Giúp con tuổi dậy thì đối mặt với áp lực từ bạn bè

Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 10:47, 24/09/2024

Tuổi dậy thì là giai đoạn hình thành nhân cách, định hình quan điểm sống. Trong giai đoạn này, áp lực từ bạn bè là một yếu tố ảnh hưởng lớn đến hành vi và quyết định của con trẻ.

Thông qua việc giúp con xác định giá trị bản thân, trang bị những kỹ năng cần thiết và làm gương cho con, cha mẹ có thể giúp con đưa ra những quyết định khôn ngoan và sống một cuộc sống ý nghĩa.

Hiểu rõ áp lực từ bạn bè

Đối với "tuổi teen", áp lực từ bạn bè có thể xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau. Các con muốn được chấp nhận nên thường có xu hướng làm theo đám đông để được bạn bè yêu quý và chấp nhận.

Các con sợ không đồng tình với bạn bè có thể dẫn đến bị cô lập hoặc bị trêu chọc. Các con tò mò, muốn khám phá những điều mới lạ, trải nghiệm những cảm giác mạnh. Ngoài ra, các hình ảnh, video trên mạng xã hội có thể tạo ra những chuẩn mực và kỳ vọng không thực tế.

Năm cách giúp con đối mặt với áp lực

1. Xây dựng mối quan hệ tin cậy giữa cha mẹ và con

- Hãy dành thời gian lắng nghe con chia sẻ về bạn bè, về những gì đang diễn ra trong cuộc sống của con.

- Tạo không gian an toàn để con cảm thấy thoải mái khi chia sẻ mọi điều với bố mẹ, kể cả những điều con cảm thấy xấu hổ hoặc sợ hãi.

- Hãy trở thành người bạn đồng hành của con, cùng con chia sẻ những kinh nghiệm sống và đưa ra những lời khuyên hữu ích.

2. Giúp con xác định giá trị bản thân:

- Hãy giúp con khám phá và phát triển những sở thích riêng, giúp con tự tin hơn vào bản thân.

- Khen ngợi con khi con làm việc tốt, thể hiện sự tự tin và độc lập.

- Giúp con đặt ra những mục tiêu, cùng con xây dựng kế hoạch để đạt được những mục tiêu đó.

3. Trang bị cho con kỹ năng từ chối:

- Giúp con học cách nói "không" một cách tự tin và lịch sự.

- Rèn luyện kỹ năng giải quyết xung đột giúp con đối mặt với những tình huống khó khăn và tìm ra giải pháp.

- Giúp con tin vào bản thân và quyết định của mình.

4. Giúp con nhận biết những dấu hiệu nguy hiểm:

- Nói chuyện thẳng thắn với con về những vấn đề xã hội như nghiện ma túy, bạo lực học đường... để cùng con đưa ra các tình huống có thể xảy ra.

- Luôn quan sát để nhận biết những dấu hiệu bất thường trong hành vi của con, như thay đổi bạn bè, trở nên bí ẩn, hay có những biểu hiện lo lắng, căng thẳng, từ đó kịp thời phát hiện vấn đề và giúp con bình tĩnh đối phó.

5. Làm gương cho con:

- Hãy là tấm gương để con noi theo, sống đúng với những giá trị mà bạn muốn truyền đạt cho con.

- Hãy xây dựng những mối quan hệ lành mạnh với người xung quanh, để con học hỏi và noi theo.

Theo PNVN