang ở trong tình trạng báo động khi mà tỷ lệ thất nghiệp ở quốc gia này tăng vọt. Cứ khoảng 5 người trẻ tuổi lại có 1 người thất nghiệp.

Theo CNBC, số liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ nước này, độ tuổi từ 18-24 (đang nghỉ học), tăng vọt lên 18,8% vào tháng 8. Điều này có nghĩa, cứ 5 người trẻ lại có 1 người không có việc. Đây là mức cao nhất kể từ khi phương pháp tính toán mới được áp dụng từ cuối năm 2023.

Trong tháng 7, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này là 17,1%, còn trong tháng 6 là 13,2%.

Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm tuổi 25-29 (không bao gồm sinh viên đại học) cũng tăng lên 6,9% vào tháng 8, từ mức 6,5% trong tháng 7.

Tỷ lệ thất nghiệp với mọi nhóm tuổi tại khu vực thành thị cũng tăng từ mức 5,2% trong tháng 7 lên 5,3% trong tháng 8.

Ngoài tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, nền kinh tế Trung Quốc cũng ghi nhận nhiều số liệu đáng thất vọng. Doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp tăng trưởng thấp hơn dự kiến.

Bank of America gần đây hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Trung Quốc xuống 4,8%, thấp hơn mục tiêu 5% của Bắc Kinh. Citigroup cũng hạ dự báo xuống 4,7%. Ngân hàng UBS hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2024 và 2025 lần lượt từ 4,9% và 4,6% xuống còn 4,6% và 4%.

laodongTrungQuoc GetyImages.gif
Giới trẻ Trung Quốc khó tìm việc làm nhưng cũng sợ làm việc quá áp lực. Ảnh: Getty Images.

Điều gì đang xảy ra với Trung Quốc?

Bên cạnh hiện trạng rất khó tìm được việc làm khi mới ra trường, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tại Trung Quốc tăng cao còn gắn liền với một xu hướng khá kỳ lạ tại nước này trong vài năm gần đây: Nhiều thanh niên trẻ tuổi muốn nhanh chóng thoát cảnh áp lực cơm áo gạo tiền, muốn bị sa thải để nhận trợ cấp thôi việc.

Không ít những người trẻ tuổi tại Trung Quốc theo đuổi lối sống “tang ping” (thảng bình), có nghĩa là “nằm thẳng”, lối sống mặc kệ đời thay vì nỗ lực cống hiến và kiếm tiền trang trải cuộc sống. Giới trẻ từ chối kết hôn, không lập gia đình, không làm thêm và không làm việc bàn giấy.

Theo SCMP, nhiều thanh niên nhận khoản trợ cấp thôi việc và một tháng lương, thường được gọi là “món quà sa thải” rồi đi du lịch.

Không ít sinh viên tốt nghiệp đại học danh giá tại Trung Quốc cũng rơi vào tình trạng này.

Tìm việc làm đã khó, nhưng ngay cả với những người đã có chỗ làm việc cũng chịu áp lực rất lớn khác. Văn hóa làm việc 996 với phương thức và chế độ làm việc tập thể với lịch làm việc khắt khe từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối liên tục 6 ngày trong một tuần là thách thức lớn đối với họ.

Đây là một vấn nạn tại Trung Quốc bởi sau khi thôi việc và đi du lịch tận hưởng cuộc sống, những thanh niên trẻ này sẽ làm gì?

Bên cạnh lối sống mặc kệ đời của giới trẻ, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng mạnh tại Trung Quốc còn do nền kinh tế lớn thứ hai thế giới suy giảm tăng trưởng nghiêm trọng, có liên quan tới cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản vài năm qua.

Những người trẻ tuổi tại Trung Quốc rất khó tìm được một công việc trong 3 năm qua, khi mà các ngành dịch vụ từng tuyển dụng rất nhiều sinh viên mới ra trường bị suy yếu nặng nề, đặc biệt là bất động sản, tài chính và công nghệ thông tin.

Các doanh nghiệp không tuyển sinh viên mới do lo ngại kinh tế trì trệ và các chi phí liên quan khi sa thải nhân viên.

Triển vọng việc làm ảm đạm tới mức, chính quyền Bắc Kinh phải kêu gọi các doanh nghiệp tạo việc làm cho thanh niên. "Gã khổng lồ" giao đồ ăn Meituan đáp lại bằng kế hoạch tuyển dụng 6.000 sinh viên mới tốt nghiệp vào năm 2025, khiến nhiều người tin vào câu nói vui “cử nhân đi làm shipper” đã trở thành hiện thực.

Trên trang Caixin, Meituan phủ nhận thông tin tuyển 80.000 thạc sĩ và 300.000 sinh viên tốt nghiệp đại học cao đẳng làm shipper, nhưng trước đó, CEO Wang Xing cho biết mỗi năm tuyển 5.000 sinh viên tốt nghiệp và có kế hoạch tuyển 6.000 sinh viên trong năm 2025.

Hồi tháng 5, lãnh đạo Trung Quốc cho biết việc giải quyết tình trạng thất nghiệp ở thanh niên phải được coi là “ưu tiên hàng đầu”.

Tỷ lệ thất nghiệp cao hoặc/và thu nhập của người dân thấp sẽ kéo theo việc người tiêu dùng bị áp lực và giảm chi tiêu. Điều này càng làm trầm trọng thêm suy thoái kinh tế.

Tuy nhiên, triển vọng kinh tế Trung Quốc vẫn khá u ám. Quốc gia này vẫn đang đối mặt với nhiều vấn đề dài hạn như cuộc suy thoái lớn trong lĩnh vực nhà ở. Kinh tế đình đốn và dường như đang đi vào vết xe đổ kiểu Nhật.

Hồi đầu thập niên 1990, Nhật chứng kiến bong bóng nhà đất phát nổ. Quốc gia này đã không có chính sách hỗ trợ nền kinh tế, khiến kinh tế rơi vào cuộc suy thoái kéo dài.